Chính quyền Đức lo lắng về các thông tin sai lệch trên mạng xã hội về cuộc bầu cử
(CLO) Chính quyền và các chuyên gia Đức đang tìm cách bảo vệ cuộc bầu cử của nước này trước những tác động tiềm tàng từ hoạt động rò rỉ thông tin, cũng như các chiến dịch thông tin sai lệch.
Với cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào ngày 23/2, Đức đang phải đối mặt với những thách thức lớn về bảo vệ an ninh mạng và thông tin. Các chuyên gia cảnh báo rằng những cuộc tấn công vào tổ chức và cá nhân nổi tiếng có thể gây ra mối nguy hiểm cho tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.
Một khi dữ liệu nhạy cảm bị xâm phạm, nó có thể bị lợi dụng để thực hiện các chiến dịch đưa các thông tin đó ra công chúng, nhằm làm suy yếu uy tín của các ứng cử viên hoặc đảng phái chính trị.
Mối lo lắng không chỉ đến từ các tác nhân bên ngoài mà còn từ những nhóm cực đoan trong nước. Các tổ chức này hiện nay đang sử dụng mạng xã hội và các nền tảng nhắn tin như WhatsApp, Telegram, TikTok để thao túng thông tin và lách các hệ thống kiểm soát của các phương tiện truyền thông truyền thống.

Đức đang chuẩn bị cho các mối đe dọa kỹ thuật số. Ảnh: IMAGO
Ông Josef Lentsch, giám đốc điều hành của Hội nghị công nghệ chính trị tại Berlin, nhấn mạnh rằng cả những tác nhân cực đoan và các đảng phái đối lập đã xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thay thế trong nhiều năm qua. Điều này giúp họ dễ dàng vận dụng các chiến thuật tuyên truyền, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để khuếch đại thông điệp của mình.
Ông nói rằng tại Romania, hàng nghìn tài khoản trên các nền tảng như TikTok và Telegram đã được sử dụng để thúc đẩy chiến dịch cho ứng cử viên cực hữu Calin Georgescu, qua đó giúp ông giành chiến thắng bất ngờ ở vòng 1 (hiện kết quả bầu cử đã bị Tòa án Tối cao nước này hủy bỏ và cuộc bầu cử phải tiến hành lại).
Hiện, việc tranh cử trên mạng xã hội là rất phổ biến trên thế giới. Thực tế, hầu hết các chính trị gia trên thế giới đều đang sử dụng mạng xã hội, trong đó có Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - người thường xuyên đưa ra thông điệp tranh cử trên TikTok hoặc Truth Social do ông sở hữu, cũng như mạng xã hội X do đồng minh tranh cử của ông sở hữu là tỷ phú Elon Musk.
Ngoài ra, sự trỗi dậy của "tuyên truyền AI" cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ. Công nghệ AI hiện nay cho phép tạo ra các bài đăng từ văn bản đến hình ảnh và video với tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước. Đặc biệt, đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) đã tận dụng AI để vận động tranh cử.
Để bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, các chuyên gia cho rằng cần một chiến lược đa chiều. Cơ quan Liên bang về bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV) đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giám sát các mối đe dọa mạng, trong khi Cục An ninh Thông tin Liên bang (BSI) cung cấp các hội thảo bảo mật cho các ứng cử viên và đảng phái chính trị.
Chỉ còn hai tháng rưỡi nữa là đến ngày bầu cử, ông Lentsch nhấn mạnh sự quan trọng của việc tăng cường đối thoại giữa chính quyền, các tác nhân chính trị và xã hội dân sự để đối phó với những thông tin sai lệch trên mạng xã hội về cuộc bầu cử.
Katja Munoz, chuyên gia tại Trung tâm Địa chính trị, Địa kinh tế và Công nghệ của Đức, đề xuất rằng chính quyền cần nâng cao nhận thức về thông tin sai lệch và tuyên truyền do AI tạo ra, giúp công chúng hiểu được cách thức dư luận bị thao túng và các quan điểm cực đoan đang bị đẩy lên trong các cuộc tranh luận.
Ngọc Ánh (theo DW)