Chủ tịch Tập đoàn CEO Nguyễn Văn Bình: Cần có giải pháp nặng tay đối với các hành vi làm méo mó thị trường bất động sản
(NB&CL) TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn CEO cho rằng để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin về bất động sản, dự án bất động sản của chủ đầu tư đặc biệt là về tính đầy đủ, chính xác của nội dung công bố.
Có hiện tượng lợi ích nhóm khi công bố thông tin
TS Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn CEO cho biết: Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam xuất hiện tình trạng đồn thổi, thiếu công khai, minh bạch, sai phạm trong kinh doanh bất động sản ở một số địa phương.
Những hành vi này gây ra tình trạng đẩy giá bất động sản lên cao, tạo bong bóng trên thị trường và gây tâm lý bất ổn cho người dân, gây nhiễu loạn hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, đồng thời để lại nhiều hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản cũng như đối với các vấn đề an ninh, trật tự xã hội.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá của Bộ Xây dựng là do sự nhiễu loạn thông tin về thị trường bất động sản.
Cụ thể, sau mỗi quý, có đến gần chục báo cáo thị trường do nhiều tổ chức cả trong và ngoài nước công bố với những số liệu thiếu sự đồng nhất, thậm chí còn mâu thuẫn nhau, còn hiện tượng lồng ghép thông tin có yếu tố lợi ích nhóm.

“Điều này đòi hỏi xây dựng hệ thống thông tin bất động sản và quy định về cập nhật thông tin bất động sản để bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác phục vụ cho công tác quản lý và ra quyết định trong hoạt động kinh doanh bất động sản”, ông Bình nói.
Công tác giám sát vẫn còn hạn chế
Bên cạnh sự nhiễu loạn thông tin về thị trường bất động sản, TS Đoàn Văn Bình còn nêu một vấn đề khác đang trở thành chủ đề “nóng” trên thị trường, đó là những vi phạm của chủ đầu tư chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, công tác giám sát vẫn còn hạn chế.
Do đó, ông Bình cho rằng, cần có các giải pháp tăng cường hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Thực tế thời gian qua, một số chủ đầu tư kinh doanh bất động sản đã có các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước, thiệt hại cho các khách hàng là tổ chức, hộ gia đình cá nhân như: trốn thuế, ký các hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai trái pháp luật, các hợp đồng bất cân xứng về quyền và lợi ích giữa các bên.
Cũng có trường hợp các chủ đầu tư vi phạm các nghĩa vụ hợp đồng như: Bàn giao bất động sản không đúng thời hạn, không bảo đảm chất lượng xây dựng công trình, chiếm dụng vốn của khách hàng.
Những hành vi này đã gây ra các tranh chấp, vi phạm pháp luật, lũng đoạn thị trường, tạo lỗ hổng cho các chủ đầu tư không uy tín thực hiện không đúng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng cân xứng về quyền và nghĩa vụ của các bên giao dịch.
“Những hiện tượng này đòi hỏi cần có giải pháp kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh để bảo đảm các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật”, ông Bình nói.
Để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, TS Đoàn Văn Bình mong muốn cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin về bất động sản, dự án bất động sản của chủ đầu tư đặc biệt là về tính đầy đủ, chính xác của nội dung công bố.
Đặc biệt là kiểm soát các hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai theo hướng loại trừ các hợp đồng ký kết trá hình, vi phạm pháp luật dưới danh nghĩa các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự nhưng hưởng quyền mua bất động sản.
“Để các quy định pháp luật được thực thi hiệu quả, công tác giám sát, xử lý vi phạm chính xác, kịp thời giữ một vai trò quan trọng để làm trong sạch thị trường”, ông Bình nói.
Trên cơ sở kết quả giám sát, kiểm tra, ông Bình nhấn mạnh: Cơ quan chức cần xử lý nghiêm minh với các trường hợp vi phạm nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai sót, vi phạm; nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm.
Trong thời gian tới, ông Bình đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền có thể tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về vi phạm và xử lý vi phạm trong kinh doanh bất động sản đảm bảo xác định đầy đủ các hành vi vi phạm có thể xảy ra trong thực tiễn và có mức xử phạt phù hợp đặc biệt với những hành vi làm méo mó thị trường.
Một số trường hợp cần phải có mức xử phạt phù hợp như huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép, sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết.
“Những trường hợp này cần tránh trường hợp mức xử phạt thấp khiến các tổ chức, cá nhân chấp nhận bị xử phạt để đạt được lợi ích lớn hơn”, ông Bình nói.