Chữa suy tĩnh mạch chân bằng sóng cao tần

Thứ sáu, 03/11/2017 13:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cảm giác nhức mỏi, tê bì, phù chân, chuột rút, loét chân… của bệnh suy tĩnh mạch chân giờ đây đã được điều trị dứt điểm nhờ can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng cao tần mà Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108) là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện thường quy cho người bệnh.

Bệnh gây nhiều biến chứng

Theo các chuyên gia y tế, suy giãn tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch chi dưới) ở nước ta có tỷ lệ mắc rất cao (9-30% dân số, phụ thuộc vào từng nghiên cứu), trong đó phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3 - 4 lần nam giới. Theo bác sĩ Lê Duy Thành, Khoa Nội tim mạch, Viện Tim mạch, BV108, tĩnh mạch là hệ thống mạch máu ngoại vi, có chức năng dẫn máu từ 2 chân về tim theo chiều từ dưới lên trên (hệ thống tĩnh mạch được chia thành tĩnh mạch nông và sâu). Khi tĩnh mạch nông bị suy (do suy van hoặc giãn tĩnh mạch), khi đó máu sẽ trào ngược xuống chân gây ứ trệ tuần hoàn, dẫn đến các hiện tượng: đau, mỏi, nặng chân, chuột rút vào ban đêm hoặc phù nhẹ khi đứng ngồi lâu... Nhưng khi các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da (suy giảm sắc tố và chàm hóa, loét da), các tĩnh mạch giãn dần và nổi ngoằn ngoèo trên bề mặt da gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng, rất dễ dẫn tới tử vong.

“Các triệu chứng giai đoạn đầu của suy tĩnh mạch chân thường không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan. Đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch khiến chân sưng phù, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng. Nếu không được can thiệp đúng, các tĩnh mạch sẽ giãn to dần, và hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác. Khi tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Báo Công luận
Bác sĩ Lê Duy Thành thăm khám cho bệnh nhân sau khi can thiệp sóng cao tần. 
Phương pháp can thiệp ít tai biến

Theo bác sĩ Thành, đã có nhiều phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chân như điều trị nội khoa (dùng thuốc), phẫu thuật, can thiệp nội mạch loại bỏ tĩnh mạch suy bằng tiêm chất tạo bọt, điều trị bằng sóng laser…. Việc điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, với những bệnh nhân (BN) suy giãn và biến chứng nặng, phải phẫu thuật để lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn. Ngoài ra, còn áp dụng phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 90 độ C để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch. Tuy nhiên phương pháp này có tỷ lệ tái phát khá cao (đến 30%).

Từ năm 2016 đến nay, Viện Tim mạch, BV108 đã áp dụng phương pháp mới nhất là can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng có tần số radio (sóng cao tần - RF) có nhiều ưu điểm hơn hẳn các phương pháp kinh điển. Bởi phương pháp này có tỷ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn, ít tai biến và có tính thẩm mỹ cao. BN được can thiệp bằng ống thông qua da nên không để lại sẹo, BN có thể đứng dậy được ngay sau khi làm can thiệp và có thể xuất viện ngay trong ngày.

Báo Công luận
 Ảnh chụp suy tĩnh mạch trước khi can thiệp 
Nếu như trước kia người bệnh áp dụng phương pháp này phải tự chi trả thì ngày nay, kỹ thuật mới và hiện đại này được BHYT chi trả 100%. BN Trần Tuấn Linh (42 tuổi, ở TP. Nam Định) là một trong 450 BN được làm can thiệp suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần ở BV108. Cách đây 6 năm, anh Linh đi khám BHYT phát hiện bị giãn tĩnh mạch chân trái. Suốt thời gian đó đến nay, anh Linh uống thuốc theo đơn đều đặn và không thấy ảnh hưởng gì đến công việc hằng ngày. 6 tháng gần đây, anh Linh thấy tức chân, chuột rút, đi lại khó khăn (đặc biệt về đêm) và sưng phù, anh đến BV Bạch Mai khám thì các bác sĩ bảo ở giai đoạn 4 và cho thuốc về uống. Dù uống thuốc đều đặn nhưng bệnh không hề thuyên giảm, đặc biệt, vết chàm ở cổ chân ngày càng xám xịt, đi lại đau đớn. Gần đây, anh thấy cổ chân lở loét, tĩnh mạch vùng bắp chân nổi ngoằn ngoèo như ổ giun, không đi lại được, phải nghỉ làm. Anh Linh đến Khoa nội tim mạch, Viện Tim mạch, BV108 khám thì bệnh đã ở giai đoạn 6 (nặng nhất), được bác sĩ chỉ định can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần.

“Mặc dù được bác sĩ tư vấn và giải thích rõ những ưu điểm nổi trội về kỹ thuật này nhưng tôi vẫn thấy lo sợ. Nhưng chỉ sau can thiệp vài tiếng là tôi đi lại được ngay và không còn đau đớn như trước nữa. Đặc biệt, sờ vào chân không thấy gân nổi nữa”, anh Linh vui mừng nói.

Báo Công luận
Bác sĩ Thành điều trị cho bệnh nhân 
Là người trực tiếp can thiệp nội mạch cho anh Linh, bác sĩ Thành cho biết, vết loét ở chân đã chảy mủ nhiều ngày, nếu không điều trị sẽ nhiễm khuẩn huyết, gây ra sốc nhiễm khuẩn có thể tử vong. Ngoài ra, ổ loét còn có thể gây ra biến chứng tại chỗ, gây đau và biến chứng thần kinh, chạy vào xương gây viêm xương; Chưa kể nếu để suy tĩnh mạch lâu, cục huyết khối sẽ đi theo tĩnh mạch về tim gây tắc mạch…

Bác sĩ Thành khuyến cáo, bệnh suy tĩnh mạch chân là bệnh lý có yếu tố gia đình và liên quan đến nghề nghiệp, chế độ ăn uống, làm việc. Để phòng ngừa, cần tránh táo bón, béo phì, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, ăn các thức ăn giàu vitamin và nhiều chất xơ… Cần làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục như: bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, tập dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu… Nên tránh những môn thể thao vận động chân tay mạnh như tenis, bóng rổ… BN mắc bệnh này khi ngủ nên kê cao chân khoảng 10-15cm so với mặt giường, sẽ giảm ứ máu tĩnh mạch.

 “Loại bỏ tĩnh mạch suy bằng năng lượng sóng có tần số radio là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng sóng âm thanh. Dòng điện từ máy được truyền vào mô cơ thể qua một điện cực dạng kim, dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông phần mô cần hủy”, bác sĩ Lê Duy Thành.

Lưu Hường 

Tin khác

Cảnh giác cao độ với cúm gia cầm nhưng không hoang mang, gây hại cho ngành chăn nuôi!

Cảnh giác cao độ với cúm gia cầm nhưng không hoang mang, gây hại cho ngành chăn nuôi!

(NB&CL) Sau khi ghi nhận trường hợp một bệnh nhân bị tử vong do cúm gia cầm, nhiều người đã cẩn trọng khi không sử dụng thực phẩm như trứng, thịt gia cầm trong khi đó cũng có người chủ quan vẫn ăn tiết canh, trứng sống. Chuyên gia cho rằng, những phản ứng như trên đều không phù hợp.

Sức khỏe
Khối ngành sức khỏe đua nhau tuyển sinh bằng điểm học bạ: Ưu tiên chất lượng hay số lượng?

Khối ngành sức khỏe đua nhau tuyển sinh bằng điểm học bạ: Ưu tiên chất lượng hay số lượng?

(CLO) Việc các trường mở rộng hình thức tuyển sinh, mở rộng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển học bạ cho thấy vấn đề tuyển sinh ở nhiều trường ngày càng cạnh tranh, khó hút thí sinh.

Sức khỏe
Điều dưỡng Bạch Mai cứu sống người ngừng tim: Tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện!

Điều dưỡng Bạch Mai cứu sống người ngừng tim: Tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện!

(CLO) Theo các chuyên gia, việc cấp cứu ngoại viện hết sức quan trọng, nếu nhiều người dân có kỹ năng thì cơ hội cứu sống người bệnh khỏi nguy cấp rất cao.

Sức khỏe
Vụ tấn công website của Viện Tim TP HCM không gây rò rỉ thông tin người bệnh

Vụ tấn công website của Viện Tim TP HCM không gây rò rỉ thông tin người bệnh

(CLO) Ngày 27/3, Sở Y tế TP HCM đã thông tin làm rõ về việc webiste lấy số khám bệnh của Viện Tim TP HCM bị tấn công mạng, gây ảnh hưởng đến việc cấp số thứ tự cho người bệnh.

Sức khỏe
TP HCM sẽ phát triển 3 Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu hàng không, đường thủy

TP HCM sẽ phát triển 3 Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu hàng không, đường thủy

(CLO) Đây là nội dung nằm trong Đề án “Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo” vừa được UBND TP HCM phê duyệt.

Sức khỏe