Chuyên gia Quốc tế nhận định về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thứ ba, 26/02/2019 23:21 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Các chuyên gia nhiều nước trên thế giới đã có những nhận định và kỳ vọng về một bước đột phá thực sự tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Nhận định về sự kiện này, Giáo sư Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Trưởng phòng nghiên cứu Văn hóa-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS) thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho rằng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những biến đổi lớn, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra ở Việt Nam sẽ mang ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng.

Giáo sư Hứa Lợi Bình khẳng định có thể hy vọng vào một nền hòa bình thế giới lâu dài và ổn định. Trước đây, tình hình hỗn loạn hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã phủ bóng đen lên toàn khu vực Đông Á. Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này chắc chắn sẽ đem lại kỳ vọng lạc quan cho tiến trình hòa bình trong tương lai. Bên cạnh đó, cuộc gặp lần này cũng đóng vai trò thúc đẩy tích cực đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Do vậy, điều này có ý nghĩa thiết thực, quan trọng và tích cực đối với hòa bình thế giới.

Các chuyên gia nhiều nước trên thế giới đã có những nhận định và kỳ vọng về một bước đột phá thực sự tại hội nghị thượng đỉnh lần này (ảnh nguồn internet)

Các chuyên gia nhiều nước trên thế giới đã có những nhận định và kỳ vọng về một bước đột phá thực sự tại hội nghị thượng đỉnh lần này (ảnh nguồn internet)

Theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này sẽ đạt được bước đột phá trong nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, trên phương diện ngoại giao, Mỹ và Triều Tiên sẽ thiết lập các cơ quan liên lạc. Đây có thể coi là đột phá bởi giữa hai bên tới nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Thứ hai, Mỹ sẽ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, nhiều khả năng là một số biện pháp mang tính tượng trưng. Thứ ba, giữa hai bên có thể đạt được thỏa thuận cụ thể về việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc xây dựng cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ gỡ bỏ cấm vận Triều Tiên sau hội nghị này là không cao, bởi hiện nay tiến trình phi hạt nhân hóa mới ở giai đoạn đầu và cơ chế vẫn chưa được xây dựng. Phi hạt nhân hóa là mục tiêu quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Trước hết, tiền đề quan trọng để phi hạt nhân hóa là xây dựng tiến trình hòa bình. Phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình phải gắn bó chặt chẽ với nhau, và cần phải được xác định như hai mục tiêu. Nếu không có tiến trình hòa bình thì không có phi hạt nhân hóa. Do vậy, điều quan trọng nhất giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay là cần tạo dựng lòng tin. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên kéo dài đến tận ngày nay là do giữa hai bên thiếu sự tin cậy. Do vậy, hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức tại Hà Nội cũng nhằm mục đích gia tăng sự tin cậy giữa hai bên.

Bên cạnh đó, Giáo sư Hứa Lợi Bình cũng tỏ ra không bất ngờ trước thông tin Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này. Ông cho rằng thứ nhất, Mỹ tính toán rằng Việt Nam nhiều khả năng đóng vai trò “mang tính hình mẫu” đối với Triều Tiên bởi quan hệ Mỹ-Việt đã chuyển từ “kẻ thù” trước đây sang “đối tác” và “bạn bè” ngày nay. Mỹ muốn cho Triều Tiên thấy rằng mặc dù Việt Nam là một nước chủ nghĩa xã hội, nhưng hiện cũng đã trở thành bạn bè với Mỹ, và Triều Tiên cũng có thể làm được như vậy. Thứ hai, việc Mỹ lựa chọn Việt Nam còn xuất phát từ tính toán khác, đó là nâng cao quan hệ hợp tác với Việt Nam. Trong báo cáo chiến lược mới nhất của Mỹ, Nhà Trắng đã coi các nước như Việt Nam, Indonesia là những đối tác mới, trở thành một phần trong chiến lược cứng của Mỹ. Do vậy, điều này thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xét trên phương diện của Triều Tiên, Việt Nam vừa là bạn tốt, vừa là nước cùng theo chủ nghĩa xã hội, vừa đáng tin cậy, lại đáng được Triều Tiên tham khảo về mô hình đổi mới mở cửa. Do đó, việc lựa chọn Việt Nam trở thành địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng là nguyện ý của Bình Nhưỡng. Có thể khẳng định rằng Việt Nam là địa điểm lý tưởng để tổ chức hội nghị này khi phù hợp với cả Mỹ lẫn Triều Tiên.

Khi được hỏi liệu Mỹ và Triều Tiên kỳ vọng đạt được gì từ cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Giáo sư Leon Sigal - Giám đốc Chương trình An ninh hợp tác Đông Bắc Á thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội của Mỹ cho rằng, không khó để nhận ra mục tiêu căn bản mà hai bên đặt ra đối với lần gặp này. Nếu như điều mà Mỹ vẫn theo đuổi trong tiến trình đàm phán là “lời hứa” phi hạt nhân hóa từ Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng lại đặt ưu tiên hàng đầu cho cam kết từ Washington trong việc cải thiện quan hệ, đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài hơn là tạo dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư-Tiến sỹ Lee Woong-Hyeon, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Hàn Quốc, đồng thời là Chủ tịch Viện nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc cũng vừa đưa ra nhận định khá lạc quan về kết quả của sự kiện chính trị quan trọng này. Học giả này cho rằng, dù hai bên không thể giải quyết hoàn toàn các bất đồng, nhưng sẽ đạt được một số thỏa thuận trong một số vấn đề, ít nhất là Triều Tiên đưa ra được thời gian biểu phi hạt nhân hóa và Mỹ dỡ bỏ phần nào các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp nhau thêm lần nữa sau cuộc gặp chóng vánh lần đầu tiên tại Singapore vẫn được đánh giá là một trong những bước tiến đột phá tích cực nhất trong một chuỗi các diễn tiến ngoại giao làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Điều quan trọng hiện giờ là cả hai bên cần thống nhất các kế hoạch hành động nhằm phân định rõ lộ trình theo từng giai đoạn cho các mục tiêu đã đề ra.

Giám đốc Chương trình Câu lạc bộ thảo luận quốc tế “Valdai”, Ivan Timofeev khẳng định Việt Nam đóng vai trò trung gian rất quan trọng với tư cách nước chủ nhà tổ chức cuộc đàm phán quan trọng bậc nhất đối với an ninh khu vực.

Theo ông, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là một trong những vấn đề then chốt đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, chính việc tiến hành đối thoại, ngăn chặn leo thang căng thẳng, Triều Tiên không tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân mới, đặc biệt hiện chưa xuất hiện mối đe dọa trực tiếp tên lửa của Triều Tiên đối với Hàn Quốc và Mỹ, đã phát đi những tín hiệu rất tích cực.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam đứng ra gánh vác trách nhiệm trung gian, đảm nhận vai trò chính trị, ngoại giao rất quan trọng, đã thể hiện được vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Dự báo kết quả hội nghị này, chuyên gia Timofeev nhận định nếu mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có sự phát triển năng động nhất định, thì cũng chưa nên kỳ vọng về một bước đột phá thực sự nào tại hội nghị thượng đỉnh lần hai vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội.

Nguyên nhân là do nhiều biện pháp trừng phạt Triều Tiên rất nghiêm trọng và sẽ không dễ gì giải quyết được trong vài cuộc đàm phán. Hơn nữa, lập trường của Washington và Bình Nhưỡng về giải giáp vũ khí hạt nhân còn khác biệt.

Về phần mình, chuyên gia Richard Cronin, Cố vấn phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Viện Stimson, nhận định hai bên sẽ khó có khả năng đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, hai bên có thể đưa ra sự nhượng bộ lẫn nhau. Nếu Triều Tiên phản ứng một cách có trách nhiệm, Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế và đầu tư đối với Triều Tiên, đi cùng đó là tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge của Mỹ Anthony Nelson cho biết có nhiều dự đoán và khả năng lớn nhất là Triều Tiên đồng ý cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình, đây cũng là điều mà Mỹ muốn. Nhiều người cũng đề cập tới khả năng Mỹ có thể chính thức mở một phái đoàn ngoại giao ở Bình Nhưỡng, bởi cho tới nay Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động thông qua phái đoàn của Thụy Điển. Ngoài ra, có khả năng hai bên sẽ tái thiết lập quan hệ ngoại giao với ý nghĩa mang tính biểu tượng, có thể là việc thông báo chính thức một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên cũng là một khả năng, song điều đó còn phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẽ có những nhượng bộ gì.

Trâm Anh (t/h)

Tin khác

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Chủ tịch Quốc hội Venezuela

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Chủ tịch Quốc hội Venezuela

(CLO) Tiếp Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez khẳng định Venezuela luôn coi Việt Nam là nước bạn bè thân thiết, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển, cũng như học tập kinh nghiệm Việt Nam mở cửa nền kinh tế, đa dạng hoá quan hệ với các đối tác quốc tế.

Tin tức
Ưu tiên thúc đẩy phát triển 48000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương

Ưu tiên thúc đẩy phát triển 48000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương

(CLO) Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển 48000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương

Tin tức
Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tin tức
Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

(CLO) Tỉnh Gia Lai vừa xử lý 18 đảng viên liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phùng Ngọc Mỹ.

Tin tức
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin tức