Chứng khoán ngày 2/2: Chưa nhiều cơ sở để thị trường tạo đáy
(CLO) Hiện chưa có nhiều cơ sở để cho rằng thị trường chứng khoán đã tạo đáy, có chăng đây là nhịp nghỉ hoặc tái phân phối sau chuỗi giảm mạnh vừa qua.

Thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế
Thị trường chứng khoán hôm qua ( 1/2) đã không thể duy trì nhịp nảy mạnh mẽ như phiên cuối tuần trước. Sau tuần biến động mạnh, tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng hơn. Việc nhà đầu tư tận dụng các nhịp hồi phục để chốt lời khiến VN-Index đảo chiều liên tục trong phiên sáng.
Sang đến phiên chiều, áp lực bán tăng mạnh và lan rộng khiến hàng trăm mã nằm sàn, khiến chỉ số VN-Index rơi về vùng giá 1.035 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 90 mã tăng và 369 mã giảm (101 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index giảm 21,1 điểm (-2%) xuống 1.035,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 634,33 triệu đơn vị, giá trị đạt 13.651,48 tỷ đồng, giảm 20,41% về khối lượng và 23,44% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.
Trên sàn HNX có 61 mã tăng và 140 mã giảm (40 mã giảm sàn), chỉ số HNX-Index giảm 5,37 điểm (-2,51%) xuống 208,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 115,83 triệu đơn vị, giá trị 1.688 tỷ đồng, giảm 43% về lượng và 37,39% về giá trị so với phiên trước đó.
Trên UPCoM, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên chiều. Đóng cửa, chỉ số UpCoM-Index giảm 1,1 điểm (-1,39%) xuống 71,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,16 triệu đơn vị, giá trị 457 tỷ đồng, giảm 68,88% về lượng và 48% về giá trị so với phiên 29/1.
Nhận định về phiên hôm qua, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) lưu ý, dòng tiền đầu tư đang thoát khỏi thị trường khi có đến 18/19 ngành giảm điểm. Thanh khoản suy giảm, biên độ thị trường nới rộng và độ rộng tiêu cực cho thấy xu hướng bán ròng mạnh mẽ.
Theo BSC, vận động của VN-Index nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào tình trạng lây lan của Covid-19 trong giai đoạn tới. Nếu Việt Nam khống chế dịch bệnh thành công, thị trường có thể kiểm tra lại vùng 1.100 điểm. Nếu không, VN-Index nhiều khả năng sẽ quay trở lại ngưỡng 1.000 điểm.
Cũng với góc nhìn thận trọng, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, về kỹ thuật, hiện chưa có nhiều cơ sở để cho rằng thị trường đã tạo đáy, có chăng đây là nhịp nghỉ hoặc tái phân phối sau chuỗi giảm mạnh vừa qua.
Nhóm chuyên gia đến từ MBS phân tích, thị trường đang có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước nên các phiên tăng điểm sau đó nhiều khả năng là hồi kỹ thuật, bên cạnh đó biên độ dao động của thị trường hiện đang rất lớn, đó là dấu hiệu ít thấy ở các vùng thị trường tạo đáy.
“VN-Index chốt phiên giao dịch ngày 1/2 dưới ngưỡng trung bình 50 ngày, một mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng. Do vậy, trong kịch bản cơ sở, thị trường có thể dao động trong khoảng 930 - 940 là ngưỡng trung bình MA100 và MA200 theo tuần đến cận trên của khoảng GAP ở 1.086 điểm và cũng là kháng cự MA50 theo ngày” - nhóm phân tích của MBS dự báo.
Lạc quan hơn, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhìn nhận, tín hiệu hôm qua có phần tích cực khi áp lực bán có dấu hiệu suy yếu đi thể hiện qua khối lượng sụt giảm. Theo PHS, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh một vài phiên tới và lùi về kiểm đỉnh lại đáy quanh 1.000 điểm.
PHS cũng kỳ vọng tín hiệu nến và khối lượng sẽ tiếp tục thu hẹp dần để phát tín hiệu test đáy tích cực, qua đó sớm tạo đáy và tăng trở lại. Vùng hỗ trợ được PHS nhận định là 990-1.000 điểm.
Từ đó, PHS khuyến cáo nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát, có thể canh tham gia trở lại nếu tín hiệu test đáy tích cực; ưu tiên chú ý các cổ phiếu mạnh trong các nhóm bất động sản, khu công nghiệp, bán lẻ, săm lốp, dệt may.
Thế Vũ