Theo báo cáo của Hội Luật gia Việt Nam, những năm qua, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp hội luật gia tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, Hội đã chủ trì xây dựng thành công hai đạo luật quan trọng, được Quốc hội khóa XII và Quốc hội khóa XIII thông qua, đó là Luật Trọng tài Thương mại và Luật Trưng cầu ý dân.
Hội đã tham gia soạn thảo nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như: tham gia Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tham gia Ban soạn thảo, tổ biên tập 46 dự án luật, trong đó có các dự án luật quan trọng đó là: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Luật sư (sửa đổi)...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam
Các cấp hội đã tổ chức góp ý cho hơn 24.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được các cấp Hội Luật gia Việt Nam quan tâm tăng cường, đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động của Hội.
Chỉ tính riêng hai năm 2016, 2017 các cấp hội đã tổ chức được gần 210.000 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho hơn 11 triệu lượt người. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở được các cấp hội quan tâm đẩy mạnh.
Hiện nay, toàn Hội có 65 trung tâm tư vấn pháp luật, trong đó 11 trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc trung ương Hội và 54 trung tâm trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố. Trong đó, Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng… hoạt động đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, hoạt động của Hội vẫn còn tồn tại những hạn chế như: chất lượng, hiệu quả tổ chức và hoạt động của một số cấp hội trong một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa định hướng được những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm ở từng thời kỳ; Công tác phát triển Hội viên ở một số cấp hội còn chậm, chất lượng hội viên chưa cao; một số cấp hội chưa chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương...
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, năm 2018 là năm thứ ba, năm bản lề có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Hội cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động để Hội Luật gia Việt Nam hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của công dân.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội cần tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở; Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội. Đồng thời Hội cần chủ động, đề xuất các sáng kiến, đề án, dự án để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
PV