Chúng ta có thể đã hiểu sai hoàn toàn về nguồn gốc của con người
(CLO) Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa công bố phát hiện gây tranh cãi: tổ tiên loài người hiện đại có thể bắt nguồn từ châu Âu chứ không phải từ châu Phi như giả thuyết lâu nay của giới khoa học.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2015, khi các nhà nghiên cứu do giáo sư Ayla Sevim Erol (Đại học Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ) và giáo sư David Begun (Đại học Toronto, Canada) dẫn đầu đã khai quật được một phần hộp sọ hóa thạch ở gần thành phố Çankırı, miền bắc trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ.
Mẫu vật này có niên đại 8,7 triệu năm, thuộc về một loài vượn chưa từng được biết đến trước đó, sau được đặt tên là Anadoluvius turkae.
Điểm đặc biệt là hóa thạch này bao gồm phần lớn cấu trúc khuôn mặt và phía trước hộp sọ, điều hiếm thấy trong các mẫu vượn cổ. Nhờ vậy, nhóm nghiên cứu có thể tiến hành phân tích sâu, tái dựng hình ảnh, và xác định rằng Anadoluvius turkae có kích thước tương đương một con khỉ đột cái hoặc tinh tinh đực lớn, sống trong môi trường rừng khô và thoáng.
Nhưng điều khiến phát hiện này trở nên đặc biệt là ở chỗ: Anadoluvius turkae được xác định thuộc về nhánh sớm nhất của hominine – nhóm bao gồm tinh tinh, khỉ đột và loài người.
Begun khẳng định rằng kết quả phân tích cho thấy hominine có thể đã trải qua hơn 5 triệu năm tiến hóa ở Tây và Trung Âu, sau đó lan tới vùng đông Địa Trung Hải và di cư sang châu Phi – hoàn toàn đảo ngược lại giả thuyết truyền thống.

Hộp sọ một phần của con Anadoluvius turkae cái. Ảnh: Sevim-Erol et al
Đây không phải là lần đầu tiên châu Âu được nhắc đến như cái nôi của loài người. Hóa thạch của Ouranopithecus macedoniensis, được tìm thấy ở Hy Lạp vào năm 1989, đã từng gây chấn động vì có niên đại từ cuối kỷ Miocene (từ khoảng 11,6 đến 5,3 triệu năm trước).
Trong thập kỷ tiếp theo, nhiều mẫu vật cổ hơn tiếp tục được tìm thấy tại đây. Năm 2017, một nghiên cứu khác về hóa thạch Graecopithecus ở Bulgaria và Hy Lạp còn chỉ ra rằng loài này có thể sống trước cả tổ tiên loài người đầu tiên ở châu Phi hàng trăm nghìn năm.
Theo Begun, "dù chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng chúng tôi có lý do để tin rằng vượn người – tổ tiên trực tiếp của loài người – bắt nguồn từ châu Âu và chỉ di cư sang châu Phi trong giai đoạn từ 9 đến 7 triệu năm trước, có thể do rừng thu hẹp và điều kiện môi trường thay đổi".
Begun cũng lưu ý rằng hóa thạch vượn người cổ hoàn toàn vắng bóng ở châu Phi trước mốc 7 triệu năm – một chi tiết khiến giả thuyết châu Phi ngày càng lung lay.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh các phát hiện này. Các nhà khoa học thận trọng cho rằng để khẳng định chắc chắn nguồn gốc châu Âu của loài người, cần có thêm nhiều hóa thạch được bảo quản tốt, có niên đại từ 7 – 8 triệu năm ở cả châu Âu và châu Phi, để kết nối các mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa.
Dù còn là giả thuyết, nhưng phát hiện về Anadoluvius turkae chắc chắn đã mở ra một chương mới đầy thú vị (và gây tranh cãi) trong hành trình truy tìm nguồn gốc của loài người. Và một điều rõ ràng: câu chuyện về nguồn gốc loài người còn nhiều điều chưa được viết.
Ngọc Ánh (theo Sciencing, Communications Biology)