Chuyển biến tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở Lào Cai nhìn từ hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay
(CLO) Công tác xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số của Lào Cai thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, để góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong công tác giảm nghèo, thời gian qua Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động, bước đầu đạt những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, hàng năm Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, kế hoạch về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững kế hoạch về thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững năm, tham mưu các văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; kế hoạch triển khai thực hiện công tác đưa người lao động tỉnh Lào Cai đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và cụ thể hoá kế hoạch của tỉnh gắn với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn ở địa phương để triển khai đạt hiệu quả cao nhất.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ảnh: ND
Để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các xã nghèo, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh; thời gian qua tỉnh Lào Cai đã huy động mọi nguồn lực và triển khai, thực hiện lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vay vốn và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn...
Đặc biệt, Lào Cai đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, ... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là tại địa bàn của 4 huyện nghèo: Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma cai và 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh thuộc 4 huyện nghèo và các huyện khác trong tỉnh. Để phát huy hiệu quả các chính sách giảm nghèo, Lào Cai đã lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội khác.
Cùng với đó, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững.
Ông Đinh Văn Thơ, Phó giám đốc Sở Lao động và Thương binh tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo; thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, bậc học theo quy định hiện hành… đã từng bước góp phần tạo nguồn nhân lực đảm bảo có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng, có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc.
Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đào tạo được trên 11.300 lượt người, đạt 94,2% kế hoạch; ước thực hiện năm 2024 đào tạo được hơn 12.700 người, đạt 105,9% kế hoạch; góp phần vào kết quả đào tạo nghề từ đầu nhiệm kỳ đến nay toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hơn gần 51.300, người đạt 88,39% so với mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2024 ước đạt 68,8%, đạt 100% kế hoạch. Lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề chiếm 55% trên tổng số người lao động tham gia học nghề.
Đồng thời, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 13.270 người, trong đó, có khoảng trong đó khoảng 7.960 người lao động là người dân tộc thiểu số (tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2023). Ước cả năm 2024 giải quyết việc làm cho 15.000 lao động, trong đó có khoảng 9.000 người lao động là dân tộc thiểu số.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện, đảm bảo đúng, đủ đối tượng thụ hưởng. Đơn cử, từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ chính sách nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg cho 1.378 học sinh sinh viên (cao đẳng 590 sinh viên, trung cấp 788 học sinh); thực hiện hỗ trợ cho 17 học sinh sinh viên theo chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Song song với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo mới thoát nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… Đến nay, toàn tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 435.377 người gồm trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số tại khu vực II, III (trong đó khoảng 70% là người dân tộc thiểu số).
Đức Toàn