"Chúng ta đang xem nhẹ các tác động khách quan tới đổi mới giáo dục"
(CLO) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Sự bùng nổ và diễn biến phức tạp của COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, lựa chọn, tập huấn giáo viên”.
Một trong những vấn đề mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, đoàn Tiền Giang quan tâm đó chính là vấn đề đổi mới giáo dục.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, theo quy định tại Điều 2 Thông tư 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông thì Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo lộ trình như sau: Năm học 2020-2021 lớp 1; 2021-2022 là lớp 2, lớp 6; 2022-2023 là lớp 3, lớp 7, lớp 10; 2023-2024 là lớp 4, lớp 8, lớp 11 và 2024 -2025 là lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Tuy nhiên, ngay giai đoạn đầu của lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận xã hội khác nhau, đa phần là phản ánh những hạt sạn ngay chính trong sách giáo khoa, tài liệu để thực hiện giáo dục mà một số trường lựa chọn, phần khác vấn đề về giáo dục là cần thiết của một số vở bài tập.
Song, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này phải chăng đến từ việc quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung sách giáo khoa của Hội đồng thẩm định, vấn đề thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong việc thực hiện thẩm định hay chính trong sự quyết định lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương để thực hiện lộ trình theo Thông tư 32 kể trên.
Vô tình chúng ta xem nhẹ các yếu tố tác động khách quan đến việc thực hiện lộ trình này, trong đó có sự bùng nổ và diễn biến phức tạp của COVID-19 trên toàn thế giới và ngay cả trong nước ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, lựa chọn, tập huấn giáo viên một cách đúng thời gian và đúng liều lượng”.
Trinh Phúc