Chủ tịch Quốc hội “nhắc” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu

Thứ sáu, 06/11/2020 15:40 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “nhắc” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Hiển về việc vì sao độ che phủ rừng của Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (6/11) trong chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đã đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (NN & PTNT) liên quan đến độ che phủ rừng của nước ta thấp hơn các nước xung quanh.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng).

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng).

Đại biểu Hiển nói: Theo Bộ trưởng, chúng ta đã làm tốt công tác bảo vệ rừng với độ che phủ là 42%. Tuy nhiên, qua Google Maps có thể thấy rõ chất lượng rừng ở nhiều nơi nước ta rất thấp so các nước có chung đường biên giới, nhất là Lào và Campuchia.

"Phải chăng năng lực bảo vệ rừng của chúng ta không tốt bằng các nước trên? Xin Bộ trưởng giải thích rõ hiện tượng này", đại biểu Hiển đặt câu hỏi và đề nghị.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc theo dõi trên bản đồ Goolge của đại biểu Hiển là hoàn toàn chính xác. “Bởi vì, tỷ lệ che phủ rừng của Lào hiện nay là 58%, của Campuchia hiện nay là 47%, trong khi của chúng ta thì ít hơn. Chúng ta bây giờ là 41,89% xấp xỉ 42%. Chính vì vậy, tới đây là trách nhiệm của tất cả hệ thống chính trị và toàn dân với 2 loại rừng đều phải có trách nhiệm, cố gắng cao nhất”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có các nguyên nhân dẫn đến việc này là: Một là, trách nhiệm với rừng tự nhiên thì chúng ta kiên quyết thái độ, không để can thiệp, chuyển diện tích rừng tự nhiên. Bất kỳ chuyển diện tích nào phải tuân thủ đúng Luật Lâm nghiệp và Quốc hội phải thông qua, để hạn chế đến mức thấp nhất.

Hai là, đối tượng tự nhiên là chúng ta bằng cơ chế chính sách này tiếp tục, để làm sao người tham gia quản lý, bảo vệ rừng thì được tăng cường hơn để chúng ta phục hồi chất lượng của rừng tự nhiên nhanh hơn.

Ba là, trên các khu vực trọng yếu như Lâm Đồng, Tây Bắc, ven biển thì ngoài dự án chung của rừng, phải có những chương trình riêng để tập trung phục hồi nhanh khu vực này thì Chính phủ đã có một Đề án phát triển rừng của Tây Nguyên, rừng ven biển, rừng Tây Bắc. 3 khu vực trọng yếu này chúng ta phải tập trung hơn cùng với công tác chung.

Nội dung nữa rất quan trọng là giải quyết vấn đề di dân tự do 24.000 hộ ở khu vực Lâm Đồng thì Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã có nhóm giải pháp cùng với 5 tỉnh, tới đây chúng ta phải kiên quyết thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp đối với vấn đề liên quan đến rừng trồng. Cụ thể: Rừng trồng của chúng ta là 4,3 triệu hecta nhưng cơ cấu cây trồng chủ yếu là keo chiếm tỷ lệ nhiều.

Theo Bộ trưởng, cây keo sinh khối nhanh nhưng độ che phủ và độ bền vững trước thiên tai thì chống chịu kém hơn. Do vậy, chúng ta phải thay dần các cây gỗ lớn bằng các cây bản địa.

Cũng theo Bộ trưởng, vùng Tây Bắc có 7 loại cây được Bộ NN&PTNT đưa vào để khuyến khích các địa phương phát triển, vùng Tây Nguyên  6 loại. Như vậy, đã tăng dần bằng các đề tài khoa học, nhân nhanh những nhóm này để đưa vào cơ cấu để tăng giá trị, tăng độ che phủ cũng như chất lượng bền vững trước thiên tai.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng, phải tăng nhanh tỷ lệ rừng quản trị FSC. Cụ thể, hiện nay chúng ta mới có được 320.000 hecta, cố gắng từ nay đến năm 2025, trong khu vực rừng trồng 4,3 triệu hecta, chúng ta nâng lên 1 triệu hecta để quản trị một cách chặt chẽ, để khai thác đến đâu đảm bảo không tăng độ rủi ro, nguy cơ cho thiên tai, đó là rừng trồng.

Một biện pháp nữa, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đó là phải tăng cường biện pháp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và kiên quyết thái độ, trong đó có trách nhiệm của từng cơ quan, từng địa phương. Đặc biệt là chúng ta áp dụng chế tài mạnh trong xử lý hình sự về những vi phạm rừng.

"Như vậy, năm 2019, chúng ta đã xử lý hình sự tới 373 vụ và khởi tố 48 vụ, nhưng  chỗ này theo chúng tôi vẫn phải kiên quyết làm, thái độ phải làm tích cực hơn nhiều. Bởi vì, năm 2019 chúng ta vẫn còn tới 2.575 hecta, tất nhiên con số này giảm dần từng năm nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ xâm hại về rừng, trong đó có cả cháy rừng, kể cả vi phạm rừng, chỗ này chúng ta phải kiên quyết", ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đang nói về giải pháp và xử lý, nhưng câu hỏi của đại biểu Hiển là nguyên nhân nào mà độ che phủ rừng của chúng ta thấp hơn, chất lượng rừng chúng ta kém hơn.

“Tôi ví dụ, do lực lượng kiểm lâm mỏng quá hay chúng ta trồng rừng không kịp tốc độ phá rừng. Cho nên, Bộ trưởng đi vào nói về những nguyên nhân, còn giải pháp thì trong thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng đã nói rất nhiều. Trả lời thẳng vào câu hỏi vì sao mà che phủ rừng của chúng ta thấp hơn các nước xung quanh”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tiếp tục trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: 2 nước là Lào, Campuchia, báo cáo diện tích tự nhiên bình quân chia đầu người tài nguyên đất rộng hơn.

Theo Bộ trưởng, Lào chủ yếu là rừng và hơn 5 triệu dân. Thành thử ra 18 triệu hecta đất tự nhiên, diện tích rừng bản thân tự nhiên là nhiều.

Rừng Việt Nam là rừng tự nhiên, 10,3 triệu hecta, phục hồi từ năm 1990 mới có 9 triệu, đến bây giờ chất lượng rừng là non, chất lượng chưa đảm bảo, có tính chất lịch sử như vậy.

"Đương nhiên cũng có trách nghiệm về công tác quản lý nhà nước. Chúng ta phải tăng cường thì chúng tôi mới báo cáo các nhóm giải pháp để nếu như thuộc nguyên nhân về quản lý thì tất cả các cấp phải tập trung như vậy, còn nguyên nhân về rừng mới có 30 năm thì phải bằng cơ chế, chính sách để làm sao hỗ trợ người dân tăng cường công tác chăm lo bảo quản", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn.

Quốc Trần

Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức