Đời sống văn hóa

Chuẩn bị tái thẩm định lần 2 Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

T.Toàn 22/05/2025 21:55

(CLO) Thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO sẽ là cơ sở cho công tác tái thẩm định, giữ vững danh hiệu Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Đoàn chuyên gia tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO do ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Tổng Thư ký Ban điều hành làm Trưởng đoàn vừa có làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về khảo sát, thực hiện các khuyến nghị UNESCO chuẩn bị cho tái thẩm định lần 2 danh hiệu UNESCO của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

1cvdccb9.jpg
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận năm 2018. Ảnh: TL

Báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng tại cuộc làm việc cho biết, thực hiện các nội dung khuyến nghị của UNESCO, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt công tác bảo vệ các giá trị di sản địa chất, tài nguyên môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học; đầu tư cơ sở vật chất tôn tạo, bảo tồn, giới thiệu các giá trị di sản các các tuyến Công viên địa chất; tổ chức các hoạt động tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo vệ Công viên địa chất cho người dân địa phương; dạy tiếng Tày - Nùng bảo tồn ngôn ngữ bản địa cho người dân; quản lý chặt chẽ các hành vi xâm hại, khai thác tài nguyên khoáng sản trong vùng Công viên địa chất; 5 tuyến trải nghiệm Công viên địa chất Non nước Cao Bằng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm…

Qua báo cáo và quá trình kiểm tra thực tế các điểm di sản, ông Guy Martini đánh giá cao tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực thực hiện khuyến nghị UNESCO trong vận hành Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Ông Guy Martini khẳng định, việc Cao Bằng thực hiện tốt các khuyến nghị là cơ sở tốt cho công tác tái thẩm định, giữ vững danh hiệu UNESCO của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vào tháng 6/2025.

Tuy nhiên, ông Guy Martini lưu ý tỉnh Cao Bằng cần quan tâm, tích cực triển khai nâng cao nhận thức cộng đồng để thực hiện chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các xã, huyện nằm trong vùng Công viên địa chất để có chiến lược, hành động cụ thể phòng chống bão lũ, thiên tai; tăng cường hơn nữa bảo tồn tiếng dân tộc bản địa…

Dự báo thời gian tới, khi lượng khách du lịch tăng lên, tỉnh sẽ đối mặt với nhiều thách thức, ông Guy Martini khuyến nghị Cao Bằng cần học hỏi kinh nghiệm các tỉnh có Công viên địa chất toàn cầu như: Hà Giang, Đắk Nông, Lạng Sơn để xây dựng chương trình hành động mới, phù hợp hơn, từ đó khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới tỉnh Cao Bằng sẽ kiện toàn, tái cấu trúc lại Ban Quản lý Công viên địa chất, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời xây dựng chương trình hành động Công viên địa chất giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với thực tiễn đổi mới kinh tế - xã hội, chính trị của tỉnh, cả nước.

Ông Trịnh Trường Huy cũng đề nghị đoàn chuyên gia gợi ý, tư vấn cho tỉnh Cao Bằng xây dựng chương trình hành động sát với thực tiễn, tiếp tục vận hành hiệu quả hơn nữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đáp ứng yêu cầu mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuẩn bị tái thẩm định lần 2 Công viên địa chất Non nước Cao Bằng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO