Chuyện sau ống kính...
Tác phẩm “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - nhìn từ tinh giản bộ máy, biên chế ở Quảng Ninh” của Đài PT- TH Quảng Ninh đã vinh dự trở thành một trong 9 tác phẩm giành Giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX- năm 2014
TÁC PHẨM “ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG - NHÌN TỪ TINH GIẢN BỘ MÁY, BIÊN CHẾ Ở QUẢNG NINH” CỦA ĐÀI PT- TH QUẢNG NINH (GIẢI A- GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA LẦN THỨ IX- 2014)
(NB-CL) Tác phẩm “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - nhìn từ tinh giản bộ máy, biên chế ở Quảng Ninh” của Đài PT- TH Quảng Ninh đã vinh dự trở thành một trong 9 tác phẩm giành Giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX- năm 2014. Tuy nhiên, để chuyển tải thành công một chủ đề lớn, có tính thời sự quan trọng và sức ảnh hưởng lớn như vấn đề Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế chỉ trong một phóng sự dài 14 phút , nhóm tác giả: Thế Lãm, Minh Toàn, Nguyễn Hưng, Nguyễn Soái, Mạnh Linh đã phải hết sức nỗ lực. Và có những câu chuyện hậu trường để làm nên tác phẩm truyền hình này đã được nhóm tác giả lần đầu chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận.
Không dễ tiếp cận với cơ sở
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, nhà báo Thế Lãm- đại diện cho nhóm tác giả chia sẻ: Tháng 2/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành chỉ thị 25 về xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Nhận thấy đây là một vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng được dư luận rất quan tâm, phòng Thời sự - Đài PTTH Quảng Ninh đã xây dựng một chuyên mục về vấn đề này. Sau một thời gian thực hiện, tiếp xúc với hàng chục đơn vị, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là những bất cập, chồng chéo trong tổ chức bộ máy ở tất cả các cấp. Ví dụ như khi chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại xã Quảng Long– huyện Hải Hà, Trường Tiểu học và THCS nằm ngay cạnh trạm Y tế xã với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, nhưng ở mỗi trường vẫn bố trí một cán bộ Y tế học đường. Công việc chính của các cán bộ này là rất ít, mỗi tháng chỉ khám cho một vài học sinh ở trường hợp rất đơn giản. Đây không chỉ là thực trạng đang diễn ra ở xã Quảng Long mà còn là vấn đề chung của cả tổ chức bộ máy. Trước thực trạng như vậy, chúng tôi nhận thấy là phải có sự thay đổi, và sự thay đổi trước hết là phải nằm trong tư duy. Đây cũng là lý do chính để chúng tôi thực hiện phóng sự này.
Cũng theo nhà báo Thế Lãm: Đề án 25 là một đề án rất lớn, rất mới mà Quảng Ninh là địa phương đi tiên phong trong cả nước. Đồng thời khi triển khai lại đụng chạm đến quyền lợi trực tiếp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy trong quá trình triển khai phóng sự đã gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là về vấn đề tiếp cận với cơ sở. Không như những vấn đề khác, việc phản ánh những bất cập, hạn chế trong tổ chức bộ máy đối với một tác phẩm truyền hình là vấn đề rất khó, đặc biệt là trong khi nhiều đơn vị, cơ sở không muốn hợp tác. Một vấn đề khó khăn nữa là về lý luận. Do là địa phương đi đầu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có nhiều nội dung mới về lý luận nên khi thực hiện phóng sự, phóng viên phải rất tích cực, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu.
Tất nhiên, ngoài những khó khăn, cũng có những thuận lợi. Trong quá trình thực hiện phóng sự, nhóm phóng viên đã nhận được sự tham gia, góp ý rất cụ thể của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cả về những vấn đề lý luận cũng như những câu chuyện thực tế. Thậm chí có đồng chí đã cùng làm việc với nhóm phóng viên nhiều lần đến tận nửa đêm để giúp chúng tôi hiểu tường tận về những nội dung của đề án mà Quảng Ninh đang thực hiện- nhà báo Thế Lãm xúc động cho biết.
Một thuận lợi cơ bản nữa là trong quá trình thực hiện là cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh đã có sự vào cuộc một cách tích cực, đồng bộ trong quá trình triển khai Đề án 25 và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Điều này khiến cho tác phẩm không chỉ đơn thuần là phóng sự phản ánh về những tồn tại, bất cập trong tổ chức bộ máy vốn không phải là một vấn đề mới đối với báo chí hiện nay mà còn là một tác phẩm thể hiện được tư duy đột phá, những bước đi tiên phong của tỉnh Quảng Ninh trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, iên chế. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng nhất, tạo nên những giá trị thực tiễn của tác phẩm.
Sự đồng thuận lớn
Đồng thời nhà báo Thế Lãm khẳng định: Sau khi hơn 50 phóng sự ngắn về các nội dung liên quan đến Đề án 25 và phóng sự “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế ở Quảng Ninh” được phát sóng đã tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và người dân trong việc xây dựng và triển khai đề án 25. Những câu chuyện cụ thể về những tồn tại, bất cập trong tổ chức bộ máy, cũng như những cách làm sáng tạo trong việc thực hiện đề án trong phóng sự đã góp phần để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả xã hội hiểu hơn về thực trạng của tổ chức bộ máy hiện nay và nhu cầu cần phải có sự thay đổi.
Phóng sự đề cập đến 2 nội dung rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước hiện nay là Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế. Tỉnh Quảng Ninh đã rất tích cực, tiên phong triển khai xây dựng và thực hiện đề án. Những kết quả thực hiện và cách làm ở Quảng Ninh đã ngày càng cho thấy sự cần thiết phải thực hiện đề án. Mục tiêu là tìm ra những giải pháp hiệu quả trong Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị cho hiệu quả hơn. Qua thực hiện đề án, không những đóng góp hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, giảm sự chồng chéo, cồng kềnh, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Khó có thể lượng hóa những tác động mà phóng sự mang lại, nhưng những kết quả trong việc thực hiện đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh cho đến thời điểm này cũng đã một phần khẳng định được hiệu quả, giá trị thực tế của tác phẩm.
NGỌC LÀNH (Ghi)