Chuối, dứa, dừa, chanh leo - nhóm cây ăn quả tỷ đô chờ bứt phá
(CLO) Nhóm cây ăn quả gồm chuối, dứa, dừa và chanh leo đang sở hữu tiềm năng lớn để phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của ngành nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng dư địa này cần có sự đổi mới toàn diện và quyết liệt hơn, đặc biệt là giống cây trồng và công nghệ.
Với tổng diện tích hơn 420.000 ha và sản lượng vượt 6,3 triệu tấn mỗi năm, nhóm trái cây chanh leo, dứa, chuối và dừa đang trở thành trụ cột của ngành cây ăn quả Việt Nam. Trong đó, chuối dẫn đầu về sản lượng với 3 triệu tấn/năm, tiếp theo là dừa với 2,28 triệu tấn, dứa 860.000 tấn và chanh leo 163.000 tấn.
Trên thị trường xuất khẩu, chuối đạt gần 380 triệu USD, chanh leo đạt hơn 222 triệu USD, dứa khoảng 34 triệu USD, trong khi dừa đã vượt qua cột mốc 1,1 tỷ USD trong năm 2024. Các sản phẩm này hiện diện ở nhiều thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và duy trì thị phần lớn tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để ngành nông sản Việt Nam phát huy hết tiềm năng, cần có sự tổ chức lại bài bản từ giống cây trồng, vùng trồng đến chế biến và xây dựng thương hiệu, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Tại diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây chủ lực”, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, để tạo ra bước bứt phá, cần tiến hành một cuộc cách mạng công nghệ đồng bộ từ khâu giống, vùng trồng, canh tác, truy xuất nguồn gốc đến hệ thống logistics.
Hiện nay, một trong những vấn đề cản trở sự phát triển bền vững của ngành trái cây chính là giống cây trồng. Đây là yếu tố nền tảng nhưng chưa được chú trọng đúng mức trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thương mại hóa giống, do các rào cản về chính sách và thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, gần đây, theo Nghị định 88/2025/NĐ-CP của Chính phủcho phép thí điểm các cơ chế đặc biệt nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống, từng bước làm chủ nguồn gen và nâng chất cây trồng.
Bên cạnh giống cây trồng, phát triển vùng nguyên liệu chuẩn cũng là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay, nhiều hợp tác xã nông sản còn hoạt động rời rạc, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Tình trạng gom hàng từ nhiều nguồn khác nhau gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm xuất khẩu.
Để giải quyết vấn đề này, cần phát triển các vùng nguyên liệu chuẩn với hệ thống mã vùng rõ ràng, quy trình canh tác đồng nhất. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã từ đầu vào bao gồm giống, vật tư đến đầu ra như tiêu thụ, chế biến.
Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình quản lý sang chính quyền hai cấp và phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và trung gian chính sách cho ngành.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế, các ngành hàng học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chuỗi giá trị và phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt từ những nước có điều kiện sản xuất tương đồng. Đặc biệt, cần nâng cấp hệ thống kho lạnh, trung tâm đóng gói và chế biến hậu thu hoạch, đảm bảo sản phẩm trái cây Việt Nam có thể giữ được chất lượng và tính cạnh tranh lâu dài.
Ngành cây ăn quả Việt Nam đang đứng trước một cơ hội phát triển lớn, nhưng để có thể bứt phá mạnh mẽ trong tương lai, cần một chiến lược tổng thể và quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ và liên kết vùng nguyên liệu. Chỉ khi những nút thắt này được tháo gỡ, ngành trái cây Việt Nam mới có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trở thành nhóm nông sản xuất khẩu tỷ đô trong tương lai gần.