Chuyển hướng chiến lược:Báo chí xây dựng cộng đồng thay vì độc giả thụ động
(CLO) Trong kỷ nguyên số, báo chí không còn là cuộc độc thoại một chiều. Để tồn tại và phát triển, chìa khóa nằm ở việc kiến tạo những 'cộng đồng' gắn kết. Vậy, điều gì đang thúc đẩy sự chuyển mình này, và làm thế nào báo chí có thể chuyển từ 'thông báo' sang 'đối thoại', từ 'độc giả' sang 'cộng đồng' một cách hiệu quả?
Thấu hiểu nhu cầu thông tin đặc thù
Các toà soạn báo đang trải qua một cuộc tái định hình sâu sắc trong mối quan hệ với công chúng. Thay vì tiếp cận họ như những độc giả thụ động, các cơ quan báo chí đang chuyển hướng chiến lược sang xây dựng và vun đắp những 'cộng đồng' gắn kết.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, đã phân tích động lực của sự chuyển đổi này: "Các tổ chức tin tức đang có sự thay đổi căn bản trong tư duy về đối tượng phục vụ. Thay vì chỉ nhìn nhận họ là 'độc giả' đơn thuần, một tập hợp những người tiếp nhận thông tin một cách thụ động, các tổ chức này ngày càng chuyển hướng sang xây dựng và nuôi dưỡng 'cộng đồng'.
Sự thay đổi này xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng, để có được sự tham gia thực chất và bền vững từ cộng đồng, điều cốt yếu là phải thấu hiểu những nhu cầu thông tin đặc thù của từng nhóm người, chứ không chỉ dựa vào những con số và dữ liệu khô khan về lượt xem hay tương tác".

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi 'cộng đồng' hàm chứa sự tương tác đa chiều, sự đồng điệu về mối quan tâm và một ý thức gắn bó tập thể. Các yếu tố liên kết này có thể nảy sinh tự nhiên từ các đặc điểm địa lý, văn hóa, bản sắc chung, hoặc được nuôi dưỡng thông qua các tương tác có chủ đích và mục tiêu hội tụ. Sự thấu hiểu sâu sắc về các loại hình cộng đồng - địa lý, bản sắc, trải nghiệm hoặc lợi ích chung - trở thành kim chỉ nam cho các chiến lược truyền thông và tương tác hiệu quả.
Báo Kinh tế & Đô thị đã thể hiện một cách sinh động sự chuyển đổi tư duy này thông qua các sáng kiến cụ thể. Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị xây dựng nhiều chuyên mục mới nhằm tăng cường sự tham gia của các nhóm công chúng khác nhau, như 'Ý kiến bạn đọc' và 'Làm báo cùng giao thông'.
"Việc thiết lập những diễn đàn tương tác này không chỉ tạo ra kênh tiếp nhận thông tin đa chiều mà còn trao quyền cho người dân trong việc phản ánh và kiến nghị về các vấn đề đô thị cấp thiết", ông Lợi cho biết.
Đặc biệt, chuyên mục 'Làm báo cùng giao thông' là một minh chứng hùng hồn cho mô hình báo chí lấy cộng đồng làm trung tâm. PGS.TS Nguyễn Thành Lợi dẫn chứng, thông qua phản ánh của người dân về tình trạng chiếm dụng lòng đường làm bãi đỗ xe trái phép tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), Báo đã vào cuộc điều tra, đăng tải loạt bài phóng sự. Ngay sau đó, chính quyền Quận đã ra quân xử lý, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa tiếng nói của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của báo chí và hành động kịp thời của chính quyền đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, củng cố vai trò không chỉ là người đưa tin mà còn là tác nhân tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của Báo Kinh tế & Đô thị.
'Mỏ vàng' nội dung và bài toán kiểm soát
Việc dịch chuyển từ 'độc giả' sang 'cộng đồng' mang lại những lợi ích mang tính chiến lược. "Niềm tin và uy tín, vốn là linh hồn của báo chí, được củng cố khi có sự tương tác và thấu hiểu lẫn nhau", Tổng biên tập Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, việc xây dựng cộng đồng mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho báo chí. Một cộng đồng gắn kết không chỉ là nơi tiêu thụ thông tin mà còn trở thành một lực lượng lan tỏa tự nhiên, giúp nhân rộng tầm ảnh hưởng của báo chí trên mạng xã hội.
Quan trọng hơn, cộng đồng còn là một 'mỏ vàng' nội dung, cung cấp những góc nhìn đa dạng, những câu chuyện chân thực từ cuộc sống mà đội ngũ phóng viên khó có thể bao phủ hết. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng còn tạo ra một cơ chế kiểm chứng và phản biện mạnh mẽ, đóng vai trò như 'người kiểm chứng' thực tế, từ đó thúc đẩy sự đổi mới, giúp cơ quan báo chí điều chỉnh hướng đi, thử nghiệm các hình thức thể hiện mới và nâng cao chất lượng nội dung, đáp ứng sát hơn nhu cầu thông tin đa dạng của độc giả.
Hơn nữa, cộng đồng còn là nguồn cung cấp dữ liệu thực địa, hình ảnh, video độc đáo và kịp thời, đặc biệt hữu ích trong các tình huống khẩn cấp hoặc ở những khu vực mà báo chí khó tiếp cận.
Tuy nhiên, việc xây dựng cộng đồng gắn kết cũng đặt ra không ít thách thức. Theo ông Nguyễn Thành Lợi, vấn đề tin giả, tin sai sự thật trở nên phức tạp hơn khi mở rộng tương tác, đòi hỏi cơ quan báo chí phải có quy trình kiểm duyệt và xác thực thông tin nghiêm ngặt.
Việc kiểm soát nội dung và bình luận tiêu cực trong môi trường trực tuyến cũng là một bài toán khó, đòi hỏi các biện pháp quản lý hiệu quả để duy trì một không gian đối thoại lành mạnh. Bên cạnh đó, việc duy trì một cộng đồng năng động đòi hỏi tăng áp lực vận hành, đòi hỏi đội ngũ báo chí phải liên tục tương tác, phản hồi và cập nhật, đòi hỏi nhân lực và kỹ năng truyền thông số chuyên biệt.
Hơn nữa, nguy cơ lệ thuộc vào nền tảng bên thứ ba khi cộng đồng chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội cũng là một yếu tố cần cân nhắc để bảo vệ quyền kiểm soát dữ liệu và khả năng tiếp cận trực tiếp.
Mặc dù tồn tại những thách thức, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi khẳng định: "Việc xây dựng cộng đồng gắn kết là xu hướng tất yếu và cần thiết trong báo chí hiện đại, để làm được hiệu quả và bền vững đòi hỏi chiến lược dài hạn, kỹ năng số và năng lực quản tòa soạn phải chuyên nghiệp".
Báo chí trao quyền và kiến tạo giá trị thực
Để xây dựng một cộng đồng trung thành và gắn bó, theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, một cơ quan báo chí cần hội tụ nhiều yếu tố then chốt, cả về nội dung, phương thức hoạt động lẫn chiến lược dài hạn:
"'Uy tín tòa soạn và chất lượng nội dung' là nền tảng tiên quyết, tạo dựng niềm tin vững chắc. 'Tính tương tác và đối thoại thực chất' tạo điều kiện để cộng đồng cảm thấy được lắng nghe và tham gia. 'Bản sắc và định vị rõ ràng' giúp cộng đồng nhận diện và gắn kết với giá trị cốt lõi của tờ báo. 'Cá nhân hóa trải nghiệm' thông qua ứng dụng công nghệ giúp nội dung phù hợp hơn với nhu cầu của từng độc giả. 'Kết nối đa nền tảng' đảm bảo sự hiện diện linh hoạt và đồng bộ trên các kênh thông tin khác nhau. Cuối cùng, 'giá trị cộng đồng và cảm xúc gắn bó' tạo nên mối liên kết bền vững khi báo chí không chỉ đơn thuần cung cấp thông tin mà còn đại diện cho những giá trị chung và đóng vai trò tích cực trong xã hội".

Quan điểm trên của PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cộng hưởng mạnh mẽ với cách tiếp cận của Anita Li, người sáng lập The Green Line tại Toronto.
Cách tiếp cận của Li, được bà gọi là 'sự tham gia của cộng đồng 2.0', đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy làm báo. Mục tiêu tối thượng không còn giới hạn ở các chỉ số ảo như lượt xem hay số lượng đăng ký, mà hướng đến những tác động hữu hình: cải thiện chất lượng cuộc sống của các thành viên cộng đồng và thúc đẩy những hành động có ý nghĩa.
Anita Li cho rằng, để đạt được điều này, báo chí cần phá vỡ những rào cản ngăn cách với người đọc, áp dụng một phương pháp tiếp cận trực tiếp và thiết thực hơn. Thay vì chỉ đơn thuần cung cấp thông tin một chiều, mục tiêu là trao quyền cho cộng đồng, giúp họ tham gia một cách chủ động vào thế giới xung quanh.
Mô hình hoạt động của The Green Line là một minh chứng cụ thể cho triết lý này. Họ tập trung giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống của thành phố Toronto thông qua một quy trình bốn tuần chặt chẽ: phân tích sâu vấn đề, khám phá đa dạng giải pháp, tổ chức sự kiện cộng đồng để thảo luận và lựa chọn ý tưởng, và công bố giải pháp được cộng đồng đồng thuận.
Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề hệ thống, The Green Line còn cung cấp các nguồn lực thiết thực để giúp cộng đồng đối phó với những vấn đề cấp bách trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, sau những cuộc thảo luận sâu rộng về cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra ở Toronto, Anita Li và nhóm của mình đã cung cấp những công cụ hữu ích như máy tính chi phí sinh hoạt và nhiều hướng dẫn cụ thể, từ cách đối phó với thông báo trục xuất đến việc giải quyết các khoản tiền thuê nhà còn nợ.
"Điều này cho thấy sự chuyển đổi rõ rệt từ việc chỉ cung cấp thông tin sang việc trao quyền và hỗ trợ cộng đồng một cách thiết thực", bà Anita Li cho biết.