Chuyện tác nghiệp tại "điểm nóng" thi cử

Thứ ba, 11/06/2019 14:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đối với nhiều phóng viên, những ngày tác nghiệp tại điểm “nóng” gian lận thi cử thực sự là trải nghiệm khó quên. Đó là cả nhiều ngày ngủ chập chờn; ăn bánh mì vội ngay tại cổng Sở GD&ĐT Sơn La; phỏng vấn vào lúc 11h đêm hay họp báo vào 12h trưa...

Nhà báo Thanh Thủy - Phóng viên Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Bắc đã chia sẻ với PV Báo Nhà báo & Công luận như thế trong cuộc trò chuyện gần đây khi chị vừa giành giải B - Giải Báo chí Suối Reo tỉnh Sơn La năm 2018-2019 với tác phẩm “Gian lận thi cử ở Sơn La: Những con sâu làm rầu nồi canh”. Trước đó, nhà báo Thanh Thủy từng nhận 3 giải Báo chí Quốc gia, trong đó 2 lần giành Giải Khuyến khích năm 2012 và 2017, Giải C năm 2013; Giải C- Giải Búa liềm Vàng lần thứ nhất năm 2016; Giải C- Giải Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí lần thứ nhất năm 2016- 2017.

Trong thời gian vừa qua Sơn La là một trong 3 địa phương để xảy ra sai phạm trong vụ gian lận thi cử rúng động xã hội. Với phóng viên, hẳn đây cũng là dịp phải "căng sức" tác nghiệp" , thưa nhà báo?

Đối với nhiều phóng viên, những ngày tác nghiệp tại điểm “nóng” gian lận thi cử thực sự là trải nghiệm khó quên. Đó là cả nhiều ngày ngủ chập chờn; ăn bánh mì vội ngay tại cổng Sở GD&ĐT Sơn La; phỏng vấn vào lúc 11h đêm hay họp báo vào 12h trưa và những cảm xúc khó tả mỗi khi tìm ra được sự thật của vụ việc.

Nhà báo Thanh Thủy (thứ 4, từ trái sang) nhận giải khuyến khích Giải báo chí Quốc gia lần thứ XII- 2017 (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Thanh Thủy (thứ 4, từ trái sang) nhận giải khuyến khích Giải báo chí Quốc gia lần thứ XII- 2017 (Ảnh: NVCC)

Đối với những phóng viên thường trú, những ngày tác nghiệp cũng cho phóng viên địa bàn mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết, đồng hành và chia sẻ nhất từ trước đến nay. Những giờ đồng hồ ngồi lê la ở cổng Sở GD&ĐT Sơn La chờ tin thông báo từ Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT cánh phóng viên từ lạ thành quen. Mọi người cùng chia nhau từ chai nước lọc, đến gói xôi sáng và cho nhau mượn cả xe máy đi lại cho tiện.

Sự hỗ trợ ấy khiến cánh phóng viên thường trú thêm vững tin lên thật nhiều, bởi lẽ con đường tìm ra sự thật, công lý không còn đơn lẻ. Có lẽ, ai cũng hiểu mình đang sống trong những ngày tác nghiệp đáng nhớ, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử thi cử nước nhà. Nhưng hơn hết, những giọt nước mắt của học sinh, sự nỗ lực của phụ huynh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, những người đã học thật thi thật…là niềm thôi thúc các phóng viên phải cố gắng nhiều hơn, góp phần tìm lại sự công bằng.

Là một trong những phóng viên mòn mỏi, chờ đợi Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT ở ngay cổng Sở GD&ĐT Sơn La trong đêm 21/7/2018, cảm xúc lúc ấy của chị như thế nào?

Như tôi đã chia sẻ, những ngày tác nghiệp, chờ thông tin từ đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, chúng tôi không quá vất vả như các đồng nghiệp ở Hà Nội lên. Cơ quan và nhà đều ở gần Sở GD&ĐT tỉnh, vẫn được ăn cơm nhà dù muộn.

Không như cuộc họp muộn vào lúc 1 giờ sáng như ở Hà Giang, vào 11 giờ đêm ngày 21/7/2018, đại diện Bộ GD&ĐT đã thông tin báo chí bất thường ngay trước cổng Sở GD&ĐT về sai phạm trong khâu chấm thi ở Sơn La. Một cuộc thông tin chóng vánh nhất mà chúng tôi được dự, địa điểm lại diễn ra ngay trước cổng Sở GD&ĐT. Phóng viên đến tác nghiệp hầu như trong bộ đồ ở nhà, dép lê, quần lửng. Trong đêm tối mưa gió, chứng kiến cảnh cánh phóng viên vất vả, kiên trì chờ tin, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh đã động viên bằng những lời cảm ơn chân tình.

Tối hôm ấy nhóm phóng viên chúng tôi gõ những dòng tin tức chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam với nhiều cảm xúc và hạnh phúc khi sau bao nỗ lực, công bằng sắp được lấy lại cho bao nhiêu thí sinh.

Trên thực tế thì không phải thông tin nào từ dư luận xã hội cũng đúng nhưng với vụ việc này,  dư luận xã hội đã có tác động không nhỏ, góp phần đưa sự việc ra ánh sáng, thưa nhà báo?

Thông tin từ dư luận luôn có tính chính xác nhất định và mỗi phóng viên phải lao tâm khổ tứ xác minh, kiểm chứng và chứng minh nó. Trong vụ gian lận thi cử này cũng vậy, chúng tôi có những thông tin chính xác nhất, nhanh nhất cũng chính thông tin từ các em học sinh, từ phụ huynh học sinh khi chứng kiến những điều “nghịch mắt, trái tai” trong thi cử. Có thí sinh vào nhầm phòng thi, ngủ gật trong phòng mà điểm cao chót vót, có thí sinh học lực không thực sự nổi trội nhưng đạt tổng điểm 27-28 điểm/3 môn, là những lời xì xào về đường dây mua điểm, chạy điểm vào các trường công an, quân đội…Và thực tế đã chứng minh, dư luận tại điểm “nóng” thi cử Sơn La đã đúng.

 Trong số các cán bộ trong ngành giáo dục tỉnh bị khởi tố, có người là thầy giáo của chị. Điều ấy có khiến cho việc phản ánh, viết bài trở nên khó khăn hơn không?

Những ngày phản ánh thông tin về gian lận thi cử ở Sơn La, tôi và các đồng nghiệp thường trú khác may mắn hơn các bạn ở Hà Nội là gia đình đều ở Sơn La, điều kiện hoạt động, tác nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là việc ăn ở, đi lại. Tuy nhiên, chúng tôi chịu áp lực hơn, “rát mặt” hơn, đồng thời cảm xúc cũng đau đớn hơn khi nhiều người trong đường dây gian lận thi cử là người quen, thân, thậm chí là thầy cô của mình. Tôi cũng là học sinh của Trường THPT Mai Sơn. Trong số các cán bộ trong ngành giáo dục tỉnh bị khởi tố, có người là thầy giáo của tôi.

Nhà báo Thanh Thủy trong một lần tác nghiệp (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Thanh Thủy trong một lần tác nghiệp (Ảnh: NVCC)

Tôi vẫn nhớ cảm xúc khi mình gõ tin vào chiều 27/7/2018, khi sau nhiều ngày củng cố tài liệu, chứng cứ, xác minh hành vi của các đối tượng liên quan, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 5 bị can, trong đó có thầy của mình. Buồn và thật đau xót, không bao giờ bản thân lại nghĩ phải đối diện với cảm giác thất vọng đến thế, tiếc cho thầy đến thế!

Sau ngày thầy bị khởi tố, chúng tôi vẫn tiếp tục dòng thông tin về thầy theo dòng chảy sự kiện, những thông tin có được từ cơ quan điều tra, từ việc thầy đốt đĩa đến việc thầy câu kết với các cán bộ khác trong sở làm sai lệch điểm thi ra sao.

Với những thông tin cập nhật ấy, tôi và những đồng nghiệp thường trú khác đã nhận được nhiều cuộc gọi, dòng tin nhắn đầy ẩn ý từ các thầy cô giáo cũ, từ bạn bè cùng trường: “Tại sao lại viết về thầy mình như thế”? “Bạn có phải là học sinh mà thầy từng dạy không”?... Quả thực chưa bao giờ tác nghiệp mà bản thân lại gặp những câu hỏi mang cho mình tâm trạng nặng nề đến vậy. Tuy nhiên cũng có rất nhiều thầy cô và bạn bè vẫn hiểu và chia sẻ với nghề nghiệp của chúng tôi. Trong lòng chúng tôi hiểu trách nhiệm nghề nghiệp của mình và quan trọng nhất, nếu sự thật không đi đến tận cùng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Với công việc tất bật như vậy thì cuộc sống gia đình chị trong thời gian qua có bị ảnh hưởng nhiều hay không, thưa nữ nhà báo?

Chúng tôi làm việc theo nhóm chính vì thế công việc cũng được san sẻ cho nhau nhiều. Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ quan cũng tạo điều kiện hết sức trong quá trình tác nghiệp. Công việc bận rộn nhiều ngày với cánh phóng viên cũng đã quen, chồng con cũng chia sẻ với công việc sớm hôm nên không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Chỉ có sự xáo trộn lớn nhất trong lòng là cảm xúc, là sự đau đớn sau mỗi lần tìm ra sự thật của việc gian lận thi cử, những người vi phạm mà mình không ngờ tới.

Vâng, xin cám ơn chị!

Giang Phú (thực hiện)

Tin khác

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo