Chuyện ít biết về “ông vua truyện tranh” Stan Lee
(NB&CL) Cha đẻ của các nhân vật siêu anh hùng trong vũ trụ truyện tranh Marvel, người mang về hàng tỷ USD cho Hollywood, vừa qua đời vào ngày 12/11. Cuộc đời của người được mệnh danh là “ông vua truyện tranh” được đánh giá là chứa đựng nhiều điều thú vị.
Stan Lieberman tên thật là Stanley Martin Lieber, sinh năm 1922 trong một gia đình Do Thái nghèo, nhập cư từ Romania. “Sự nghiệp truyện tranh” của ông khởi đầu từ rất sớm khi Stan mới 17 tuổi, được nhận vào Công ty Timely Comics Publications của một người họ hàng. Chuyện kể rằng chỉ một tuần sau khi đầu quân cho Timely Comics, Stan đã được trao cơ hội vẽ 2 trang truyện Captain America. Ông đặt bút danh là Stan Lee (sau này trở thành tên hợp pháp) và đặt tựa đề cho nó là “Captain America Foils the Traitor’s Revenge”. Thành công của tác phẩm đầu tiên giúp Lee chính thức trở thành họa sĩ truyện tranh thực thụ với truyện “Headline’ Hunter, Foreign Correspondent”. Lúc này hai nhân vật nữa ông cũng tạo ra là Jack Frost trong USA Comics và Father Time trong Captain America Comics. Sau khi Simon cùng Jack Kirby rời công ty, Lee lên giữ chức chủ bút, về sau kiêm luôn chức vụ phụ trách về mỹ thuật.
Trải qua nhiều thăng trầm, Timely Comics được Stan Lee và hai cộng sự Jack Kirby và Steve Ditko phát triển thành hãng truyện tranh Marvel vào năm 1961. Stan Lee được coi là kiến trúc sư cho sự trỗi dậy của Marvel từ một công ty xuất bản nhỏ trở thành một tập đoàn truyền thông đa phương tiện khổng lồ. Dưới ngòi bút của ông, nhiều siêu anh hùng mang biểu tượng văn hóa đại chúng được khai sinh: nhóm Fantastic Four, nhóm X-Men, Spider-Man... Những siêu anh hùng của Stan Lee cho thấy một lát cắt phức tạp và gần gũi hơn với con người, khác xa so với mô hình “siêu nhân làm việc tốt” của DC Comics, đối thủ của Marvel trong lĩnh vực truyện tranh. “Vẻ đẹp trong những nhân vật truyện tranh của Stan Lee đó là đầu tiên họ là những con người, rồi sau đó mới trở thành siêu anh hùng” - Jeff Kline, nhà sản xuất loạt phim hoạt hình Men In Black lý giải về sức hút riêng biệt từ các tác phẩm của Stan Lee. Cũng thời kỳ này, Stan Lieberman mới được gọi bằng biệt danh là The Man Generalissimo. Generalissmo là Tổng thống lĩnh, còn The Man được fan đặt cho ông bởi các nhân vật nổi tiếng của ông thường có từ “man/men” (số nhiều của man) phía sau như Spider-Man, X-Men, Iron Man…
Bên cạnh công việc sáng tác truyện tranh và điều hành Marvel, Stan Lee còn được biết đến là một nhà biên kịch, nhà sản xuất mát tay tại Hollywood. Ngoài ra, tên ông từng xuất hiện trong 121 bộ phim với các tuyến vai phụ. Đặc biệt, khi “vũ trụ siêu anh hùng” Marvel được tạo dựng trên màn ảnh rộng, Stan Lee thường trực góp mặt qua các vai quần chúng thú vị, đến mức người hâm mộ luôn đặt ra câu hỏi: “Lần này, “ông trùm” Stan Lee sẽ xuất hiện như thế nào?” trước mỗi dự án nhà Marvel.
Trước tin Stan Lee qua đời, diễn viên Chris Evans, người nổi tiếng nhờ vai diễn Captain America bày tỏ sự thương tiếc trên Twitter: “Sẽ không bao giờ có một Stan Lee thứ hai. Trong hàng thập kỷ, ông ấy đưa mọi người từ nhỏ đến lớn vào các cuộc phiêu lưu, đào tẩu, với sự thoải mái, niềm tin, cảm hứng, sức mạnh, tình bạn và niềm vui. Ông ấy luôn thể hiện tình yêu, lòng tốt và sẽ để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa lên cuộc đời của rất nhiều, rất nhiều người”.
Anh Thư