Cho một Việt Nam mạnh mẽ, phồn vinh

Thứ sáu, 01/01/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đất nước vào Xuân với gam màu xanh đượm chút pha sương. Người dân hướng tới tương lai với niềm tin được đặt cả vào trong tâm và trí về một Việt Nam cất cánh hùng cường.

Năm 2020 đã khép lại một vòng quay đầy khắc nghiệt  với thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng. Đại dịch Covid-19 đã đổi thay tất cả, những cường quốc hàng đầu thế giới cũng đang bộc lộ những khiếm khuyết trong hệ thống khi đương đầu cùng dịch bệnh. Và cũng chưa bao giờ, thấu hiểu câu hát “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên” đến thế khi người dân vừa điêu đứng vì dịch đã hứng chịu trọn vẹn sự tàn khốc của thiên nhiên. Nhưng cũng chưa bao giờ tự hào đến thế, khi Việt Nam nhỏ bé kiên cường chống dịch, gian khổ tái thiết cuộc sống cho người dân sau lũ trong nghĩa đồng bào, để thực hiện trọn vẹn câu “sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”. Đất nước vào Xuân với gam màu xanh đượm chút pha sương. Người dân hướng tới tương lai với niềm tin được đặt cả vào trong tâm và trí về một Việt Nam cất cánh hùng cường.

1. Nhìn lại cả 2 đợt chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, toàn dân đã ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 hơn 2.200 tỷ đồng và nhiều hiện vật cần thiết.

Đằng sau con số hơn 2.200 tỷ đồng là hàng ngàn câu chuyện vô cùng cảm động về sự chung tay của người dân. Không chỉ là những cụ già và trẻ em mang rau, mang gạo, bỏ tiền tiết kiệm ra để gửi vào quỹ chống dịch mà còn hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp dù không có doanh thu, hoặc doanh thu giảm rất nhiều vẫn không sa thải nhân viên, vẫn cố trả lương cho người lao động. Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị và cả kinh phí cho chống dịch. Những mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị khẩu trang”... đã giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn. Nhiều chủ nhà đã miễn giảm, không thu tiền thuê trọ cho công nhân, sinh viên, người nghèo… Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, trong thời khắc gian khó, Đà Nẵng đã nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ của cả nước. Nhiều đơn vị, cá nhân có tên và giấu tên thầm lặng chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng để tiếp sức cho thành phố vượt qua dịch.

TP-Ho-Chi-Minh

Những hình ảnh đó, những câu chuyện đó sẽ mãi mãi được chúng ta nhớ đến cùng cuộc chiến chống Covid-19 “lịch sử” - một cuộc chiến đầy gian nan nhưng cũng đầy vinh quang và kiêu hãnh, tự hào. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận, dịch Covid-19 là một thách thức đối với Việt Nam, nhưng thách thức đó lại là cơ hội cho chúng ta thấy rõ nhiều vấn đề. Qua khó khăn gian khổ của dịch mới xuất hiện phép thử tình cảm người dân Việt Nam với Đảng và Nhà nước. Chúng ta thấy được niềm tin của người dân với Đảng vẫn rõ nét, vẫn nồng nhiệt.

Trong suốt quá trình chống dịch, người dân đã nhận thấy rất rõ tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Hình ảnh phi hành đoàn, đội ngũ y bác sĩ, các tình nguyện viên trong bộ bảo hộ toàn thân trên những chuyến bay vào tâm dịch, đặc biệt là chuyến bay lịch sử đến Guinea Xích Đạo đón 219 công dân, trong đó có nhiều người mắc Covid-19, đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam. Những hình ảnh đó ý nghĩa hơn mọi lời nói về trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với người dân của mình. Cũng chính vì lòng tin với Đảng, Nhà nước được khơi dậy, củng cố mà sau đó, nhiều thông tin xấu, tin giả xuất hiện trên mạng xã hội với mục đích “câu view”, xuyên tạc, bịa đặt về công cuộc chống dịch của Việt Nam đã trở lên lạc điệu. Những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua của Việt Nam đã khẳng định tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta, mà ở đó vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy tối đa. Kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, có đến 97% người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng chống Covid-19.

Cuộc chiến chống Covid-19 sẽ còn kéo dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị. Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng cả cuộc chiến. Nhưng thành công của chúng ta qua 2 đợt dịch càng chứng minh cho lời kêu gọi đoàn kết năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Năm xưa, cả dân tộc ta đã cùng đoàn kết, quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta. Ngày nay, dưới sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, cả dân tộc chúng ta tiếp tục một lòng đoàn kết để chiến thắng tất cả mọi khó khăn, thách thức, cho dù đó là đại dịch toàn cầu. Đất nước vững vàng hơn, kiên cường hơn nhờ sự đồng lòng, chung sức ấy. Đó là cơ sở để chúng ta tin vào sức mạnh Việt Nam, tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến với dịch Covid-19.

2. Tháng 10, cả một dải miền Trung oằn mình chống lũ. Lũ chồng lũ sau những ngày mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão số 5, 6, 7 rồi 8,9 liên tiếp. Các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả tràn khiến cho hạ lưu như một túi nước lớn, đầy tràn khắp vùng. Tang thương chồng tang thương, quặn lòng khi nhìn những đám tang tập thể của các chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn, những vành khăn trắng không thể nhiều hơn ở bất cứ một đám tang nào với những tiếng khóc lặng, nấc nghẹn của người thân ngất lả đi vì đau thương quá sức chịu đựng... Cả nước đau thương vì mất mát, tổn thất quá lớn của quân đội trong thời bình và của những người thiệt mạng do bão lũ, sạt lở đất trong những ngày qua.

Tình dân tộc - nghĩa đồng bào trong năm 2020 đầy biến động một lần nữa lại bùng cháy sau dịch Covid-19. Một làn sóng mang tên “nhân đạo, từ thiện” dâng lên mạnh mẽ trong cộng đồng, chạy đua với lũ bão để giúp đồng bào ở vùng thiên tai. “Khúc ruột miền trung” đau đã làm đau cả nước. Đâu đâu cũng quyên góp, ai ai cũng muốn chung tay chia sẻ, từ miếng cơm, tấm áo, chai nước, lọ dầu đến những vật dụng cần thiết nhất cho cuộc sống để giúp người vùng lũ vượt qua cơn hoạn nạn. Ai cũng trở thành mạnh thường quân, từ cô ca sĩ bé nhỏ đến những vận động viên, từ em học sinh góp giấy “kế hoạch nhỏ” hay đập heo đất đến những cụ già còng lưng cõng thùng mì, quần áo cũ đến đóng góp ở điểm tiếp nhận cứu trợ, từ nguồn của cán bộ, công nhân đóng góp từ ngày công, ngày lương đến nguồn của những tập đoàn lớn hàng nghìn tỷ đồng. Đâu đâu cũng sáng đèn, thâu đêm chuẩn bị hàng cứu trợ. Chưa phải Tết mà ở đâu cũng đỏ lửa nấu bánh tét, bánh chưng để giúp người vùng lũ.

Hai chữ đồng bào, thật kỳ diệu, như riêng khác, như đặc sắc chỉ riêng mình Việt Nam có. Khắp Tây sang Đông, từ Nam chí Bắc, chỉ người Việt mới có truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, đẻ ra bọc trăm trứng, 50 người con xuống biển, 50 người con lên núi, dù sống mỗi nơi mỗi khác, nhưng đều là con một nhà, chung cha Rồng, chung mẹ Tiên, chung Quốc tổ, Quốc giỗ, chung Bác Hồ, chung cả “Đảng ta”. Nghĩa ĐỒNG BÀO (cùng một bọc), vì thế thiêng liêng và sâu nặng vô cùng. Kể cả bây giờ, những tưởng kinh tế thị trường đã cuốn phăng nghĩa tình, chỉ còn tồn tại những ích kỷ, bon chen, tư lợi, thì nghĩa đồng bào vẫn sâu nặng và thiêng liêng vô cùng.

“Đấy là nghĩa đồng bào”. Rưng rưng lòng khi nghe câu nói ấy. Thế mới biết, hai tiếng “Tổ quốc”, hai chữ “đồng bào” thiêng liêng, sâu nặng thế nào trong đại dịch, trong lũ dữ. Đấy là nguồn sức mạnh vô bờ để Việt Nam đã và sẽ tiếp tục chiến thắng trong đại dịch. Không có nghĩa đồng bào, Việt Nam đâu thể làm được điều kỳ diệu đó! Chỉ có nghĩa đồng bào mới giúp Việt Nam đang viết nên câu chuyện đặc biệt của riêng mình!

3. Và rồi, sau cơn mưa, trời lại sáng! Ngày 13/10, tờ báo The New York Times của Mỹ đã có bài viết với tựa đề “Liệu Việt Nam có thể trở thành “Kỳ tích châu Á” tiếp theo?”. Trong bài báo này, tác giả Buchir Sharma đã nêu bật thành công chống dịch Covid-19 và những dấu hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bài báo cho rằng Việt Nam giống như một phép màu từ một thời kỳ đã qua và đang vươn tới sự thịnh vượng.

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đưa ra nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, trong đó nhấn mạnh, dù trong thời điểm khó khăn hiện nay, nền kinh tế vẫn có sức bật tương đối tốt. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia.

Cũng theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 1,8%, cao hơn so với dự báo của IMF. ADB phân tích, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc và các Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này khẳng định, trong tương lai kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn. Các dẫn chứng của WB cho thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong khi cả thế giới đang phải gánh chịu tăng trưởng tồi tệ chưa từng có.

Theo đó, lạm phát được giữ vững dưới 4%, thặng dư thương mại lớn gần 17 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cao. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được duy trì và củng cố từ quý II/2020 sang quý III/2020, khi chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ đều tăng gấp đôi. Dù tỷ lệ lao động có việc làm giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng song điều kiện của thị trường lao động đang trở lại bình thường cũng là tín hiệu vui cho kinh tế Việt Nam.

Lạm phát trong tháng 9 là 3,2%, giảm so với tháng 7 và tháng 8, tín dụng ở mức 10,2%, áp lực khiến ngành ngân hàng giảm lợi nhuận năm 2020. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 9 đạt 1,65 tỷ USD, tăng so với số vốn 720 triệu USD của tháng 8/2020, thương mại hàng hóa thặng dư 16,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm...

Theo WB, đây là những tín hiệu cho thấy, trong tương lai, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam được củng cố và trở nên mạnh mẽ hơn, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5-3,0% vào năm 2020 (WB dự báo là 2,8%).

Việt Nam đang đứng trước những vận hội vô giá cho công cuộc phát triển. Hành trình đi đến phồn vinh đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có. Tuy nhiên, để đi tới một tầm nhìn khát vọng, vấn đề đầu tiên và có tính nền tảng không phải là nắm bắt cơ hội mà là nhận diện rõ các thách thức cốt tử và có được quyết tâm và phương cách chiến lược để vượt qua. Nặng về cơ hội, coi nhẹ thách thức sẽ dễ sa vào lạc quan thái quá và có thể gặp khó khăn không thể vượt qua trong chặng đường dài đầy chông gai phía trước. Dưới ngọn cờ của Đảng, chưa khi nào như bây giờ, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, thủy chung đã, đang và ngày càng trở thành động lực to lớn và mạnh mẽ, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam! Dân tộc Việt Nam nhịp bước cùng thời đại.

Đất nước vào Xuân với gam màu xanh đượm chút pha sương. Người dân hướng tới 20 năm tiếp theo với niềm tin được đặt cả vào trong tâm và trong trí về một Việt Nam cất cánh lên hùng cường.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đang chuẩn bị những gì cần thiết nhất cho sự cất cánh này, trong đó có lực cất cánh của những thành tựu đã có trong tay, có lực thăng hoa của những tồn tại sẽ được giải tỏa. “Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai”. Câu thơ của cụ Nguyễn Du xưa vẫn thấm đậm trong thông điệp nay, được gửi đi từ đầu xuân này.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn