Chưa đầy 2 ngày, Kon Tum hứng chịu 33 trận động đất
(CLO) Từ hôm qua đến sáng nay (ngày 29/7), trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) liên tiếp hứng chịu 33 trận động đất.
Ngày 29/7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu vừa phát đi thông báo 13 trận động đất xảy ra trong sáng cùng ngày tại huyện Kon Plông.
Cụ thể, 13 trận động đất trên xảy ra từ khoảng 00 giờ 07 phút đến 9 giờ 51 phút ngày 29/7. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông.
Anh A Kiểu (làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết: “Cả đêm qua, người dân ở trong xã nằm ngủ đều cảm nhận nhận được rung lắc nhẹ. Lâu lâu, tôi còn nghe những tiếp nổ phát ra từ trong lòng đất. Dù vùng đất này liên tiếp chịu ảnh hưởng của động đất nhưng lần này tần suất, rung lắc và số lượng nhiều khiến người dân hoang mang hơn”.

Chỉ trong hơn 1 ngày, huyện Kon Plông liên tiếp hứng chịu 33 trận động đất
Trước đó (vào ngày 28/7) trên địa bàn huyện này cũng hứng chịu kỷ lục 21 trận động đất. Trận động đất có độ lớn nhỏ nhất 2.5 và lớn nhất 5 độ.
Theo đó, trận động đất mạnh nhất xảy ra vào lúc 11h35\'10s, tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Trận động đất này đã gây rung lắc mạnh, người dân sống ở vùng tâm chấn Kon Plông đã cảm nhận rõ ràng bị rung lắc khiến đồ đạc bị rơi vỡ. Theo số liệu kiểm tra ban đầu, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra tại huyện Kon Plông đã khiến nhiều công trình trường học, trạm y tế và trụ sở Công an ở vùng tâm chấn xuất hiện nhiều vết nứt.

Nhiều công trình nứt nẻ sau trận động đất mạnh 5.0 độ
Ngoài Kon Tum, người dân ở nhiều tỉnh thành khác như Gia Lai, Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng đã cảm nhận được rung lắc mạnh do trận động đất 5.0 độ gây ra.
Ngay sau khi xảy ra động đất mạnh 5.0 độ, UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự khẩn trương xuống địa bàn nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra. UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất và nắm bắt tư tưởng, động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.
UBND tỉnh Kon Tum cũng có ý kiến với Viện Vật lý Địa cầu sớm nghiên cứu, đánh giá kỹ động đất tại huyện Kon Plông để có cảnh báo và triển khai các biện pháp ứng phó với động đất.