Chính thức trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)
(CLO) Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội không quy định về đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Tờ trình số 436/TTr-CP gửi Quốc hội về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh hiện nay của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chỉ bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Một điểm mới khác của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có thể kể đến là quy định về đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ tại Điều 16.
Theo đó, đất hành lang an toàn đường bộ đã được Nhà nước thu hồi để xây dựng và quản lý bảo vệ công trình đường bộ phải được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi thì quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai nhưng phải bảo đảm an toàn giao thông, không che lấp hệ thống báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy trên đường và phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ.
Đối với quy định về tốc độ, dự thảo Luật đã phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ lưu hành trên đường bộ để làm cơ sở đầu tư, khai thác có hiệu quả tuyến đường.
Theo đó, tốc độ thiết kế của đường bộ là giá trị vận tốc được dùng để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu của đường bộ trong điều kiện khó khăn và được xác định trong giai đoạn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bộ nhằm bảo đảm cho phương tiện vận hành an toàn.
Tốc độ lưu hành trên đường bộ là giá trị giới hạn tốc độ (tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu) cho phép phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông và khai thác hiệu quả tuyến đường.
Đây chính là cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện việc lắp đặt hệ thống báo hiệu tốc độ một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo giao thông vận hành thông suốt, an toàn, nâng cao năng lực khai thác của đường bộ.
T.Toàn