Chuyển đổi số, nếu doanh nghiệp không chuyển mình bắt kịp xu hướng sẽ tụt hậu

20/10/2024 07:20

(CLO) Làm gì và làm thế nào để chuyển đổi số thành công lại đang là một câu hỏi lớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Trong khi đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, rào cản pháp lý mà nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ "chôn chân" các doanh nghiệp trước các cơ hội mới.

Thế giới cảnh báo vỡ bong bóng chứng khoán

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), “Nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với những cơ hội chưa từng có để vươn mình, song kèm với đó là những khó khăn, thách thức nghiệt ngã chưa từng thấy do những biến động dữ dội của địa chính trị và kinh tế thế giới, những rủi ro về biến đổi khí hậu, những đòi hỏi bức bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ những yếu kém nội tại và những bất cập về cơ chế chính sách”.

chuyen doi so neu doanh nghiep khong chuyen minh bat kip xu huong se tut hau hinh 1

Nhiều doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi số thành công, nhưng cũng có những doanh nghiệp chưa bắt được "nhịp". Ảnh minh hoạ

Ở thời điểm hiện tại, theo ông Tuấn, các dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới không mấy lạc quan, thậm chí đã có những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vỡ "bong bóng chứng khoán" trong một tương lai gần. Gần đây trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế đã xuất hiện những động thái gây nên nhiều lo ngại như việc Warren Buffett bán lượng cổ phiếu lớn trị giá tới 75,5 tỷ USD, FED và ngân hàng Trung ương nhiều nước giảm lãi suất. Còn Nhật Bản lại tăng lãi suất để phục hồi giá trị đồng yên. Kinh tế Mỹ thì xuất hiện những bất ổn mới.

"Trật tự kinh tế thế giới cũ đang thay đổi và lãnh đạo một số quốc gia đã đề xuất kịch bản cho một trật tự kinh tế thế giới mới. Thiên tai bão lũ diễn ra dồn dập tàn phá nhiều vùng đất trên thế giới, đòi hỏi các quốc gia phải hành động quyết liệt hơn. Các đòi hỏi về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giảm khí thải nhà kính đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết", ông Tuấn nói.

Cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chưa từng thấy, tác động trực tiếp và sâu sắc cả tích cực và tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội, nó vừa mang tới những ngành nghề mới nhưng cũng triệt tiêu một số ngành nghề truyền thống.

Bối cảnh đó, hoàn cảnh đó đòi hỏi phải chuyển đổi số, nhanh, mạnh và rộng.

Nhưng làm gì và làm thế nào để chuyển đổi số thành công lại đang là một câu hỏi lớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa SME. Trong khi đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, rào cản pháp lý mà nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ "chôn chân" các doanh nghiệp trước các cơ hội mới.

Doanh nghiệp cần những gì trực diện nhất với sự sinh tồn của họ

Ở cấp Nhà nước thì làm gì và bằng cách nào để vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, chính phủ số góp phần cùng các quốc gia trên thế giới đạt mục tiêu không để nhiệt độ trái đất vượt quá 1,5 độ C vào năm 2050.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE kiến nghị nhà nước dẫn dắt doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số, tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số.

Đồng thời, theo ông, cần đẩy mạnh cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số. tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

chuyen doi so neu doanh nghiep khong chuyen minh bat kip xu huong se tut hau hinh 2

Chuyển đổi số, tăng trưởng xanh cần có thời gian để "vào" được doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ.

Ông Mại cũng cho rằng, cải cách thủ tục hành chính cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa để các DN nhất là SMEs dễ dàng tiếp cận các Quỹ hỗ trợ DN, tín dụng ưu đãi chuyển đổi số. Thành lập thêm một số Quỹ hỗ trợ chuyên ngành như công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn, AI, công nghệ hỗ trợ để DN nhất là SMEs, startup có điều kiện ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng, đổi mới quản trị DN.

Nhà nước khuyến khích thành lập các công ty tư vấn công nghệ, dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ DN nhất là SMEs thực hiện chuyển sang DN số với chi phí hợp lý cho từng gói dịch vụ. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số.

Từ góc độ doanh nghiệp, PGS-TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) lại nói: “Tôi nghĩ cần làm một lộ trình rõ ràng các DN thương mại, sản xuất làm gì để hàng hóa có cơ hội mà vẫn thỏa mãn tiêu chí số và xanh. Tôi hiểu rằng DN cần những gì trực diện nhất với sự sinh tồn của họ. Chuyển đổi số, tăng trưởng xanh cần có thời gian để "vào" được DN”.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình thì lên tiếng: Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đẩy mạnh giảm thủ tục hành chính, cần coi chống lãng phí thời gian như chống tham nhũng. Lãng phí thời gian là lãng phí lớn nhất.

“Việt Nam đứng trước cơ hội chưa từng có bước vào kỷ nguyên công nghệ và phát triển mạnh mẽ các sản phẩm công nghệ "made-in-Vietnam" và tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu”, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud phát biểu. Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong trong thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Việt tin rằng số là con đường rộng mở giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững, nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ quốc tế.

DN không chuyển mình sẽ bị tụt hậu

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh DN cần chủ động.

Ông nói: Thế giới đang đổi thay mạnh mẽ cùng nhiều xu hướng lớn. Ông cũng nói tới một thế giới của tư duy mới về phát triển như: Từ "tăng trưởng kinh tế" sang "phát triển bền vững, bao trùm"; từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh"; từ "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn"; từ "kinh tế thực" sang "kinh tế thực-số"/"kinh tế số"; từ "thị trường" sang "thị trường cùng một nhà nước/xã hội thúc đẩy sáng tạo"; từ "tự do hóa thương mại" sang "tự do hóa cùng tạo dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, có khả năng chống chịu".

Vì thế, theo ông Võ Trí Thành, DN cần chủ động tìm kiếm cơ hội, chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0 và cần chấp nhận cạnh tranh cùng kết nối với đối tác giỏi nhằm học hỏi và chia sẻ.

Cũng gợi mở cho doanh nghiệp, GS.TSKH Nguyễn Mại lưu ý: DN Chủ động chuyển đổi quản trị DN trong bối cảnh chuyển đổi số. “Cần xác định rằng trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nếu DN không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt”, TS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.

DN nên điều chỉnh chiến lược phát triển DN trong bối cảnh chuyển đổi số và có lộ trình cụ thể từ lập kế hoạch, triển khai theo từng giai đoạn cả về công nghệ, nhân lực cho phù hợp với thực trạng của DN.

DN nhất là SMEs, startup cần giao tiếp với các công ty công nghệ, dịch vụ để thực hiện chuyển sang DN số nhờ các gói hỗ trợ có chất lượng cao nhưng chi phí thấp đối với quản trị DN, kế toán, nộp thuế, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân lực.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam tuy đi sau nhưng có những lợi thế về chính trị - địa lý. Lại có thêm sự đồng hành của Chính phủ, có chiến lược và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng quyết tâm cao của DN, đặc biệt là những tập đoàn công nghệ hàng đầu. Đây là cơ hội cho Việt Nam - quốc gia "dùng đũa" tiếp theo vươn lên đón đầu làn sóng đầu tư chất lượng, đầu tư thông minh, như các cường quốc bán dẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…đã làm được.

Hà Linh 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyển đổi số, nếu doanh nghiệp không chuyển mình bắt kịp xu hướng sẽ tụt hậu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO