Chuyên gia nói gì khi F1 vẫn cách ly 5 ngày, tự theo dõi y tế 5 ngày?
(CLO) Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện y tế đang chịu áp lực lớn từ F0 tăng nên việc cách ly đối với F1 là cần thiết.
Ngày 21/2, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về cách ly y tế đối với F0 và F1.
Theo hướng dẫn này, F1 tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc-xin phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

Quy định cách ly với F1 để hạn chế dịch bùng phát mạnh.
Trường hợp này thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K. Nếu dương tính thì xử lý theo quy định.
Trong quá trình cách ly, người dân tự theo dõi sức khỏe, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, đau họng, ho, khó thở, đau người, ớn lạnh... cần báo ngay cho cơ quan y tế.
Trước quy định mới này, nhiều người cảm giác bất ngờ vì cho rằng hiện nay truy vết F0 là rất khó khăn. Nhiều người sẽ không biết mình là diện F1, hoặc nếu cứ gặp F0 trở thành F1 mà cách ly thì số người phải ở nhà là rất nhiều.
Theo chị Nguyễn Thuy Thủy ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: “Nếu F1 cách ly 5 ngày, thì sẽ rất nhiều người phải cách ly. Chưa nói đến việc, để xác định mình F1 rồi báo cáo lên cơ quan xin nghỉ cũng là điều rất phức tạp”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hùng ở quận Hà Đông, Hà Nội có ý kiến: “Việc bắt buộc F1 phải cách ly về phòng dịch là rất tốt nhưng điều này ảnh hưởng đến các hoạt động khác như học tập, sản xuất, dịch vụ. Vì hiện nay F0 di chuyển rất nhiều, diện F1 vì thế cũng rất đông. Thậm chí, còn không thể truy viết F0 thì việc buộc cách ly với F1 cũng rất khó thực hiện nghiêm túc”.
Thực tế hiện nay ở các cơ quan, nếu có người F0 thì người đó phải nghỉ, còn nhân viên trong cơ quan sẽ tiến hành test nhanh, tuần 2 lần. Ai âm tính sẽ đi làm. Vì thế nếu buộc F1 ở nhà cách ly thì diện đi làm ngày càng ít đi, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Trước vấn đề này, ông Trần Đắc Phu cho rằng, việc quy định cách ly 5 ngày và tự theo dõi sức khỏe 5 ngày tiếp theo đối với F1 nếu như xét nghiệm âm tính là phù hợp. Vì quy định tự theo dõi sức khỏe 5 ngày tức là người đó vẫn được hoạt động, đi lại nhưng tuân thủ 5K. “Tức là các trường hợp F1 sau 5 ngày xét nghiệm âm tính không phải ở nhà nữa.
Việc quy định cách ly 5 ngày như vậy để tránh việc bùng dịch lên nhiều quá sẽ không kiểm soát được” – ông Phu nhấn mạnh.
Trước thắc mắc, hiện F0 nhiều, diện F1 sẽ rất lớn, yêu cầu cách ly như vậy có phù hợp, ông Trần Đắc Phu cho rằng: “Giờ hệ thống y tế đang quá tải nên đây là biện pháp chống lây lan, dự phòng để hạn chế không cho dịch bùng phát cao quá. Các nước ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản vẫn hạn chế như vậy, họ vẫn chưa bỏ. Vừa qua nước ta mới thả lỏng được thời gian thì dịch đã quá tải rồi. Tôi cho rằng đây là biện pháp phù hợp, không có gì là không phù hợp cả”.
Chuyên gia này cũng cho rằng, về vấn đề truy vết thì hiện nay không truy vết được hết, chính vì vậy người dân thấy rằng mình có thể trở thành F1 thì tự giác cách ly. Không thể đợi y tế truy vết, xác định là F1 mới cách ly. Giờ y tế không còn sức truy vết được hết nữa.
Liên quan đến nhiều thắc mắc khi cơ quan xí nghiệp cần có chứng nhận F1 của bên y tế mới cho nghỉ việc để ở nhà cách ly thì việc này cần xử lý thế nào, ông Trần Đắc Phu cho rằng, cái đó thực hiện theo quy định.
“Vì nếu không có chứng nhận F1 của y tế mà nghỉ việc thì sẽ loạn lên, sẽ nhiều người giả vờ để xin nghỉ. Nói chung vấn đề nào cũng có khó khăn, có hai mặt của nó. Quy định F1 phải cách ly 5 ngày như vậy là để hạn chế số các mắc, tránh dẫn đến quá tải y tế. Chúng ta vừa nới lỏng thì đã quá tải rồi”.