Góc nhìn

Chuẩn hóa dinh dưỡng học đường: Việc cấp thiết cần được thực thi

Hà Nguyễn 10/04/2025 10:57

(NB&CL) An toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn bán trú trong trường học là câu chuyện chưa bao giờ nguôi sức nóng. Những tranh cãi ồn ào trên mạng xã hội những ngày qua về suất cơm bán trú lèo tèo vài lát thức ăn ở một ngôi trường tại Quảng Nam một lần nữa cho thấy chuẩn hoá dinh dưỡng học đường đã là việc cấp thiết phải được đưa vào thực thi.

1. “Con mình đi học về chụp suất ăn như thế này, mình thấy không ổn chút nào? Ăn xế thì liên tục bánh gạo An An, đông sương, đậu hũ, lâu lâu mới được ăn sữa chua Ánh Hồng không phải các nhãn như Vinamilk hay TH True Milk. Mình nghĩ tệ thì cũng đủ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, chứ như thế này sao đủ năng lượng cho buổi chiều của các con..”- bài viết của một phụ huynh ở TP. Đà Nẵng được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dư luận hết sức quan tâm những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường cần xem xét lại chất lượng suất ăn vì không đảm bảo dinh dưỡng.
Trước thắc mắc của phụ huynh và cộng đồng mạng, trao đổi với báo chí, bà Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành- nơi có bữa ăn sơ sài như bài đăng phản ánh- khẳng định thông tin trên là không chính xác. Bà cho biết, hình ảnh được đăng tải là của ngày 25/3, chụp khi nhân viên chưa chia xong thức ăn. “Suất cơm luôn đảm bảo dinh dưỡng cho các em. Nếu em nào muốn ăn thêm vẫn được đáp ứng”, bà Lan nhấn mạnh.

image3-1736307315-604-width1429height804.jpg

2. Dù “bữa ăn học đường lèo tèo” có thể không có thật tại Quảng Nam như bà Hiệu trưởng Trường Núi Thành đã khẳng định nhưng trước đó, chỉ cần đánh cụm từ “ồn ào bữa ăn học đường”, sẽ dễ thấy, những “bữa ăn học đường có vấn đề” đã không là chuyện hiếm, nếu không muốn nói là ngày càng phổ biến một cách đáng quan ngại. Đơn cử như cách đây chưa lâu, cuối tháng 3 vừa qua, chủ tịch UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã phải chỉ đạo lãnh đạo Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa làm rõ phản ánh của phụ huynh rằng thực phẩm trong bữa ăn chính một mâm cơm 6 học sinh (tổng trị giá là 120.000 đồng) khá “nghèo nàn”, thiếu dinh dưỡng, đặc biệt với học sinh khối lớp lớn.
Tháng 12/2024, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) quyết định cho thôi chức vụ hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Ty đối với bà Nguyễn Thị Hà. Trước đó, tối 2/12/2024, trong chương trình Chuyển động 24h phát trên Đài truyền hình quốc gia (VTV1) phản ánh chất lượng nấu ăn bán trú tại Trường tiểu học Nậm Ty có nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, thực đơn cả tuần ở trường này hầu như chỉ có cơm, canh, trứng vịt luộc và xúc xích rán. Có bữa được “cải thiện” với món thịt nhưng mỡ nhiều hơn nạc hoặc món thịt gà đông lạnh.
Tháng 4/2024, một số phụ huynh có con theo học tại Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) bức xúc phản ánh đến báo chí việc bữa ăn bán trú mà nhà trường cho con em họ ăn hằng ngày thua xa suất cơm bụi lề đường khi chỉ lèo tèo 2-3 khúc sườn heo luộc, một miếng chả trứng chiên, đậu cove xào và cơm trắng, trong khi tổng số tiền mỗi bữa ăn bán trú tại trường là 37.000 đồng/bữa.

e53b4b74ce31666f3f204.jpg
Dinh dưỡng tốt, dinh dưỡng hợp lý không chỉ để đảm bảo thể lực và trí lực cho trẻ mà trên hết còn là vì tương lai tầm vóc, trí tuệ của người Việt.

Tháng 12/2023, chương trình Chuyển động 24 giờ (Đài Truyền hình Việt Nam) phản ánh tình trạng bữa ăn của các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 có dấu hiệu bị bớt xén. Cụ thể, trong bữa sáng tại bếp ăn bán trú, mỗi mâm có 11 trẻ em tranh nhau 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm. Dù trên bảng thực đơn và công khai tài chính có ghi rõ, 174 học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em 1 gói mì tôm và 1 quả trứng. UBND Huyện Bắc Hà sau đó đã đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng Nhà trường Trần Ngọc Hà, người luôn khẳng định các bữa ăn đều… đảm bảo khẩu phần.
3. Từ vô số những ví dụ trên có thể thấy với bữa ăn học đường thời nay, mọi thứ đều có thể xảy ra, nào ngộ độc bởi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tồi tệ, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng cho tới dinh dưỡng không đảm bảo…
Mỗi khi xảy ra sự cố liên quan đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm, việc thường thấy nhất là nhà trường đứng ra xin lỗi, rồi hứa hẹn sẽ siết chặt chất lượng bữa ăn bán trú, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nhưng những sự vụ ngộ độc thực phẩm, những bữa ăn lèo tèo xơ xác vẫn không ngừng được phản ánh… đã là minh chứng cho thấy, đến thời điểm này, để đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường, những lời xin lỗi, hứa hẹn hoàn toàn là không đủ và những “giải pháp” kiểu như mời phụ huynh cùng đi học, cùng ăn trưa cùng các con… đã không thực sự là giải pháp rốt ráo để bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường.
Vậy đâu sẽ là giải pháp hiệu quả cho việc kiểm soát bữa ăn học đường? Xung quanh vấn đề này, chuẩn hoá, luật hoá dinh dưỡng học đường là giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị từ lâu. TS.LS Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội – từng cho rằng, đã đến lúc cần tăng cường hơn nữa cơ chế kiểm soát bữa ăn trong môi trường học đường; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Hiện nay, pháp luật về an toàn thực phẩm chưa có quy định cụ thể về việc đảm bảo an toàn, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh trong cơ sở bán trú. Ở độ tuổi này thì việc đảm bảo thực phẩm rất quan trọng. Chúng ta cần hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú trường học để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và điều kiện phát triển cho trẻ em”, TS.LS Đặng Văn Cường cho biết.
GS.TS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng từng nhấn mạnh: “Hiện nay, bữa ăn học đường chưa có sự chuẩn hóa và kiểm soát bằng quy chuẩn dẫn tới việc bữa ăn học đường ở nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và chưa bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn học đường; chưa có giá trị về giáo dục dinh dưỡng. Nhiều trường học chưa có giáo viên/người phụ trách về dinh dưỡng để lên những thực đơn phù hợp với lứa tuổi. Thậm chí, người nấu bếp, nhân viên nhà bếp còn không được đào tạo về dinh dưỡng hoặc nhà trường mua nguyên suất ăn từ các công ty thực phẩm cung cấp cho học sinh và phó mặc các vấn đề về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho các công ty đó”.
Dinh dưỡng tốt, dinh dưỡng hợp lý không chỉ để đảm bảo thể lực và trí lực để trẻ học tập, sinh hoạt tốt hơn mà trên hết còn là vì tương lai tầm vóc, trí tuệ của người Việt. Từ năm 1954, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Bữa trưa học đường. Cho tới năm 2005, lại ban hành Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng. Đến nay, 99% các trường Tiểu học và 91,5% các trường Trung học cơ sở tại Nhật Bản đã áp dụng chương trình này. Kết quả, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, tầm vóc, chiều cao trung bình của thanh niên Nhật Bản tăng trưởng vượt bậc. Tại Thái Lan, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường.
Câu chuyện thành công của Nhật Bản, của Thái Lan… cho thấy đã đến lúc việc chuẩn hoá, luật hoá bữa ăn học đường cho con trẻ không nên chỉ để bàn cho có mà phải được hiện thực hoá một cách quyết liệt.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuẩn hóa dinh dưỡng học đường: Việc cấp thiết cần được thực thi
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO