Chuyên sâu, thú vị, toàn diện... là cách “giữ chân” độc giả
Trong năm 2016, VietnamPlus ra nhiều những cách thức thể hiện ấn tượng và lôi kéo độc giả: Phóng sự video 360 độ, báo chí dữ liệu, định dạng long-form với các series “Anh hùng nhí” hay chuyên đề về xu hướng báo chí tương lai, dấu ấn thể thao Việt Nam... Đi ngược lại xu thế câu view hay quá tập trung vào nội dung tiêu cực, VietnamPlus chứng minh rằng nội dung tích cực vẫn có đông bạn đọc. Nhà báo Lê Quốc Minh – Tổng biên tập VietnamPlus cùng chia sẻ về cách ứng dụng định dạng mới mẻ này trên VietnamPlus.
(NB&CL) Trong năm 2016, VietnamPlus ra nhiều những cách thức thể hiện ấn tượng và lôi kéo độc giả: Phóng sự video 360 độ, báo chí dữ liệu, định dạng long-form với các series “Anh hùng nhí” hay chuyên đề về xu hướng báo chí tương lai, dấu ấn thể thao Việt Nam... Đi ngược lại xu thế câu view hay quá tập trung vào nội dung tiêu cực, VietnamPlus chứng minh rằng nội dung tích cực vẫn có đông bạn đọc. Nhà báo Lê Quốc Minh – Tổng biên tập VietnamPlus cùng chia sẻ về cách ứng dụng định dạng mới mẻ này trên VietnamPlus.
Cải cách... để giữ chân độc giả
+ Báo điện tử lâu nay phải thay đổi cách thức thể hiện so với báo in để giữ chân độc giả, và độc giả dường như đã quen với sự ngắn gọn của thông tin online. Nhưng rõ ràng ấn tượng ở cách trình bày và hấp dẫn ở nội dung câu chuyện, như cách VietnamPlus làm với long-form, cho thấy độc giả vẫn có thể tiếp nhận những sản phẩm dài dằng dặc nhưng thú vị?
- Theo những khảo sát gần đây, ngày càng nhiều người dùng tìm kiếm thông tin từ mạng xã hội, thay vì vào các báo như trước đây. Vì thế, lượng truy cập trực tiếp vào các báo càng ngày càng chiếm tỷ lệ ít đi. Do nội dung trên mạng xã hội thường là các đường dẫn được chia sẻ nên người dùng đến với báo bằng “cửa ngách” chứ không phải trang chủ, cho nên có quan điểm mỗi trang giờ đây phải đóng vai trò như trang chủ để kéo người dùng đọc thêm vài trang nữa... Nhưng dù thế nào đi nữa, báo chí không thể chạy đua về tin tức với mạng xã hội, vì nhiều thông tin trên mạng xã hội vô cùng nhanh chóng, bao gồm cả những thông tin chưa được thẩm định.
Trong bối cảnh đó, những bài viết chuyên sâu, cung cấp nhiều thông tin thú vị, toàn diện... cũng là một cách để “giữ chân” độc giả. VietnamPlus có nhiều cách làm, nhiều đổi mới và long-form là một điểm nhấn được chúng tôi chú tâm phát triển. Chúng tôi bắt đầu áp dụng định dạng long-form trên VietnamPlus khoảng tháng 8/2016 và nhận được nhiều phản hồi khá tích cực…
[caption id="attachment_149166" align="aligncenter" width="640"]The New York Times từng đoạt giải Pulitzer với long-form
+ Báo chí thế giới không xa lạ với long- form nhưng ở Việt Nam thì xu hướng này trên điện tử vẫn còn rất mới. Có phải sự khác biệt, dài hơi, toàn diện của báo chí là thế mạnh và cũng là cách để có chỗ đứng vững chãi trong sự cạnh tranh với đối thủ quá lớn là mạng xã hội (MXH)?
- Trước đây, trên các website tin tức thế giới cũng không thiếu các bài chuyên sâu, nhưng định dạng long-form, hoặc có cách gọi khác là mega-story (bài viết với quy mô lớn) mang lại cho người đọc một trải nghiệm khác hẳn, không bị bó hẹp trong cột tin theo thiết kế thông thường của báo điện tử, lại kết hợp cả đồ họa tương tác, ảnh, video… rất hấp dẫn. Khi New York Times tung ra bài “Snowfall”, ai cũng ngỡ ngàng, và nhiều người đã phỏng đoán đây sẽ là xu hướng làm báo mới. Rồi nó đoạt giải Pulitzer. Chi phí sản xuất một tác phẩm như “Snowfall” rất đắt, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó thì nhiều cơ quan báo chí khác cũng làm được, với chi phí ngày càng rẻ hơn.
+ Con đường khác, theo anh, xu hướng tất yếu là những bài viết chuyên sâu, mang bản sắc của báo chí?
- Báo chí luôn gồm 2 phần: tin tức và các bài chuyên sâu (bao gồm nhiều thể loại từ phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, v,v…). Tin tức là bản chất cốt lõi của báo chí. Chúng ta vẫn phải nỗ lực cải thiện việc đưa tin chuẩn xác và đa dạng. Nhưng tin tức không còn là lĩnh vực độc quyền của báo chí nữa. Bài chuyên sâu thì đòi hỏi những kỹ năng chuyên nghiệp của nhà báo chứ không phải ai cũng viết được. Bây giờ chính là lúc mà thế giới đang trở lại với nguyên tắc cơ bản coi “nội dung là vua”. Song nội dung hay chưa đủ mà phải có cách thể hiện hấp dẫn. Long-form là một trong những cách như thế. Đương nhiên còn nhiều cách khác, kể cả những cách thức mà chúng ta còn chưa nghĩ ra.
Chúng tôi kỳ vọng nội dung dài và chuyên sâu, với nhiều cách viết, cách khai thác công phu, sáng tạo sẽ tạo nên những sản phẩm báo chí chất lượng cao và níu kéo độc giả ở báo điện tử và báo chí nói chung.
Long-form - Còn nhiều cách để tạo ấn tượng
+ Những phản hồi của độc giả cũng như các đồng nghiệp với long-form của VietnamPlus là khá tốt. Sau những tháng khởi động, long-form đã có vẻ ổn định với cường độ bài cao, 2-3 ngày có thể ra 1 bài. Đến giờ, với anh nó đã ra “hình hài” anh mong muốn chưa?
- Mới được 60% thôi. Điểm độc đáo nhất của VietnamPlus so với một số báo ở Việt Nam cũng làm dạng long-form là chúng tôi dùng một công cụ để sản xuất chứ không lập trình tay từng bài. Thời kỳ đầu chúng tôi lập trình tay nhưng mất quá nhiều thời gian cho mỗi bài, và khi muốn chỉnh sửa thì dù một lỗi nhỏ nhất cũng khá phức tạp. Khi sử dụng công cụ như thế, việc trình bày hoàn toàn do BTV thực hiện, không cần đến nhân viên lập trình nữa. Và tốc độ sản xuất được cải thiện ngoạn mục. Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí nên chúng tôi chưa có được công cụ cao cấp, và cũng chưa nhiều nội dung tạo ấn tượng mạnh. Những hình ảnh đồ họa hay video hoàn toàn có thể đẹp hơn nữa nếu được đầu tư nguồn lực phù hợp.
+ Còn những gì để các anh có thể bù vào 40% kia?
Hiện tại chúng tôi đã tích hợp tất cả những thành phần có thể: thông tin văn bản, ảnh cỡ lớn, ảnh kiểu so sánh, đồ họa tương tác, bản đồ tương tác..., giúp bạn đọc không bị mỏi mệt, bị quá tải khi tiếp nhận nhiều câu chữ... Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Khi sản xuất nội dung long-form thì cũng giống như làm tạp chí in vậy, mọi chi tiết đều phải cầu kỳ nhất, tính toán chi li kể cả việc xếp ảnh này ở đâu, có vẽ minh họa hay không, video nên dựng thế nào. Cho đến nay chúng tôi đã sản xuất hơn 60 bài long-form, có những bài rất tốt, nhưng cũng có những bài chưa đạt kỳ vọng cả về nội dung lẫn hình thức. Trong năm 2017, chúng tôi đã có chiến lược rõ ràng cho tuyến bài này, coi chất lượng là ưu tiên hàng đầu, và mỗi bài triển khai đều có sự phối hợp của phóng viên viết bài lẫn phóng viên ảnh, quay phim, nhân viên thiết kế đồ họa… Đương nhiên, một công cụ cao cấp hơn, chuyên nghiệp hơn (nhưng cũng tốn kém hơn) là điều mà chúng tôi mong muốn nếu có điều kiện đầu tư.
+ Từ khi nào anh có ý tưởng sản xuất nội dung long-form, và anh có dự định đẩy nó mạnh hơn không hay nó như một phần trang trí làm đẹp thêm, sâu thêm tờ báo hiện nay?
- Khi Snowfall của New York Times ra đời vào năm 2012 và được nhiều chuyên gia đánh giá cao, tôi đã rất quan tâm. Sau đó tôi tham dự nhiều hội thảo trên thế giới và cũng nắm bắt được vấn đề đang nổi lên. Và khi long-form trở thành xu hướng báo chí thế giới vào khoảng đầu năm 2015 thì tôi đã có chủ trương phối hợp với đối tác công nghệ để tạo template cho loại bài này.
VietnamPlus thậm chí đã mời chuyên gia Na Uy đến trao đổi về các xu hướng sáng tạo trong báo chí, trong đó có long-form, từ đầu năm 2016. Việc không có một đội ngũ công nghệ trong tay là một bất lợi, khiến cho nhiều ý tưởng khá sớm khó trở thành hiện thực. Khi không thể tạo được template cho loại nội dung này trong hệ thống quản trị nội dung (CMS), chúng tôi quay sang lập trình bằng tay cho những sản phẩm đầu tiên, nhưng mỗi bài mất đến 1 tuần hoặc 10 ngày để sản xuất. Tôi bèn thử sử dụng công cụ được giới thiệu tại một hội thảo từ lâu, và quyết định mua. Quyết định này giúp chúng tôi có một bước nhảy quan trọng, không cần phải lo nghĩ về vấn đề lập trình mà vẫn có thể sản xuất được các bài long-form ấp ủ bấy lâu với tần suất cao.
+ Vậy làm long-form, cái khó nhất của anh là gì, ngoài phần nội dung đã nói, khi anh chia sẻ là hầu như chỉ dùng nội lực?
- Có những trang thiết bị hoặc phần mềm là do chính bản thân mình tự đầu tư (cho nhanh) hay đôi khi cần thay đổi nó cho phù hợp. Nhưng tôi cho rằng đầu tư vật chất thì quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc thay đổi tư duy. Có chiến lược và có quyết tâm thì sẽ nghĩ ra nhiều cách thức để xoay xở. Chúng tôi thực hiện tuyến bài long-form sẽ nhìn thấy được về mặt bạn đọc, về chất lượng và nhiều giá trị trong đó... nên chắc hẳn sẽ được cổ vũ. (Cười). Chỉ ngại đầu tư nhân lực nhiều mà không nhìn thấy thông tin nào cho bạn đọc thôi...
Cái khó, vẫn luôn là chất xám và sự tâm huyết, dụng công với nó. Còn về nhân lực, chúng tôi vẫn đang chủ trương tự mình thực hiện, phát huy thế mạnh của từng cây bút, khuyến khích họ sáng tạo và đam mê hơn để tạo cho riêng mình cũng như tòa soạn nhiều những câu chuyện mới mẻ, đặc sắc...
Hằng Nga(Thực hiện)