Chống lãng phí – yêu cầu cấp bách để đất nước phát triển nhanh, bền vững
(NB&CL) Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, vấn đề phòng, chống lãng phí là vấn đề cực kỳ quan trọng, cực kỳ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Chống lãng phí” như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp, thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để phân tích, làm rõ hơn thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời đưa ra góc nhìn về yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với phòng, chống lãng phí
+ Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo “phải xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Trong giai đoạn hiện nay, vì sao Đảng ta và Người đứng đầu của Đảng thể hiện quyết tâm phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thưa ông?
- Ông Nguyễn Đức Hà: Từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), dư luận chung đều khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, không ngừng, không nghỉ, tiếp tục kế thừa tinh thần của Trưởng Ban Chỉ đạo trước đây là đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Việc tổng kết đã đánh giá những mặt ưu điểm, chỉ ra những mặt còn hạn chế và đặc biệt là nêu rõ những bài học kinh nghiệm rất quý báu từ thực tiễn. Cho nên từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo thì có thể nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh như Nhân dân nói “lò vẫn tiếp tục nóng”.
Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một vấn đề hết sức quan trọng là vấn đề “chống lãng phí”. Tổng Bí thư còn nhấn mạnh “xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Không khó bắt gặp nhiều dự án chậm triển khai gây lãng phí lớn nằm ở các vị trí đắc địa tại Thủ đô. Ảnh: Quốc Trần
Vấn đề chống lãng phí trước đây đã được đặt ra và sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Trong thực tế, tham nhũng thể hiện rõ hơn và Nhân dân bức xúc nhất, bởi hình ảnh đập vào con người, điển hình như các vụ đại án gần đây về tham nhũng như: Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB… Thời gian qua chúng ta đã tập trung giải quyết vấn đề này.
Đối với vấn đề lãng phí thì không kém gì tham nhũng, thậm chí dưới một góc độ nào đó thì lãng phí còn thiệt hại hơn cả tham nhũng. Nhưng chỉ có điều lãng phí có lãng phí hữu hình dễ nhìn thấy, nhưng cũng có những lãng phí vô hình ít người nhìn thấy hơn, ít bức xúc hơn.
Lãng phí thậm chí còn gây thiệt hại không kém gì tham nhũng bởi tham nhũng sau khi phát hiện ra thì còn có thể thu hồi được tài sản nhưng lãng phí thì khi đã mất đi thì khó thu hồi được, nói công bằng là như thế.

Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rơi vào cảnh bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Trọng Phú
Lãng phí hữu hình có thể nhận thấy ở loạt các dự án treo, các khu nhà đã xây dựng xong rồi bỏ hoang, xây dựng dang dở khiến dư luận bức xúc như: Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai tại Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, các trụ sở cơ quan Nhà nước bị bỏ hoang sau sáp nhập hoặc chuyển về nơi làm việc mới tại các tỉnh, thành phố…
Lớn hơn là lãng phí vô hình, đó là lãng phí thời gian, chất xám, nguồn lực. Lãng phí thời gian làm mất thời cơ; như các doanh nghiệp, đơn vị họ phải chờ đợi do thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, mất điều kiện để họ kinh doanh, làm hao tổn tiền bạc.
Lãng phí thời gian theo tôi là lãng phí nghiêm trọng, bởi thời gian thì không bao giờ quay trở lại. Lãng phí thời gian là có thời gian chờ đợi, dựa dẫm, đùn đẩy cho nhau dẫn đến mất nguồn lực, mất thời cơ và mất đi điều kiện vươn lên phát triển. Những lãng phí đó nhiều người không nhìn thấy được.
Tóm lại, lãng phí gây nên những thiệt hại, hậu quả không kém gì tham nhũng và thậm chí đứng trên góc độ nào đó, lãng phí còn mất nhiều hơn tham nhũng.
Vừa qua, cùng với chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vấn đề chống lãng phí. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất đúng, rất trúng, phù hợp với bối cảnh đất nước và kết hợp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với phòng, chống lãng phí. Đây là chủ trương rất đúng đắn.
Để xây dựng được văn hoá chống lãng phí, cần thống nhất về nhận thức
+ Trong phòng, chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vấn đề “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Ông có thể lý giải rõ hơn về thông điệp này và ý nghĩa của thông điệp trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
- Ông Nguyễn Đức Hà: Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm có dùng từ “văn hoá” mà ở đây là “văn hoá chống lãng phí”, xây dựng văn hoá đặc biệt quan trọng.
Chúng ta nhớ lại bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đó có nhấn mạnh “văn hoá là hồn cốt của dân tộc” và nói về văn hoá là sự kết tinh, sự hun đúc, sự nhuần nhuyễn mà khi trở thành văn hoá thì rất khó phai nhạt. Do đó, chúng ta phải xây dựng văn hoá phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thêm lãng phí để thấy được lãng phí cũng không kém gì tham nhũng, tiêu cực.
Cái gốc của vấn đề là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, chống suy thoái về đạo đức, lối sống, chống tự diễn biến, tự chuyển hoá mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đặt ra; hay như Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã chỉ ra những vấn đề đó.
Để xây dựng được văn hoá chống lãng phí, theo tôi thì cần thống nhất về nhận thức. Có thể nói, bất kỳ một vấn đề nào nếu không tạo được nhận thức đúng đắn từ trên xuống dưới thì rất khó thực hiện. Vấn đề chống lãng phí thì cần tạo được nhận thức đúng đắn, thống nhất từ trên xuống dưới để ai cũng thấy lãng phí ngang bằng hoặc thậm chí hơn cả tham nhũng, tiêu cực.

Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai) bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Trần
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng có nhấn mạnh tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Tức là từ Trung ương đến địa phương, từ lĩnh vực này đến lĩnh vực khác, cả Đảng - Nhà nước - Quốc hội - Chính phủ và hệ thống chính trị nhận thức như vậy thì rất dễ thực hiện. Đặc biệt, qua bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị cũng là tạo sự thống nhất về nhận thức trong phòng, chống lãng phí.
Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta phải xây dựng, củng cố niềm tin, có sự thống nhất về nhận thức vấn đề phòng, chống lãng phí là vấn đề cực kỳ quan trọng, cực kỳ cấp thiết để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chống lãng phí phải đi liền với tinh gọn tổ chức bộ máy
+ Hiện nay, Trung ương đang thực hiện quyết liệt việc kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo ông, việc này quan trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trong công tác phòng, chống lãng phí?
- Ông Nguyễn Đức Hà: Cùng với vấn đề chống lãng phí thì phải tiếp tục đẩy mạnh kiện toàn, tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản cán bộ. Việc này liên quan đến vấn đề nguồn lực. Nếu như bộ máy cồng kềnh, biên chế nhiều thì chi trả lương và chi thường xuyên rất lớn. Như con số thống kê thì chúng ta chi 70% ngân sách cho trả lương, chi thường xuyên và chỉ có 30% chi cho đầu tư phát triển.

Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội tọa lạc tại phố Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng bị bỏ hoang. Ảnh: Thu Hiền
Một đất nước muốn phát triển như Tổng Bí thư nói là đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình chính là kỷ nguyên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà nguồn lực cho đầu tư phát triển ít thì không thể vươn nhanh, vươn mạnh và phát triển bền vững được. Chính vì vậy, cùng với chống lãng phí phải đi liền với tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vì thế.
Chúng ta cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao một việc nhiều bộ ngành làm, nhiều nơi làm, mỗi nơi làm một tí dẫn đến chờ đợi nhau? Chính điều này dẫn đến lãng phí. Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ trong quản lý Nhà nước chưa rõ ràng. Tới đây, phải làm thế nào để một việc chỉ có một người làm hoặc một người chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Từ đó rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm mới khắc phục được lãng phí thời gian, nguồn lực, mất mát thời cơ.
Tôi nhận thấy, cơ quan nào cũng có, đơn vị nào cũng có tình trạng người thì làm không hết việc nhưng người thì đủng đỉnh, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” - thực trạng này tồn tại lâu nay. Đó là lãng phí thời gian, nguồn lực dẫn đến sự trì trệ trong phát triển.
Hay như muốn phát triển phải có không gian phát triển, trước đây chúng ta chỉ có hơn 40 tỉnh, thành phố rồi hiện nay lên đến 63 tỉnh, thành phố. Việc này, trước đây một phần là do điều kiện giao thông, đội ngũ cán bộ, do phương tiện thông tin liên lạc, do công nghệ còn lạc hậu. Tuy nhiên, hiện nay giao thông phát triển, công nghệ tiên tiến… Nhưng lại có nhiều tỉnh thành diện tích quá nhỏ, dân số ít dẫn đến thu hẹp không gian phát triển.
Những năm vừa qua, đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” thì công bằng mà nói chúng ta đạt được một số kết quả. Ví dụ, chúng ta đã giảm được tầng nấc trung gian, giảm các Tổng cục, Cục, Vụ, giảm các phòng ban. Như vậy giảm các đầu mối trung gian, giảm số lượng cán bộ, lãnh đạo, giảm được biên chế và như vậy giảm được chi thường xuyên để có điều kiện cho đầu tư phát triển, đó là nguyên lý đúng đắn.
Nhưng phải nói rằng chúng ta mới đi được một bước ngắn, có kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Thời gian qua chúng ta mới kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy ở bên trong là chính, mới từ cấp dưới, địa bàn hành chính mới là cấp xã, cấp huyện, chưa đến cấp tỉnh. Trong một số Bộ ngành mới sắp xếp các Ban, Phòng, Cục, Tổng cục, chưa động đến đầu mối to, tức đầu mối trực thuộc Trung ương. Quan điểm của Đảng ta là làm từng bước thận trọng, chắc chắn, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm đó là quan điểm đúng đắn.
Tuy nhiên, có vấn đề gây lãng phí rất nhiều đó là chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, còn đùn đẩy dẫn đến chờ đợi, một việc nhưng mỗi anh làm một tí rồi chờ đợi nhau, trao đổi thống nhất làm chậm thời gian, mất thời cơ làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển. Chưa nói đến việc cứ đùn đẩy trách nhiệm làm lãng phí thời gian, lãng phí chất xám, lãng phí nguồn lực. Nuôi bộ máy lớn thì lãng phí về tài chính.
Cùng với chống lãng phí thì tới đây chúng ta phải tinh gọn bộ máy, rất đúng, rất phù hợp. Điều kiện chúng ta có thể làm được rồi. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, mà vấn đề đặt ra là phải mang tính cách mạng. Tính cách mạng này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt bởi trước đây chúng ta đã làm rồi nhưng chưa thật quyết liệt, chưa thật toàn diện, chưa thật đồng bộ, chưa đem lại hiệu quả cao. Mới làm bên trong chưa làm bên ngoài, mới làm ở dưới chưa làm ở trên, mới làm khu vực này chưa làm khu vực kia. Chính vì thế Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần đẩy mạnh vấn đề này, phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn và hiệu quả hơn.
Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm nhất định, 7 năm qua chúng ta đã sắp xếp và kiện toàn bộ máy, đã có những kinh nghiệm và tới đây có đủ điều kiện để đẩy mạnh hơn nữa.
+ Xin cảm ơn ông!
Quốc Trần(Thực hiện)