Chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
(CLO) Đoàn công tác do đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về việc chuẩn bị tổ chức Chương trình kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Toàn cảnh buổi làm việc chuẩn bị tổ chức Chương trình kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: baothainguyen.org.vn
Tham dự và làm việc với đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Hội Nhà báo tỉnh, huyện Đại Từ, Định Hóa và các cơ quan báo chí tỉnh Thái Nguyên.
Đầu năm 1949, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, vai trò của tuyên truyền, báo chí cũng có thêm nhiều nhiệm vụ mới, đặc biệt phải phát triển nhanh để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng. Mặc dù vô cùng bận rộn nhưng Bác vẫn chỉ đạo mở lớp dạy làm báo và Người đã 2 lần gửi thư tới lớp học.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Tư liệu
Trường cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng là lớp đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong kháng chiến ở nước ta. Trường đào tạo học viên trong 3 tháng, với 42 học viên. Tuy ngắn hạn nhưng đồ sộ về nội dung và số cán bộ giảng dạy là những lãnh đạo của cuộc kháng chiến, kinh nghiệm và phong phú lý luận, thực tiễn… Các ông Đỗ Đức Dục, Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh (Giám đốc), Xuân Thủy (Phó Giám đốc), Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ là các ủy viên của ban lãnh đạo.
42 học viên học trong 3 tháng được đón 29 giảng viên: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Quang Đạm,… Các giảng viên đến nói ở lớp từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào? (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ)… Ngày 6/7/1949, tại Bờ Rạ, lớp học bế mạc.
Lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của học đi đôi với hành,vừa học lý thuyết vưa thực hành, để từ đó, các học viên là hạt nhân của báo chí cách mạng Việt Nam luôn tỏa sáng và góp phần to lớn để có nền báo chí hôm nay.
Để tôn vinh các giá trị lịch sử, theo kế hoạch, ngày 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời; khánh thành tuyến đường vào nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã cảm ơn sự hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên trong các hoạt động của Hội thời gian qua và đề nghị tỉnh phối hợp, giúp đỡ để tổ chức lễ kỷ niệm sao cho trang trọng, tiết kiệm, làm nổi bật ý nghĩa nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng nói riêng, khẳng định vai trò của ATK Thái Nguyên trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung...
PV