Môi trường

Chuyển đổi số có thể "cứu" sông Tô Lịch

Phúc Ân 11/07/2025 06:14

(CLO) Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều năm, sông Tô Lịch đang được kỳ vọng “sống lại” nhờ các giải pháp ứng dụng công nghệ số.

Tại tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” do Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức mới đây, ông Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, để “hồi sinh” sông Tô Lịch, cần thay đổi tư duy tiếp cận, xử lý theo hướng chia nhỏ thành các lưu vực, tiểu lưu vực và triển khai các giải pháp phân tán như lắp đặt trạm bơm nhỏ dọc sông. Giải pháp này vừa nhanh, vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời có thể bổ cập nước tại chỗ, không phụ thuộc vào hệ thống bơm từ hạ nguồn.

Ghi nhận của PV, sau gần 2 tháng triển khai thi công, đập dâng giữ nước đầu tiên trên sông Tô Lịch, đoạn gần cầu Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã thành hình.
Hình ảnh đập dâng giữ nước đầu tiên trên sông Tô Lịch đang được triển khai.

Bên cạnh đó, cần tận dụng mạnh mẽ công nghệ số. Việc lắp đặt cảm biến quan trắc trên các dòng sông không chỉ giúp theo dõi chất lượng nước liên tục mà còn công khai dữ liệu theo thời gian thực trên hệ thống mạng. Từ đó, không chỉ các cơ quan chức năng mà người dân cũng có thể giám sát chất lượng môi trường.

Hiện nay đã triển khai chính quyền 2 cấp, chính vì vậy TP. Hà Nội nên triển khai mô hình quản lý theo chỉ tiêu đánh giá (KPI) tại cấp xã, cấp phường. Dữ liệu được tích hợp trên hệ thống GIS sẽ giúp xác định rõ khu vực nào phát thải, mức độ ô nhiễm ra sao, từ đó yêu cầu các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải trên 10m³/ngày đêm phải lắp đặt thiết bị quan trắc thông minh.

Cũng theo ông Lê Đình Du – Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài để cải tạo sông Tô Lịch. Trước mắt là thực hiện nạo vét lòng sông, thu gom toàn bộ các nguồn xả, cửa xả đưa về xử lý tại Nhà máy nước thải Yên Xá. Dự án được yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/8/2025.

Sau khi hệ thống xử lý đi vào hoạt động, nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy Yên Xá sẽ được bổ sung để phục hồi dòng chảy. Để tạo dòng chảy ổn định, thành phố sẽ kết hợp lấy thêm nguồn nước đã qua xử lý từ hồ Tây, đưa vào Tô Lịch qua Cửa điều tiết A (phường Tây Hồ), đồng thời xây dựng đập dâng tại cầu Quang (phường Hoàng Liệt) để giữ nước ở cao độ phù hợp.

Về lâu dài, Hà Nội đang triển khai dự án chỉnh trang hai bên bờ sông Tô Lịch nhằm tạo không gian văn hóa, cảnh quan và phát triển du lịch. Thành phố kỳ vọng biến nơi đây thành điểm đến văn hóa, lịch sử của người dân Thủ đô và du khách. Hiện Sở Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng và tham vấn chuyên gia, tổ chức xã hội để xây dựng phương án thiết kế phù hợp, hiệu quả và bền vững.

Việc kết hợp giữa giải pháp công trình, công nghệ hiện đại và chuyển đổi số không chỉ mở ra hướng đi mới trong cải tạo môi trường sông ngòi, mà còn giúp nâng cao năng lực giám sát, quản trị đô thị và tăng tính minh bạch trong bảo vệ tài nguyên nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyển đổi số có thể "cứu" sông Tô Lịch
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO