Nhắc đến Tiến Phước là nhắc đến một trong những nhà đầu tư bất động sản gạo cội tại thị trường phía Nam. Là một trong những doanh nghiệp gia nhập lĩnh vực địa ốc từ sớm, cùng thời với Vạn Thịnh Phát và Nam Long, Tiến Phước Group sở hữu một danh mục nhiều dự án đồ sộ như: Khu dân cư Senturia Vườn Lài (9,8 ha, Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn (19,8 ha huyện Bình Chánh), Palm Heights (30ha, Quận 2), Senturia An Phú (18,2ha, Quận 2), Khách sạn Le Meridien (3C Tôn Đức Thắng, Quận 1).
Trong vòng hai năm gần đây, điều được giới đầu tư quan tâm không phải danh mục dự án mà là dòng tiền của Tiến Phước. Việc siết chặt kênh đầu tư trái phiếu trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ tác động mạnh tới nhóm doanh nghiệp địa ốc và Tiến Phước là một trong doanh nghiệp được xướng tên đầu tiên.
Ồ ạt huy động hàng nghìn tỉ đồng từ kênh trái phiếu
Làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020 diễn ra sôi động, đặc biệt là với nhóm các doanh nghiệp bất động sản. Một trong những cái tên đáng chú ý trên thị trường là Công ty cổ phần Sàn giao dịch Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Land) - một thành viên của Tiến Phước Group.
Riêng trong năm 2019, doanh nghiệp này đã 4 lần phát hành trái phiếu với tổng quy mô các đợt phát hành lên tới 1.056 tỉ đồng.
Khi Tiến Phước Land với quy mô tổng tài sản xấp xỉ 1.137 tỉ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn hơn 13 tỉ đồng (tính tới thời điểm 30/6/2020). Theo đó, doanh nghiệp này đã huy động tới 1.056 tỉ đồng trái phiếu, gấp tới 81 lần vốn chủ sở hữu.
Dù vậy, sau nửa đầu năm 2020, Tiến Phước Land chỉ thu về vỏn vẹn 520 triệu đồng lãi sau thuế, tương đương tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ở mức 3,98%. Mức lợi nhuận khiêm tốn hơn rất nhiều so với dư nợ trái phiếu, thậm chí chỉ bằng phần lẻ số tiền lãi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản này phải thanh toán trong 6 tháng đầu năm (34,5 tỉ đồng).
Việc huy động của Tiến Phước Land với hơn 1.000 tỉ đồng có thể chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch bổ sung dòng vốn của “dòng họ” nhà Tiến Phước trong bối cảnh tín dụng bất động sản ngày càng bị siết chặt và khó khăn hơn.
Trước đó, Tiến Phước Group cũng trực tiếp phát hành 350 tỉ đồng trái phiếu cho một ngân hàng (300 tỉ đồng) và 1 cá nhân (50 tỉ đồng) vào tháng 6/2019. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và có lãi suất 11%/năm đầu tiên. Tháng 3/2018, tập đoàn này cũng đã phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất khoảng 10,4%/năm.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông, một pháp nhân cùng "họ" Tiến Phước cũng đã phát hành 900 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất khoảng 10%/năm vào tháng 1/2019. Công ty Kỹ Thuật Mê Kông được thành lập vào tháng 4/2000, do Tiến Phước Group nắm 60% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương nắm 35% (con gái thứ ba của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Lập) và ông Lê Xuân Vinh nắm 5% vốn điều lệ.
Như vậy, chỉ riêng năm 2019, ba thành viên thuộc hệ sinh thái Tiến Phước Group đã phát hành lượng trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá gần 2.600 tỉ đồng.
Kỳ vọng từ dòng vốn ngân hàng
Nguồn vốn nghìn tỉ thu về được kỳ vọng sẽ là một động lực quan trọng để Tiến Phước phát triển các dự án bất động sản, nhờ đó vượt qua cuộc "khủng hoảng" địa ốc đang diễn ra tại TP.HCM.
Tuy nhiên, vay nợ lớn, nguồn tài chính phụ thuộc nhiều vào việc huy động qua kênh trái phiếu đầy tính rủi ro cũng sẽ là áp lực không nhỏ.
Ngày 18/3/2020, Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã ra quyết định tách đại án liên quan đến một ngân hàng lớn, tách hành vi cấp tín dụng cho Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại ngân hàng có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu, quá trình cho vay từ ngân hàng có nhiều vi phạm.
Trong đó, nổi bật là khoản cho vay đối với Công ty cổ phần Tiến Phước và Công ty 990. Theo xác minh của CQĐT, doanh nghiệp này có dư nợ tại các ngân hàng là 2.097,057 tỉ đồng.
Tiến Phước và Công ty 990 là chủ đầu tư tổ hợp khách sạn và cao ốc văn phòng Le Meridien Saigon có vị trí đắc địa tại 3C Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Công trình có vốn đầu tư 120 triệu USD, khởi công vào cuối năm 2010 và hoàn thành hai năm sau đó.
Dự án nổi danh Sài Thành được biết đến là sự hợp tác giữa Tiến Phước Group - tập đoàn bất động sản của gia đình doanh nhân Nguyễn Thành Lập và Công ty 990 của Công an TP.HCM. Tuy nhiên, Công ty 990 khoảng năm 2015-2016 đã chuyển nhượng 27% vốn trong liên doanh cho bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - con gái thứ ba của vợ chồng Chủ tịch Tiến Phước.
Sau khi doanh nghiệp ngành công an thoái lui, Tiến Phước và Công ty 990 tăng mạnh vốn từ 350 tỉ đồng lên 1.438 tỉ đồng hiện nay. Cơ cấu cổ đông qua nhiều lần thay đổi, hiện ổn định là Công ty cổ phần BĐS Tiến Phước (49,805%), bà Nguyễn Thị Mỹ Phương (9,193%), bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (0,049%), và 40,953% còn lại thuộc về Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI - một pháp nhân dù không có quan hệ sở hữu trực tiếp với nhà ông Nguyễn Thành Lập, song cũng là một thành viên trong hệ sinh thái Tiến Phước Group.