Chuyện kỳ lạ về những người 'ki bo, tiếc nuối' rác thải
(CLO) Sáng kiến tận dụng men vi sinh xử lý rác thải của chị Lê Thị Mùi (Mỹ Đức, Hà Nội) đã biến rác trở thành “tài nguyên” quý. Nhờ đó, 14.000 người trong cộng đồng “Yêu rác – Biến rác thành hoa” được tiếp thêm động lực trở thành những người “ủ rác chuyên nghiệp”, lan tỏa tình yêu môi trường.
“Người quét rác thành công”
Là một trong số những người tiên phong sử dụng men vi sinh xử lý rác thải, chị Lê Thị Mùi đã miệt mài xây dựng một cộng đồng “yêu rác”. Họ cùng nhau xử lý hàng nghìn tấn rác hữu cơ mỗi ngày. Với tinh thần ưu tiên sự đơn giản, sạch sẽ, chị Mùi đã kết hợp sử dụng men vi sinh, mật rỉ đường ủ với rác hữu cơ.
Đây đều là những rác thải nhà bếp quen thuộc, vốn là phụ phẩm bị bỏ đi. Giờ đây, sau 2-3 ngày ủ, nước rác có thể sử dụng để tưới cho cây trồng. Hàm lượng dinh dưỡng vô cùng phong phú trong rác được men phân hủy thành các axit amin, vi lượng,... dễ hấp thụ.

Rác thải được ủ dễ dàng
Suốt 3 năm nay, người sáng lập nhóm “Yêu rác – Biến rác thành hoa” đã hình thành thói quen tích rác vào thùng chuyên dụng để trở thành phân vi sinh hiệu quả. Bằng sự say mê và năng lượng tích cực, chị Mùi đã trở thành “tài khoản quen thuộc” lan tỏa, hướng dẫn mọi người thực hiện. Nhờ cách chia sẻ mới mẻ, nhóm thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
“Một người quét rác đơn lẻ mỗi ngày có thể đạt tới hàng trăm kg rác nhưng mình nghĩ bản thân mình cũng là một người quét rác thành công vì mình lan tỏa được tinh thần yêu rác. Khi mình bắt đầu mọi người nghĩ mình rất là “điên”, nhất là khi mình lại nghỉ công việc ổn định để tập trung cho việc tư vấn xử lý rác” - chị Mùi tâm sự.

Chị Lê Thị Mùi sở hữu nông trại xanh được chăm bón từ “rác”.
Cộng đồng những người biến “rác” thành “hoa”
Với cách thực hiện đơn giản, nhóm “Yêu rác – Biến rác thành hoa” ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia. Họ tự nhận mình là những người “ki bo không muốn vứt đi thứ gì gọi là rác”, là những “thợ ủ rác” lành nghề. Cư dân tại các chung cư cũng dễ dàng chăm bón và ngắm thành quả từ chính vườn ban công của mình. Khi thực hiện mô hình này, các thành viên dần quen với việc phân loại rác hữu cơ và vô cơ.
Đó cũng niềm vui của chị Mùi khi dần hình thành thói quen tốt cho cộng đồng: “Những người xử lý rác hữu cơ rất nhiều nhưng người xử lý rác vô cơ thì khá ít. Khi tạo ra cộng đồng này thì những người tham gia tự có thói quen phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Quan trọng là tác động vào nhận thức để mọi người cùng thấy rác rất hiệu quả” - chị Mùi chia sẻ.

Nhóm thu hút hơn 14.000 thành viên tham gia
Các thành viên không chỉ đăng tải vườn cây, hoa màu tươi tốt mà còn thường xuyên chia sẻ những cách làm tiện lợi. Thành viên Hoàng Mai Chi hạnh phúc khẳng định: “Giờ thì yêu rác thực sự. Nước phân vi sinh từ ủ rác được đến tay bạn bè đồng nghiệp bằng cách chắt vào hộp sữa, vì thế mình toàn gọi là sữa rác. Mỗi ngày chăm chỉ của mình đã được đến đáp với vườn cúc to, bền và rộ, không lo cây còi cọc héo mòn nữa dù trồng trên mái nhà”.
Đặc biệt, mỗi thành viên đều trở thành “đại sứ” mang tâm tư lan tỏa tình yêu môi trường.“Em đã ủ rác nhà bếp thành công. Giờ tất cả rau, củ quả, đồ ăn thừa em đều cho vào thùng ủ. Hàng ngày không còn phải xách túi rác to đùng đi đổ. Em mơ mỗi nhà đều ủ rác thì sẽ giảm bớt rất nhiều gánh nặng rác của các bãi rác khổng lồ ven các thành phố” - tài khoản Anh Pi El chia sẻ.

Hiệu quả tích cực từ mô hình biến rác thành phân bón
Không tốn kém, gây mùi hay cản trở diện tích, sáng kiến của chị Lê Thị Mùi đã biến rác trở thành những bông hoa thực sự, lan tỏa hương thơm tới nhiều người về tình yêu và thông điệp dành cho môi trường. Chị và cộng đồng những người yêu rác đã minh chứng cho việc mỗi cá nhân đều có thể góp phần bảo vệ môi trường từ những việc rất giản đơn.
Bài và ảnh: Trần Khánh Linh