Góc nhìn

Chính sách an sinh đột phá: Hạnh phúc của người dân là đích đến cao nhất!

Hà Nguyễn 08/05/2025 10:03

(NB&CL) Nếu biết rằng, viện phí và học phí chiếm 30% đến 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam - theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới - sẽ thấy những quyết sách an sinh mới đây, đặc biệt là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về miễn học phí, viện phí được đón nhận nồng nhiệt đến thế nào.

Như lời của vị Thứ trưởng Bộ Y tế, là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân. Thật hạnh phúc khi những quyền lợi cơ bản của người dân ngày càng được đặt lên hàng những ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách.

“Bé 2 tuổi gào khóc vì ung thư hành hạ, bố nghèo ôm con rời viện về chờ số phận”; “Kiệt quệ vì nuôi con bạo bệnh”; “Oằn mình nuôi vợ, con mắc bệnh hiểm nghèo”; Con trai bất ngờ ngã quỵ, cha già bất lực không thể lo viện phí”… là một số trong vô vàn những dòng tít có nội dung tương tự xuất hiện dày đặc trên các trang báo. Rất nhiều cơ quan báo chí đã miệt mài mở ra các chuyên mục Tấm lòng nhân ái, Nhịp cầu nhân ái… nhằm kết nối những tấm lòng hảo tâm đến với những bệnh nhân nghèo khốn khó trong nỗi tuyệt vọng khốn cùng vì bệnh tật. Nhưng tất cả dường như chỉ như muối bỏ biển.

Theo một thống kê hồi giữa năm 2024 của ngành y tế cho thấy, có khoảng 1/3 số bệnh nhân bị ung thư không có đủ điều kiện để mua thuốc đặc trị sau 12 tháng kể từ khi được phát hiện. Có khoảng 22% số bệnh nhân không đủ tiền để thanh toán cho các khoản chi phí, dịch vụ đi lại và có đến gần 25% số gia đình bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh khánh kiệt, phải chạy vạy vay mượn người thân, bạn bè khắp nơi. Thậm chí có gần 10% trong số này phải chấp nhận cầm cố, sang bán nhà cửa, đất đai để có thể có tiền điều trị… Những con số đậm màu bi kịch…

Không chỉ viện phí, học phí từ lâu đã là gánh nặng, thậm chí là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình Việt, nhất là nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cho dù mức học phí trường công chỉ 315.000 đồng/năm nhưng theo thầy Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hòa Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, việc thu học phí vẫn gặp khó khăn vì nhiều phụ huynh còn chật vật lo từng bữa ăn, chưa nói đến chuyện học hành. Cách đây chưa quá lâu, ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, khi nhận giấy báo nhập học, một em học sinh gia đình khó khăn đã phải bán mái tóc dài của mình mới đủ tiền nhập học- một câu chuyện đủ khiến tất cả những trái tim sắt đá nhất cũng phải rưng rưng.

Có chứng kiến nỗi đau khổ của một bà mẹ già nghèo đơn độc bật khóc vì không có tiền đóng viện phí cho con; có nghe tiếng thở dài của ông bố khăn gói từ Quảng Nam vào TP.HCM nuôi con ăn học, làm quần quật suốt cả ngày, gồng gánh hụt hơi chỉ kiếm được chưa đến 200.000 đồng mỗi ngày, mà phải lo cả tiền chợ, tiền nhà trọ, tiền học phí đại học cho con… mới có thể cảm thấu rõ những nỗi mừng vui đến rưng rưng của rất nhiều người dân, nhất là những người dân nghèo, yếm thế khi nhận được những chỉ đạo về miễn học phí, miễn viện phí từ người đứng đầu Đảng ta.

997_z4692824753823_b9782183dd564145243351174261c374.jpg
Miễn viện phí là chính sách an sinh chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.

Chủ trương “tiến tới miễn viện phí cho nhân dân” lần đầu được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14 của Đảng ngày 15/3 và yêu cầu ghi vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội 14. Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm này hôm 8/4 khi gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông khẳng định sẽ chú trọng phát triển y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân.

Mới đây nhất, Văn phòng Trung ương Đảng có thông báo kết luận sau buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035.

Song song với đó, đồng chí Tổng Bí thư cũng có những chỉ đạo về việc miễn học phí. Văn phòng Trung ương Đảng vừa ra thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Chính phủ và các ban, bộ, ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, vào ngày 18/4 vừa qua.

Theo đó, sau khi nghe Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT báo cáo, phát biểu của các cơ quan, Tổng Bí thư Tô Lâm thống nhất chủ trương các trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên. Có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này. Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

Còn nhớ, trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư cho rằng: “Nhà nước có chính sách rất quan trọng là phổ cập giáo dục, tiến dần từ tiểu học đến trung học, các cháu đến tuổi là được đến trường. Tiến tới, Nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học. Tiến bộ là phải như vậy!”.

Những chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta được đông đảo người dân vui mừng đón nhận với những kỳ vọng lớn. Còn theo nhìn nhận của giới tri thức, nhà khoa học, văn hoá, giáo dục, đó là những bước tiến lớn, mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội, không chỉ thể hiện một tầm nhìn đầy nhân văn mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy điều hành đất nước, mà ở đó con người được đặt vào trung tâm, để mỗi người dân Việt Nam thực sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc được đặt lên ưu tiên hàng đầu. “Hai định hướng mà Tổng Bí thư nêu ra không chỉ là mục tiêu y tế mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc rằng, chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người và vì một Việt Nam phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

7aa66011-597b-4b9b-a68d-4456e10ab680.jpg

Điều đáng mừng hơn nữa là không chỉ là miễn học phí, miễn viện phí, thời gian qua rất nhiều quyết sách an sinh xã hội đã được thực thi: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 đã mở rộng đối tượng tham gia; tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách BHXH; Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024, từ 1/1/2025, người tham gia BHYT khi mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc kỹ thuật cao có thể đến bệnh viện không phải nơi đăng ký ban đầu vẫn được BHYT thanh toán 100% mà không cần đến giấy chuyển tuyến như trước… Sắp tới đây, Luật Việc làm dự kiến sẽ được thông qua, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thúc đẩy tạo việc làm...

Một đất nước phát triển bền vững là nơi lưới an sinh được phủ khắp, là nơi mỗi người dân, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế đều được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội cơ bản nhất… Và đó cũng chính là chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Như lời PGS-TS Bùi Hoài Sơn: “Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận khát vọng an sinh như một cam kết đạo đức, một lời hứa với tương lai đang được thực hiện bằng quyết sách thực tiễn, lòng tin của nhân dân và quyết tâm của toàn hệ thống. Sự phát triển không chỉ đo bằng GDP, mà còn bằng nụ cười của người bệnh, bằng sự bình an của người dân”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính sách an sinh đột phá: Hạnh phúc của người dân là đích đến cao nhất!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO