“Chuyển đổi kép” - Lời giải cho bài toán tăng trưởng hai con số
(NB&CL) TP. HCM đang từng bước hiện thực hóa việc “chuyển đổi kép” để xây dựng nền móng vững chắc, giúp thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trong năm 2025. Việc chuyển đổi mạnh mẽ từ chiều rộng sang chiều sâu là yếu tố tất yếu để thành phố giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
Từ những tiền đề đã có
“Chuyển đổi kép” (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh) là một trong những “mũi nhọn” giúp thúc đẩy tăng trưởng, đã và đang được TP. HCM triển khai quyết liệt trong những năm qua.
Đơn cử từ năm 2023, TP.HCM đã phát triển đồng bộ cả 3 trụ cột về hoạt động chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với tỷ lệ giá trị tăng trung bình là 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chính quyền số của TP.HCM tăng 4 hạng, xếp thứ 2 cả nước với việc đưa vào hoạt động các nền tảng số dùng chung thống nhất giúp thay đổi mọi mặt của hoạt động quản lý, điều hành. Từ đó, người dân được hưởng các dịch vụ công trực tuyến tiện lợi, nhanh chóng với 1.054 dịch vụ công trực tuyến, 669 dịch vụ đạt mức toàn trình.
Tương tự, kinh tế số của TP. HCM cũng xếp thứ 2 cả nước trong năm 2023 nhờ vào việc thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong hoạt động bán buôn, bán lẻ, phát triển thương mại điện tử, logistics, du lịch… Đồng thời, TP.HCM còn đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một xã hội số với 100% người dân có danh tính số, tài khoản định danh điện tử. Thành phố còn tạo tiền đề quan trọng để người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích xã hội một cách thuận tiện, dễ dàng.

Đặc biệt, sự phát triển trong chuyển đổi số cũng là động lực để đẩy mạnh việc chuyển đổi xanh của thành phố. Theo TS. Trịnh Xuân Đức - Viện trưởng Khoa học Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường (SIIEE) nhận định: “TP. HCM đang ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số để chuyển đổi xanh và đạt nhiều thành tựu trong thời gian qua”.
Hiệu quả đó có thể thấy rõ từ hạ tầng giao thông với tuyến Metro số 1 khi giúp vận chuyển hàng trăm nghìn lượt khách/ngày, giúp giảm đáng kể áp lực lên giao thông cá nhân và hạn chế ô nhiễm không khí từ xe máy và ô tô. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt điện đang được triển khai cũng có thể giúp giảm phát thải tới 53 tấn CO2 mỗi năm trên 1 xe.
Về hạ tầng môi trường, dự án trồng công cây xanh viên bờ sông Thủ Thiêm đã giúp giảm nhiệt độ khu vực lân cận từ 1,5-2°C, đồng thời giảm thiểu tiếng ồn giao thông lên đến 40%. Hay như dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (TP.HCM) theo mô hình PPP đã giúp xử lý 469.000 m³ nước thải/ngày, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường tại sông Sài Gòn.
Trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị, TP. HCM đang triển khai các giải pháp chiếu sáng thông minh nhằm giảm ô nhiễm ánh sáng và tiết kiệm năng lượng. Ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh có thể giảm tới 80% khí thải CO₂, đồng thời cải thiện mức độ an toàn cho giao thông và người đi bộ.
Ngoài ra, thành phố đang thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất các loại nhiên liệu xanh như hydro xanh và amoniac xanh. Việc này không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh tế mới và việc làm cho người dân.
.jpg)
Quyết tâm cho những mục tiêu mới
Mặc dù có nhiều nỗ lực trên hành trình “chuyển đổi kép”, nhưng nhiều ý kiến cho rằng những kết quả đạt được bước đầu vẫn chưa đủ khi so sánh với tầm vóc của một đầu tàu như TP. HCM, cần có nhiều giải pháp hơn nữa để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP .HCM 2024, TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế nêu rõ: “TP. HCM có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng những ngành này lại chưa được đầu tư đúng mức. Chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào các ngành sử dụng tài nguyên và lao động thâm dụng, trong khi nguồn lực cho các ngành công nghiệp mới vẫn còn quá hạn chế”.
Trong khi đó, TS. Huỳnh Thanh Điền – chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân – lực lượng đang đóng góp khoảng 42% GDP và hơn 85% số lượng việc làm trên toàn quốc. Riêng tại TP. HCM, các doanh nghiệp tư nhân và startup công nghệ cũng đang đóng vai trò xung kích trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới và dịch vụ số.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khả năng tiếp cận vốn và các ưu đãi công nghệ. Thủ tục hành chính còn phức tạp, nguồn lực đầu tư mạo hiểm chưa phát triển, trong khi khung pháp lý về đổi mới sáng tạo còn thiếu đồng bộ”, TS. Huỳnh Thanh Điền cho biết.
Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế ưu đãi riêng cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thiết lập quỹ đầu tư nhà nước – tư nhân hỗn hợp, mở rộng các trung tâm ươm tạo công nghệ tại các khu công nghệ cao và trường đại học, từ đó hình thành hệ sinh thái giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động chuyển đổi kép.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc chuyển đổi kép để định hướng phát triển theo chiều sâu cũng nên được áp dụng trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp. Thành phố phải đi đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp tích hợp, sử dụng năng lượng tái tạo, có hệ thống xử lý chất thải tập trung, logistics thông minh và hạ tầng số hóa đồng bộ. Đó là nền tảng vật chất để thực hiện chuyển đổi xanh một cách thực chất.
Trong khi đó, TS. Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam lại cho rằng, TP.HCM muốn phát triển kinh tế đạt 2 con số, các thủ tục hành chính phải giảm thời gian gấp đôi, gấp ba lần. Để làm được điều này, vấn đề tối quan trọng là một số cơ quan phải có quy trình tự động hóa và đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Cùng với đó là tập trung bảo vệ sở hữu trí tuệ; bảo vệ các nhà khoa học khi họ có ý tưởng, có những nghiên cứu; qua đó khuyến khích sự chia sẻ, công bố nhiều hơn. Đồng thời, việc công bố các bằng sáng chế cũng phải nhanh hơn.
Cùng với việc tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, từng bước khắc phục các khó khăn trên hành trình “chuyển đổi kép”, TP. HCM vẫn đang tiếp tục thực hiện các mục tiêu đề ra.
Trong đó, thành phố tiếp tục thực hiện nhiều kế hoạch để giữ vai trò tiên phong phát triển xanh tại Việt Nam, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây cũng là động lực thu hút các nguồn tài chính xanh trong xu thế hiện nay. Từ đó biến TP. HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm để tạo đà tăng trưởng đột phá.
Còn với mục tiêu chuyển đổi số, TP. HCM đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Từ các mục tiêu này, TP. HCM cũng đặt ra chiến lược 1 - 4 - 1 (1 trung tâm - 4 cao - 1 chiến lược), gồm: 1 Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. HCM; 4 cao là trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (đổi mới sáng tạo; AI; GIS; Chip bán dẫn), khu công nghiệp công nghệ cao, giáo dục chất lượng cao và y tế chất lượng cao; 1 chiến lược là hạ tầng chiến lược tập trung vào hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại và hạ tầng số.
Với các chiến lược và mục tiêu đã được đặt ra, TS. Huỳnh Thanh Điền nhận định, TP.HCM đang từng bước hiện thực hóa việc “chuyển đổi kép” để xây dựng nền móng vững chắc, giúp thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trong năm 2025. Việc chuyển đổi mạnh mẽ từ chiều rộng sang chiều sâu là yếu tố tất yếu để thành phố giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.