Các bệnh viện lớn đều xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng
Tại cuộc họp với UBND TP.HCM để tìm hiểu và bàn biện pháp chống quá tải ở bệnh viện hôm 29/11, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Tôi đã đi hết các nước Đông Nam Á, nhưng chưa nơi nào có tình trạng quá tải bệnh viện như nước ta khi bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường”. Đây là một nhận định đúng, nhưng chưa đủ. Cứ đến bất kỳ một bệnh viện công lập nào ở những thành phố lớn, người ta có cảm tưởng bệnh nhân phải gánh chịu mọi nỗi đau trên cõi đời này cộng lại. Có bệnh đã khổ, nhưng đến “nhà thương”, bệnh nhân lại phải chịu cảnh đối xử như ban ơn của bác sĩ, ngồi chờ chực cả ngày trong một không gian không đủ khí ôxy thở để được khám qua loa, chưa kể họ còn bị nhân viên y tế hiếp đáp, chửi mắng. Nào đã xong, do quá tải mà con người phải trở thành hèn kém, dấm dúi tiền bạc cho nhân viên y tế để được phục vụ tốt. Cũng do quá tải mà bệnh nhân vào bệnh viện phải chấp nhận cảnh hên nhờ, xui chịu, hứng chịu những sai sót y khoa do bệnh viện gây ra mà gần như không biết kêu ai.
Những người hoạch định chính sách ngành y tế có biết chuyện này không? Biết chứ! Không một ai lạ. Nhưng nhiều năm qua họ chỉ hứa hẹn hoặc đưa ra những giải pháp tình thế, chắp vá.
Đề án 1816 do bộ Y tế đề xuất – tăng cường bác sĩ và chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên cho tuyến dưới – được đánh giá là một biện pháp hữu hiệu để giảm tải. Ý tưởng thì rất hay: tuyến dưới mạnh lên, bệnh nhân sẽ không còn đổ lên tuyến trên. Tuy nhiên, có những sự thật không được tiết lộ ở các hội nghị tổng kết thành công của đề án này. Đó là nhiều địa phương không mặn mà tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao. Bác sĩ tuyến trên vừa rút về, bác sĩ tuyến dưới cũng ngừng triển khai kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, máy móc trang thiết bị ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh rất tiên tiến, nhưng mua về lại trùm mền vì không có người biết sử dụng. Biện pháp chế tài nào của bộ Y tế cho những trường hợp này? Rồi ngay cả khi triển khai kỹ thuật mới mà bệnh nhân cũng cứ đổ lên tuyến trên để điều trị thì không có hàng rào phân tuyến kỹ thuật nào đưa ra để hạn chế vượt tuyến.
Nhưng công bằng mà nói, không phải chỉ ngành y tế phải chịu trách nhiệm cho chuyện quá tải bệnh viện. Do đời sống nhân viên y tế thấp, lại chịu áp lực tự chủ tài chính toàn phần, nên thực tế một số bệnh viện thích duy trì quá tải, “vơ bèo vạt tép”, khám số đông bù lại để lấy tiền trang trải chi phí và nuôi sống nhân viên. Ai duy trì khung lương bất hợp lý, một bác sĩ học sáu năm ra trường cũng nhận lương khởi điểm như một cử nhân học bốn năm của ngành khác? Muốn giảm tải, chuyện đơn giản nhất ai cũng biết là tăng cường đội ngũ nhân viên phục vụ, thế nhưng đề xuất tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học y khoa nói nhiều trong những năm qua vẫn chưa được giải quyết.
“Quá tải bệnh viện đang làm méo mó chân dung của ngành y tế”, bộ trưởng Y tế đã thừa nhận chuyện này trong cuộc họp sau chuyến đi thị sát các bệnh viện tại TP.HCM. Đáng ghi nhận sự thẳng thắn này. Nhưng để giảm tải bệnh viện, nghĩa là giảm những hệ luỵ cho vấn nạn này mang lại – mất mát về tinh thần, công sức, tiền bạc, thậm chí tính mạng của bệnh nhân – đã đến lúc phải nói rằng “quá tải bệnh viện làm méo mó hình ảnh của cả đất nước”. Tự hào gì về những chỉ tiêu kinh tế, xã hội và những thành tựu của đất nước khi mà người bệnh vào bệnh viện ngoài nỗi đau bệnh tật, lại còn chịu thêm những nỗi đau vô lý khác vì quá tải.
PV