(CLO) Sáng nay (17/9), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ nhất thảo luận, cho ý kiến về quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
[caption id="attachment_121420" align="aligncenter" width="600"]
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của BCĐ. Ảnh: TTXVN[/caption]
Theo Quyết định số 343-QĐNS/TW của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn gồm 19 thành viên.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí đã được Bộ Chính trị phân công làm thành viên Ban Chỉ đạo. Khẳng định đây là vinh dự đồng thời trách nhiệm nặng nề, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng và mong muốn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chủ trương, đường lối do Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra và các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tại Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 và những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021.
Cho ý kiến vào Dự thảo, các ý kiến cơ bản đồng tình với nội dung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 và những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị cần cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm từng năm thành các Đề án, kế hoạch, trong đó phân công cụ thể cho từng cơ quan, thành viên chịu trách nhiệm; đồng thời, bổ sung chế độ thông tin báo cáo cho các thành viên Ban Chỉ đạo.
Thẳng thắn chỉ ra có những nội dung Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị đưa ra như đến năm 2010 phải đầu tư xây dựng cơ bản các trụ sở Tòa án, Viện kiểm sát nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ dự án; bổ sung nhiệm vụ toàn khóa là kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW về cải cách tư pháp đối với các cấp ủy địa phương và các cơ quan tư pháp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo và việc triển khai tổ chức thực hiện tại cơ quan, tổ chức được phân công phụ trách; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề mới phát sinh; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp do Ban Chỉ đạo đã thông qua, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trong từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức; định kỳ 6 tháng, hàng năm có sơ kết, tổng kết và đề ra các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.
Trước mắt, cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2017. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tổ tụng tư pháp, tích cực chỉ đạo việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật, luật về tố tụng tư pháp mới được Quốc hội thông qua.
Khẩn trương hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; thực hiện tốt sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp và thừa phát lại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức nêu trên.
Chủ tịch nước lưu ý cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề đối với từng chức danh tư pháp; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc đổi mới chính sách tiền lương, khen thưởng và các chế độ đãi ngộ phù hợp với lao động đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động tư pháp. Khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp đã được Ban Chỉ đạo cho ý kiến. Cuối năm 2017 sẽ tiến hành sơ kết, đề ra phương hướng, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.
PV