Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: Không để thất thoát, kiếm lợi ích riêng từ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Chủ nhật, 14/03/2021 15:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đề cập tới thực hiện dự án cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, quyết tâm chính trị của tỉnh Lâm Đồng là không để thất thoát, rơi vãi, tập thể, cá nhân, nhóm nào tìm kiếm lợi ích riêng từ đường cao tốc này.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, dài 67 km(thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương). Báo cáo được đưa ra sau khi Chính phủ đồng ý giao Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hỗ trợ góp vốn của nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết: “Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thực sự là khát khao của nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Ban thường vụ tỉnh ủy, UBND, HĐND, UBMTTQ VN và tất cả các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ đều xác định nếu con đường này được hình thành sẽ góp phần định hình và thay đổi bộ mặt của Lâm Đồng, không những cho 5 năm, 10 năm trung hạn mà cho cả tầm nhìn…”.

Trao đổi với PV báo Nhà báo và Công luận, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã cho biết thêm nhiều thông tin liên quan tới dự án trọng điểm này.

Phóng viên: Vừa qua Báo cáo Tờ tình của tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng ký chấp thuận. Dự án này đi qua nhiều tỉnh và chia 3 dự án hợp phần và các hợp phần có liên kết với nhau. Vậy làm thế nào để khớp nối tiến độ của các hợp phần đó để dự án khai thác đồng bộ, đảm bảo tính thực cho dự án BOT này là vấn đề rất lớn, tỉnh có kế hoạch phối hợp với các địa phương liên quan để triển khai thực hiện các dự án hợp phần này như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp: Trước khi tỉnh Lâm Đồng làm dự án tiền khả thi gửi cho Bộ KH-ĐT và Thủ tướng thì UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chấp thuận. Tức là giữa hai tỉnh đã có sự phối hợp rất chặt chẽ để xúc tiến việc này một cách đồng bộ.

Theo chủ trương đầu tư, thì đoạn giữa sẽ làm theo hình thức đầu tư PPP. Chính vì vậy, đối với tỉnh Đồng Nai, đoạn cao tốc từ Dầu Giây đến Tân Phú, hiện nay cũng đang được tỉnh Đồng Nai xúc tiến, phải nói là rất cố gắng, rất nỗ lực.

Riêng đoạn từ Bảo Lộc tới Liên Khương, trong thống nhất về mặt nguyên tắc của Thủ tướng về giao cho Lâm Đồng làm chủ đầu tư thì Thủ tướng cũng nêu trong đó là nếu Lâm Đồng đề xuất, đảm bảo hội tụ tất cả các điều kiện thì Thủ tướng sẵn sàng giao cho Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đoạn này.

Tôi nghĩ là khi xúc tiến khởi công, giải phóng mặt bằng trước hợp phần thứ 2, thì hợp phần thứ 2 tôi nghĩ là sẽ thuận lợi, trôi chảy.

Về dư luận xã hội, quần chúng nhân dân, cán bộ đảng viên và kể cả các nhà đầu tư đều rất quan tâm đến dự án này. Dự án mới chỉ dừng lại trên giấy thôi, chưa có xúc tiến gì cụ thể nhưng tôi thấy mọi việc đang có sự chuyển động rất tích cực.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp.

Không để thất thoát, cá nhân, nhóm nào tìm kiếm lợi ích riêng từ đường cao tốc này

-Chênh lệnh địa tô giữa các khu vực có đường cao tốc đi qua là rất lớn.Vậy, tỉnh khai thác chênh lệnh địa tô như thế nào để tối ưu vốn cho dự án, thưa ông?

Đường cao tốc có 2 vấn đề mang tính nguyên tắc, thứ nhất phát triển quỹ đất 2 bên đường. Phát triển quỹ đất thì phải đi vào các vị trí, về mặt kỹ thuật thì đi vào các nút giao. Nút giao giữa các quốc lộ thì sẽ phát triển quỹ đất ở những khu vực đó. Một là sẽ hình thành khu dân cư, hai là có thể là đô thị, thứ ba là bất động sản, thứ 4 có thể là khu điểm công nghiệp nào đó.

Nói một cách dễ hiểu là phải lấy từ chính sức của mình để mình quay lại hồi vốn cho nhà nước. Về việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có tính toán và chúng tôi sẽ đền bù mang tính tầm nhìn. Tức là, có thể về lộ giới, về toàn bộ hành lang đường bộ khoảng chừng 22m nhưng sẽ có những vị trí chúng tôi sẽ đền bù đất, đền bù lớn để làm công tác đền bù GPMB một lần, để sau đó trên cơ sở quỹ đất chúng ta có thể khai thác được thì nếu là dự án sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nếu là đất sạch thì sẽ đấu gia đất, thì quay ngược lại chúng tôi sẽ nghĩ là mình sẽ hồi vốn cho nhà nước một số tiền khá tích cực.

Dự án đầu tư khoảng 18.000 tỉ đồng, nếu chúng ta thu tiền xây dựng vẵng lai thì khoảng 10%, tức là tỉnh có khả năng thu khoảng 1.800 tỉ đồng.

Ngoài ra, cũng phải giao cho các nhà đầu tư các mỏ vật liệu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán đơn giá làm sao vừa thuận lợi cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo cho giá thành thấp nhất có thể.

Một ý nữa, quyết tâm chính trị thực sự của Lâm Đồng là không để thất thoát, rơi vãi, tập thể, cá nhân, nhóm nào tìm kiếm lợi ích riêng từ đường cao tốc này.

Khi tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hoàn thành sẽ giúp giảm tai nạn ở đèo Bảo Lộc và giảm tải QL20, rút ngắn thời gian đi Đà Lạt.

Khi tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hoàn thành sẽ giúp giảm tai nạn ở đèo Bảo Lộc và giảm tải QL20, rút ngắn thời gian đi Đà Lạt.

Làm ngược lại, sử dụng vốn nhà đầu tư trước

-Ngoài vốn ngân sách ra thì sự góp mặt của nhà đầu tư có vai trò quyết định. Việc lựa chọn đầu tư đóng vai trò như thế nào đến sự thành công hiện tại của dự án này?

Sở dĩ dự án tiến triển một cách thuận lợi, tôi cho rằng là trách nhiệm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là rất lớn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã có kinh nghiệm làm hầm Đèo Cả, Hải Vân, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Đồng Đăng - Trà Lĩnh….Chúng tôi đã đi tham quan tất cả các dự án và các sản phẩm của Đèo Cả mang lại. Tức là chúng tôi thẩm định bằng người thật, việc thật…

Bên cạnh Tập đoàn Đèo Cả với kinh nghiệm về kỹ thuật, năng lực, và làm những việc mang tính tương tự thì các nhà đầu tư khác như Tập đoàn BĐS Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam Miền Trung cũng là nhà đầu tư chiến lược.

Tôi nói thêm ý là để chuẩn bị thu xếp vốn cho đường cao tốc này thì ngân hàng Nam Á, đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cũng đã chuẩn bị tất cả các điều kiện để phát hành trái phiếu dự án, khoảng 5.000 tỉ đồng.

Họ cam kết phát hành làm sao để đảm bảo dự án có tiền đầy đủ. Riêng dự án của Lâm Đồng, chúng tôi rất tự tin có đủ về nguồn ngân sách, với 3 nguồn để chúng tôi thực hiện dự án.

Chúng tôi cũng đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT về nguyên tắc sử dụng vốn. Làm theo hướng ngược lại là đầu tiên sử dụng vốn nhà đầu tư. Theo như nhà đầu tư cam kết, năng lực của mình thì bỏ vốn ra để tỉnh sử dụng tiền của nhà đầu tư trước.

Sau đó tới phần tiền của nhà nước địa phương, tức là 4.500 tỉ đồng của tỉnh Lâm Đồng và phần cuối cùng của phần sử dụng 2.000 tỉ đồng của ngân sách quốc gia.

Cách sử dụng vốn theo phân kỳ, theo thứ tự như vậy cũng thể hiện quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng.

Vì trong thực tiễn diễn ra rất nhiều chuyện. Những nơi mà có nhiều vốn nhà nước thì nhà đầu tư thường nhắm tới những chỗ đó. Tức là sử dụng phần vốn của nhà nước, chưa sử dụng phần vốn của mình. Ở Lâm Đồng, chúng tôi làm ngược lại.

Sau này chẳng hạn lộ trình thu phí là 28 năm thì nhà đầu tư trên cơ sở tỷ lệ tham gia góp vốn trên 10.000 tỷ đồng thì sẽ thu phần thời gian đó, sau sẽ là nhà nước trung ương và nhà nước địa phương.

Nói chung, tôi nghĩ là tiền đầu tư của nhà nước chỉ có khả năng sinh lợi thôi.

Phải có “niềm tin chiến lược”

-Tiến độ của dự án và cách làm của tỉnh Lâm Đồng là có nhiều điểm sáng tạo. Việc sử dụng vốn rất rõ, là dùng vốn nhà đầu tư trước sau đó mới dùng vốn địa phương và ngân sách. Việc này cũng giúp tránh được tình trạng “tay không bắt giặc” của nhà đầu tư. Tới thời điểm này, qua thăm dò, nhà đầu tư đã sẵn sàng cho thi công. Vậy tỉnh làm thế nào để đảm bảo để đạt lợi nhuận trong suốt vòng đời của dự án kéo dài trong vòng hơn 20 năm. Tránh tình trạng một số dự án khác có dự án xong quay ra làm khó dễ nhà đầu tư, không thực hiện cam kết như lời chào mời ban đầu?

Ở đây tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu tư phải có niềm tin chiến lược và giữa các nhà đầu tư với nhau, chúng tôi cũng động viên các nhà đầu tư phải tin tưởng nhau một cách tuyệt đối.

Thứ hai là nhà đầu tư phải có năng lực thực sự. Như tập đoàn Đèo Cả tôi đã nói, về mặt chuyên môn, máy móc, nhân công, kinh nghiệm, bên cạnh các nhà đầu tư cùng tham gia thu xếp về vốn như Hưng Thịnh, Nam Miền Trung, đặc biệt là ngân hàng Nam Á. Chúng tôi đã có biên bản cam kết, cam kết về sử dụng, về cách thức, phương pháp…

Nếu tiến độ thuận lợi như thế này thì cuối năm 2021 hoặc đầu 2022 dự án sẽ khởi công. Tức là phần đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh sẽ thực hiện và theo cam kết với Thủ tướng tới năm 2024, trước đại hội 14 của Đảng và đại hội 12 của tỉnh Đảng bộ thì hợp phần này sẽ hoàn thành.

Như chúng tôi đã đề cập, song song với hợp phần thực hiện thứ 2 chúng tôi sẽ tính toán nội dung đoạn còn lại là đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.

-Chủ tịch nói đề cập đến “niềm tin chiến lược” giữa tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu, và giữa các nhà đầu tư với nhau. Nội hàm “niềm tin chiến lược” ở đây là gì, xin ông chia sẻ thêm?

Tức là phải tin tưởng nhau thực sự và tạo điều kiện cho nhau thực sự. Những nhà đầu tư có năng lực, tham gia vào dự án cao tốc này và giữa các nhà đầu tư thì căn cứ vào tỷ lệ góp vốn, nhà đầu tư đó sẽ được hưởng lợi từ tỷ lệ đấy.

Thứ 2 là với vòng đời dự án khá dài, thì việc nhà đầu tư khi thu hồi vốn là việc đương nhiên hiển thị trong thực tế nhưng sẽ khó khăn cho nhà đầu tư. Nên tỉnh có tạo một số điều kiện như giải phóng quỹ đất hai bên đường, khu công nghiệp, điểm công nghiệp, bất động sản, đô thị vvv…

Thì lúc đó nếu có đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì sẽ đấu thầu có điều kiện. Tức là những nhà đầu tư đã tham gia với tỉnh ngay từ đầu về mặt trách nhiệm thì về mặt quyền lợi nhà đầu tư sẽ hưởng theo tỷ lệ như vậy.

Tới thời điểm này, tôi thấy 4 nhà đầu tư rất gắn bó với nhau, mọi việc hiện khá tốt.

Cho tới thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng chưa chi một đồng ngân sách nào vào việc này. Kể cả xây dựng báo cáo tiền khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Khổng Nhung

 

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt, quy mô 4 làn xe. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016.

Đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67Km. Trong đó, điểm đầu giao với QL20 tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú (Đồng Nai), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Quy mô đầu tư giai đoạn 1: đường rộng 17m, giai đoạn 2 rộng 22m. Về tổng vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước chi khoảng 9.151 tỷ đồng, trong đó 50% ngân sách Trung ương và 50% ngân sách tỉnh Lâm Đồng; vốn do nhà đầu tư PPP huy động khoảng 10.319 tỷ đồng.

 

Tin khác

Người trẻ chọn chữa lành qua trào lưu 'ngủ 5 ngày 5 đêm ' dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Người trẻ chọn chữa lành qua trào lưu 'ngủ 5 ngày 5 đêm ' dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

(CLO) Thay vì lên kế hoạch cho những chuyến đi dài đắt đỏ để tận hưởng kỳ nghỉ lễ 5 ngày, nhiều bạn trẻ chọn “ngủ 5 ngày 5 đêm” để vừa chữa lành, vừa tiết kiệm chi phí.

Đời sống
Xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây tại Kon Tum

Xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây tại Kon Tum

(CLO) Tại Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế với chủ đề “Ẩm thực dược liệu – tinh hoa núi rừng Ngọc Linh”, Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings đã công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây cho huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Đời sống
Gen Z làm gì để giải nhiệt cuộc sống dịp nghỉ lễ?

Gen Z làm gì để giải nhiệt cuộc sống dịp nghỉ lễ?

(CLO) Kỳ nghỉ lễ sắp tới là cơ hội vàng để gen Z nghỉ ngơi sau những áp lực công việc, học tập và giải nhiệt cuộc sống khỏi nắng nóng, oi bức. Mỗi người đều có dự định cho riêng mình để xua tan căng thẳng mệt mỏi, cân bằng cuộc sống.

Đời sống
5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Nắng nóng khắp 3 miền

5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Nắng nóng khắp 3 miền

(CLO) Cơ quan khí tượng ghi nhận kiểu thời tiết nắng nóng và nắng nóng gay gắt phủ rộng khắp cả nước trong kỳ nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, đây là dạng thời tiết hiếm có trong 10 năm qua.

Đời sống
Triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”

Triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”

(CLO) Tối 25/4, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống