Chứng khoán KIS bị truy thu hơn 1,2 tỷ đồng thuế, lợi nhuận quý I/2025 lao dốc 34%
(CLO) Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam bị truy thu hơn 1,2 tỷ đồng thuế do kê khai sai, theo quyết định mới từ Cục Thuế TP HCM. Trong khi đó, báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp giảm tới 34% so với cùng kỳ, chủ yếu do hoạt động tự doanh kém hiệu quả và chi phí điều hành tăng cao.
Cục Thuế TP HCM đã ban hành quyết định ngày 9/5/2025 yêu cầu Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) thực hiện nghĩa vụ tài chính do khai sai thuế. Theo thông báo, KIS bị truy thu hơn 491 triệu đồng tiền thuế, nộp gần 458 triệu đồng tiền chậm nộp và điều chỉnh giảm khấu trừ thuế hơn 301 triệu đồng. Tổng số tiền công ty phải nộp là khoảng 1,25 tỷ đồng.

Do thời hiệu xử phạt đã hết, KIS không bị xử phạt hành chính nhưng vẫn phải chấp hành nghĩa vụ tài chính theo Điều 110, Luật Quản lý thuế. Quy định này cho phép truy cứu vi phạm trong vòng 10 năm đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế.
Trước đó, ngày 5/5, KIS cũng gặp sự cố kỹ thuật trong ngày đầu hệ thống giao dịch KRX chính thức hoạt động. Công ty buộc phải tạm dừng nhận lệnh trên thị trường UPCoM từ 10h04 và chỉ khắc phục được sự cố trong buổi chiều cùng ngày. Giao dịch được nối lại từ ngày 6/5 và không ghi nhận thiệt hại đáng kể.
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý I/2025 của KIS cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt hơn 128 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái và mới hoàn thành 17% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 103 tỷ đồng, mức giảm tương ứng. Nguyên nhân chính là do hiệu quả kém từ hoạt động tự doanh – đặc biệt là đầu tư cổ phiếu và chứng quyền. Bên cạnh đó, chi phí quản lý tăng 17% cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận, chủ yếu do tăng lương và phụ cấp cho lãnh đạo cấp cao.
Dù kết quả quý I chưa đạt kỳ vọng, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 3/4, KIS vẫn đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.125 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng trong năm 2025 – mức cao kỷ lục nếu thực hiện thành công. Kế hoạch kinh doanh của công ty dựa nhiều vào lãi cho vay ký quỹ (dự kiến 577 tỷ đồng), hoạt động môi giới (273 tỷ đồng), cùng các mảng khác như chứng quyền, ETF, và ngân hàng đầu tư (219 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, công ty cũng công bố kế hoạch xử lý triệt để nợ xấu, với việc trích lập 100% dự phòng cho các khoản vay không thu hồi được. Cụ thể, hơn 126 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối năm 2021 và gần 10 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022 đều đã được xử lý theo hướng trích lập đầy đủ dự phòng.