Chuyện kể của “nhà báo say Trường Sa”

Thứ năm, 24/05/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Hình như hễ đã “trót theo” nghiệp làm báo, ai cũng muốn ít nhất một lần trong đời cầm bút được đặt chân đến Trường Sa – vùng hải đảo xa xôi mà vô cùng gần gũi thân thương với bao thế hệ người Việt. Nhiều nhà báo đã gọi cái cảm giác muốn được đến với Trường Sa là “say Trường Sa”. Nhà báo Nguyễn Việt - một trong những “nhà báo say Trường Sa” như thế, đã chia sẻ với NB&CL nhiều kỷ niệm tác nghiệp thú vị của anh và đồng nghiệp nơi vùng hải đảo này.

Anh kể: Với nhiều người, đi Trường Sa không chỉ là trải nghiệm mang nhiều tính chất công việc, mà đã thành đam mê. Đám bạn học của tôi, cùng khóa Báo chí đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày trước, rất nhiều người đã ra Trường Sa, có người đi đến 3 – 4 lần. Tôi thuộc nhóm “đi sau”, bạn bè vẫn nói vui là do cứ mải “quanh co bận việc tầm thường” nên ngót hai mươi năm kể từ khi có bài báo đầu tiên được đăng báo, mới được đi Trường Sa. 

Cùng là dân làm báo lâu năm, chuyện đi công tác như cơm bữa, song trước ngày xuống tàu ra biển, tôi vẫn được bạn bè tổ chức tiệc tiễn hành như tiễn người “ra trận”(!). Người từng đến Trường Sa rồi thì thao thao kể chuyện lính đảo và đoán chắc “đây sẽ là một trong những chuyến đi ý nghĩa nhất của đời ông”; người chưa được ra đảo thì xuýt xoa trách móc rằng “có mối ra đó mà không rủ bạn”

Chuyến ấy tôi đi cùng đoàn các doanh nghiệp Việt Nam lần đầu ra Trường Sa. Theo danh sách chính thức thì “thành phần báo chí” của đoàn chỉ có 4 người: tôi, anh Trọng Thiết ở báo Hải quân, Hoàng Tuyên báo Đại đoàn kết, Đình Thắng báo Nông thôn ngày nay. Nhưng thực tế “quân ta” còn đông hơn nhiều, vì cánh báo chí luôn tìm mọi cách để “tiếp cận”, “mở đường đến Trường Sa”. Như các bạn VTV3 thì đi cùng Cục Bản đồ – Bộ Quốc phòng, còn một số phóng viên khác cũng “nhờ” các doanh nghiệp đưa tên vào danh sách đăng ký. 

Do đoàn khá đông nên sau mấy ngày lênh đênh sóng nước, 4 anh em “chính thức” chúng tôi mới biết trên tàu còn có các nữ đồng nghiệp như Lan Anh – báo Sài Gòn tiếp thị, Thanh Huyền – báo Văn hóa, Mỹ Dung – báo điện tử Ngoisao.net, Lan Hương – báo Năng lượng mới cùng 5 “chiến sĩ nhà Đài”.

Báo Công luận
 Nhà báo Trọng Thiết tác nghiệp mọi lúc mọi nơi.

Tác nghiệp ở Trường Sa là những kỷ niệm thật khó quên. Đến bất cứ đảo nào, sau khi tàu buông neo, anh em báo chí luôn được vào danh sách những người xuống chuyến xuồng đầu tiên. Đó là sự chu đáo của Hải quân, tạo điều kiện cho các nhà báo có thể chủ động “chứng kiến” được toàn bộ “quy trình” một chuyến thăm đảo, cũng như có thêm thời gian quý báu để chuyện trò giao lưu cùng lính đảo. 

Trên chiếc xuồng bị sóng lắc nhồi liên tục, chỉ đi “tay không” đã thấy mệt và nguy hiểm, huống hồ cánh nhà báo luôn lỉnh kỉnh máy ảnh, camera, laptop, sổ sách… Thứ nào cũng “quý hơn vàng”, vì giữa biển có tài thánh cũng chẳng thay thế được, nên cứ phải giữ khư khư, mỗi khi sóng tạt đành chịu trận quay lưng… hứng nước, che “đồ nghề” khô là mừng rồi.

Hỏi về những đồng nghiệp tác nghiệp như thế nào ở Trường Sa, anh Nguyễn Việt hồ hởi chia sẻ: Ấn tượng nhất là anh Trọng Thiết ở báo Hải quân “tay dao tay búa” lỉnh kỉnh, đủ cả máy ảnh với máy quay phim, vì vừa phải viết bài, vừa phải làm phim phục vụ công tác tuyên truyền của Quân chủng. 

Suốt gần chục ngày lênh đênh, bộ quân phục Thiếu tá Hải quân trắng bong của anh Thiết chẳng lúc nào ráo mồ hôi. Ngay cả khi trên biển, lúc chúng tôi “nhàn tản” thì anh Thiết vừa phải lo ghi hình các hoạt động của đoàn, vừa đảm trách vai trò “trưởng nhóm báo chí” để ý chăm sóc cho các đồng nghiệp lần đầu đi biển dài ngày. Còn trên đảo thì chẳng có góc nào mà ống kính của nhà báo Trọng Thiết không lia tới, dù đây đã là lần thứ 7 anh công tác Trường Sa.

Hôm đoàn lên đảo Trường Sa lớn, sau khi “chạy” một vòng quanh đảo, dự họp và phỏng vấn cả quân lẫn dân đảo, tôi thấy rã chân, vừa định nghỉ kiếm hớp nước thì anh Thiết vác cùng lúc 2 máy ảnh và 1 máy quay, mồ hôi ròng ròng trên gương mặt đỏ gay vì nắng, vừa hộc tốc chạy vừa gọi giật: “Đi tiếp Việt ơi! Có một lớp học hay lắm”

Tôi vội chạy theo anh tưởng đến hụt hơi, nhưng nhờ anh mà tôi may mắn được “dự” tiết cuối của lớp học đặc biệt – do cô giáo duy nhất trên đảo đang vào bờ phẫu thuật vì sinh khó, các cán bộ chiến sĩ Hải quân phải “làm thầy” dạy học cho đám trẻ con em “nhà đảo”… Trước lúc kết thúc chuyến công tác, anh Thiết còn trang trọng tặng chúng tôi mỗi người một tấm ảnh cỡ lớn anh chụp hoa bàng trái vuông Trường Sa. Người ra đảo nhiều lần mà còn say sưa như thế, nên những nhà báo lần đầu đến Trường Sa chúng tôi đều háo hức, ghi chép lia lịa, cái gì cũng muốn thu vào ống kính “đem về”.

Đình Thắng – báo Nông thôn ngày nay, vác chiếc máy ảnh khá to, thẻ nhớ tràn trề” đến cả ngàn kiểu, mà hễ cứ lên 1 đảo là bắn hết đạn”, về tàu phải hì hụi cóp ảnh ra laptop. Hôm đến đảo chìm Đá Lát, chỉ một loáng máy ảnh của Thắng đã đầy ắp, không thể chụp thêm kiểu nào nữa. 

Anh chàng quay sang nài nỉ tôi: Anh cho em mượn máy nh một lát, chụp thêm ít kiểu nữa kẻo chẳng biết bao giờ mới lại được chụp nh Trường Sa”. Cũng đang bận chụp nên tôi từ chối, bảo Thắng xem kiểu nào không quan trọng thì xóa bớt đi. Anh chàng cười méo xệch: Kiểu nào cũng tiếc anh . Thôi bác tranh thủ chụp đi rồicho em mượn tí tẹo nhé!… 

Còn bữa ở nhà giàn Phúc Tần, Thắng lên chuyến xuồng đầu tiên cùng tôi, nhưng lúc về thì lủi” rất nhanh, chỉ rời trận địa” trên chuyến cuối cùng về tàu. Biển động dữ dội trong đêm tối mịt mùng, anh em về trước cứ ngồi lo với nhau, mãi đến khi kéo được “thằng em đồng nghiệp” ướt sũng nước biển lên boong mới thở phào. Vội vàng thay quần áo, rồi lập tức Thắng bật laptop tranh thủ gần đảo có sóng Viettel để “up” bài lên mạng luôn. 

Xong việc, cậu phóng viên gầy gò kém tôi 11 tuổi ấy trở lại làm thằng em hiền lành và tâm lý, lẳng lặng vác võng ra boong tàu, nhường căn phòng chật chội cho mấy anh già có chỗ thở. Suốt 8 đêm trên biển, Thắng đều nhường nhịn như vậy, tôi bảo vào phòng nằm cho khỏi sương gió thì cậu ta cười híp mắt sau đôi kính cận: “Nằm giữa trời ngắm biển đêm thích lắm anh ạ”.

Báo Công luận
Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa. 

Còn Hoàng Tuyên ở báo Đại đoàn kết trông phong trần và to khỏe nhất hội báo chí trên tàu, song lại chịu sóng kém nhất. Mấy bữa sóng to, không ngồi boong được, gã lụi cụi ra bếp vác đồ ăn về phòng cho anh em rồi lỉnh lên cabin vì “say sóng quá, ngồi lại có gì trong bụng lại cho ra hết thì khổ cả nhà”. 

Thế mà chỉ cần sóng ngớt, tàu đỡ lắc là gã lại ngâm nga mấy bài thơ “châm” làm chị em cứ bấm nhau cười rinh rích. Lên đảo, gã lê la khắp nơi với cái dáng vẻ “Hai Lúa” rất dễ gần, rỉ rả tâm sự với lính. Về tàu, gã hí hửng bảo tôi: “Mình cứ lo ra đảo không biết viết thế nào cho khỏi trùng, vì báo chí viết về Trường Sa quá nhiều rồi. Giờ thì yên tâm “chơi” phóng sự dài kỳ. Phải viết luôn mới được”.

Chị em làm báo cũng chẳng chịu kém cạnh các đồng nghiệp nam giới chút nào, có phần còn hăng hái hơn. Trong khi chúng tôi thử “tắm kiểu lính đảo” (nghĩa là kéo mấy chú lợn ra bệ xi măng, mình dội nước ở trên thì lợn cũng được hưởng “nước sái” ở dưới, rồi hứng nước đó tưới rau) thì Mỹ Dung – phóng viên Ngoisao.net cùng mấy chị em đã nhảy xuống biển cùng Hải quân lặn vớt ốc. Táo tợn thế nhưng lại dễ xúc động. 

BTV Thu Trang trước đây từng làm MC chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”, nay ra đảo thấy lính mình vất vả, thương quá khóc sưng cả mắt. Còn Đỗ Thanh Huyền – phóng viên Báo Văn hóa thì kể lại với tôi mà mắt vẫn rớm lệ: “Có mấy cậu lính trẻ cứ gãi đầu… xin ôm chị một cái cho đỡ nhớ đất liền. Em bảo muốn ôm bao nhiêu cũng được”. Tôi trêu Huyền: “Nếu anh hoặc anh nào trong đoàn cũng muốn được như lính đảo thì sao?”. Huyền cười nhưng trả lời rất nghiêm chỉnh: “Anh mà khoác áo lính ra đây bảo vệ Trường Sa thì chính em sẽ ôm anh”.

Từ những “góp nhặt” ấn tượng về nhà báo với Trường Sa để hiểu hơn rằng, Trường Sa với những người lính đảo kiên cường, những người dân thuần hậu, không chỉ là nguồn đề tài vô tận cho những người cầm bút chúng tôi, mà cả trái tim các nhà báo cũng chung nhịp đập với từng ngọn sóng vỗ về hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.          

Hà Vân (ghi)

 

Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo