Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
(CLO) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chiều 5/5, với 452/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 446/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,31% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo đó, Ủy ban gồm 15 thành viên. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban. Các Phó Chủ tịch gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến Nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Về định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung, gồm:
1. Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.