Tin tức

Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập

Hà Anh 19/05/2025 07:00

(NB&CL) Cách đây tròn 80 năm, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được Quốc hội khoá I, Kỳ họp thứ hai thông qua. Trong sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên, có dấu ấn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Chúng ta phải có bản Hiến pháp dân chủ”

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có lẽ, là người Việt Nam đầu tiên nói đến Nhà nước pháp quyền. Minh chứng là từ năm 1919, trong Bản yêu sách gửi đến Hội nghị Versailles, Pháp, yêu sách thứ 7 được Người đề ra là pháp quyền (Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp). Khát vọng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ, thực sự của dân, do dân, vì dân, càng trở nên cháy bỏng khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Cũng chính bởi khát vọng cháy bỏng ấy, ngay từ khi nước nhà vừa giành được độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ còn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của cảnh “thù trong giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian tâm sức cho việc làm thế nào phải gấp rút xây dựng được một bản Hiến pháp dân chủ của nước Việt Nam độc lập. Trước hết, theo Người, khi nước đã độc lập, quốc gia có chủ quyền thì phải sớm ban hành Hiến pháp để khẳng định về mặt pháp lý một nhà nước độc lập, có chủ quyền và là phương tiện chính trị - pháp lý cao nhất để bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất nước.

anh1.jpg
Hiến pháp 1946 (Ảnh tư liệu)

Ngày 3/9/1945, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày với Chính phủ rằng: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

Ngày 20/9/1945, nghĩa là chỉ chưa đầy một tháng sau Lễ Độc lập, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 34/SL, quyết định thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ gồm 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Những bước chuẩn bị kỹ lưỡng

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Dự thảo Hiến pháp đã khẩn trương nghiên cứu soạn thảo Hiến pháp. Tháng 11/1945, khi soạn xong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban dự thảo đã cho công bố trên báo Cứu quốc để toàn dân tham gia góp ý kiến.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 1 ngày 2/3/1946, trong những quyết sách hàng đầu được kỳ họp lịch sử này đưa ra, có việc thành lập Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội với 11 thành viên. Tiểu ban có nhiệm vụ tiếp thu những kết quả nghiên cứu và dự thảo của Ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời đồng thời, trên nền tảng ấy, tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Ngày 29/10/1946, Tiểu ban được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo.

anh2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. (Ảnh tư liệu)

Để việc soạn thảo Hiến pháp đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc gồm 41 thành viên (hầu hết là các trí thức, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân) làm đầu mối tập hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Thông qua Mặt trận Việt Minh, việc lấy ý kiến nhân dân cũng được tiến hành khẩn trương nghiêm túc.

Nhờ sự khẩn trương, nghiêm túc, công phu ấy, cùng sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10/1946, bản dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hoàn thành. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát lớn ở Thủ đô Hà Nội, từ ngày 28/10 - 9/11/1946, bản dự thảo Hiến pháp ấy được đưa ra để thảo luận và thông qua. Theo hồ sơ lưu trữ tổng hợp các biên bản tường thuật kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I, nội dung chủ đạo này chiếm lĩnh phần lớn thời gian của kỳ họp này.

Và sau những phiên trao đổi, rất sôi nổi, thậm chí nhiều khác biệt, nhưng qua sự giải thích hết sức cặn kẽ, thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời, đồng thời là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam (Nghị viện nhân dân) kiêm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới với sự nhất trí gần như tuyệt đối với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu có mặt tại phiên họp này.

“Hơn mười ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một số kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới được tự do hơn 14 tháng, đã làm bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó làm nên một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được tự do của một quyền công dân. Hiến pháp đó nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”- nhấn mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa I đã cho thấy bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta đã ra đời từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - với tư tưởng tiến bộ về xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân trên cơ sở lấy dân làm gốc, với trí tuệ uyên bác và tầm nhìn xa, trông rộng của một vị lãnh tụ - đã đặt dấu ấn lớn trong sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tự do.

Cho tới nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhất là của các luật gia trong và ngoài nước bàn về ý nghĩa, giá trị của Hiến pháp 1946. Theo đó, Nội dung Hiến pháp hết sức ngắn gọn, súc tích, chỉ có 3.385 từ, gồm Lời nói đầu và 70 điều được phân bố trong 7 chương. Sự ra đời của Hiến pháp 1946 đánh dấu một bước nhảy vọt trong đời sống chính trị của dân tộc Việt Nam và lịch sử lập pháp Việt Nam khi lần đầu tiên một thiết chế Nhà nước dân chủ được tổ chức trên một nền tảng chính trị, pháp lý theo quan điểm, nguyện vọng và mục tiêu của toàn dân được ghi nhận trong đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước. Với Hiến pháp 1946, quyền của người dân Việt Nam có một bước tiến nhảy vọt khi người dân từ địa vị bóc lột, nay đã thực sự làm chủ cuộc đời mình với tư cách công dân của một nước độc lập, tự do, dân chủ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO