Chứng khoán Kỹ Thương tăng quy mô vốn chủ sở hữu
(CLO) Nhận thêm 10.242 tỷ đồng từ Techcombank, Chứng khoán Kỹ Thương giải ngân hơn 6.200 tỷ đồng mua trái phiếu trong quý II/2023. Cũng nhờ đợt tăng vốn, vốn chủ sở hữu của TCBS hiện đứng đầu trong nhóm CTCK.
Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) nằm trong số ít các công ty chứng khoán huy động thêm nguồn vốn mới từ các cổ đông trong nửa đầu năm 2023. Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, vốn điều lệ tăng chưa đến hai lần, từ 1.126 tỷ đồng lên 2.177 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức giá chào bán cổ phiếu lên tới 97.542 đồng, TCBS thu về 10.242 tỷ đồng từ đợt phát hành trên. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu TCBS đạt xấp xỉ 101.000 đồng.
Cùng với phần lợi nhuận tăng thêm trong kỳ, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán này đạt 22.004 tỷ đồng

Doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của TCBS đều giảm (Ảnh TL)
Bài liên quan
Trong Quý 2/2023, TCBS đạt doanh thu hoạt động 1.083,8 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Trong đó lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm hơn 36% so với cùng kỳ. Bù lại, lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) lại tăng từ 27,7 tỷ lên 101 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại của nền kinh tế, doanh thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, địa lý phát hành chứng khoán của TCBS cũng ghi nhận giảm từ 334,3 tỷ xuống còn 220,9 tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 33%.
Đến cuối quý II, TCBS sở hữu 13.460 tỷ đồng trái phiếu, tăng 87% so với mức hơn 7.210 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong đó, đa phần là trái phiếu chưa niêm yết (12.570 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, công ty giảm đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, giá trị đầu tư cổ phiếu không thay đổi đáng kể nhưng cơ cấu danh mục chuyển sang sở hữu nhiều hơn cổ phiếu niêm yết. TCBS cũng có thêm một khoản đầu tư dài hạn khác trị giá hơn 3.033 tỷ đồng.
Tại thời điểm kết thúc Quý 2/2023, tổng tài sản của TCBS có sự gia tăng mạnh từ 26.091,5 tỷ đồng hồi đầu năm lên 34.775,4 tỷ đồng. Phần tăng thêm chủ yếu đến từ lần phát hành cổ phiếu riêng lẻ giúp tăng vốn chủ sở hữu lên thêm hơn 10.000 tỷ đồng diễn ra trong Quý 1.
Phần lớn tài sản của TCBS nằm dưới dạng tài sản ngắn hạn, chiếm 31.605,7 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền hiện đang chiếm 5.760,9 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu kỳ.
Ghi nhận về tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) có sự gia tăng mạnh, từ 10.511,1 tỷ đồng hồi đầu năm lên 14.772,9 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý nhất là giá trị hợp lý của lượng cổ phiếu niêm yết chiếm 468,4 tỷ đồng trong khi đầu kỳ chỉ là 14,5 tỷ đồng. Giá trị hợp lý của cổ phiếu niêm yết mà TCBS nắm giữ thấp hơn so với giá trị gốc khoảng 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TCBS cũng đang gia tăng nắm giữ lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết với giá trị gốc là 12.570,3 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu kỳ.