Chuyện tào lao
Chuyện tào lao
Ảnh minh họa.
Những loại tin tức nổi bật, chiếm nhiều giấy mực của báo chí nhất trong những ngày qua là gì? Không khó khăn lắm bạn đọc cũng thấy được có quá nhiều tin về những chuyện rất tào lao của một vài cá nhân đơn lẻ.
Bên cạnh những tin tức về kỳ họp Quốc hội, về chuyện giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, về khắc phục hậu quả mưa lũ thì báo chí cũng có không ít tin bài về những “chuyện vặt”. Nào là chuyện lời qua tiếng lại giữa một nhà ngoại cảm và một quan chức, nào là chuyện một ca sĩ phải rời một cuộc thi do bị loại, nào là chuyện gia đình một tử tù mới có người bị tai nạn giao thông…
Dường như đây là những chủ đề rất hút dư luận nên các báo đi đầu thì càng cố gắng khoét sâu vào sự kiện, các báo ăn theo thì tha hồ giật tít cho sốc hơn để đăng lại. Trong quá trình đi thành “vệt” như trên, có nhiều bài báo đã đẩy sự việc đi quá xa, không cần thiết.
Chẳng hạn, chuyện cô ca sĩ nọ trượt vỏ chuối thì báo chí chỉ tập trung nói đến trường hợp của cô ta mà cố tình làm lu mờ 3 người khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Và cô ca sĩ kia sở dĩ được ưu ái chỉ vì cô ta đẹp và… bốc lửa!
Hay như nhân chuyện cha của một tử tù qua đời vì tai nạn giao thông, nhiều tờ báo đã đăng nhiều ảnh có tính chất riêng tư đồng thời nhắc lại quá nhiều về chuyện gia đình họ, thậm chí chi tiết đến mức tung hê cả chuyện họ làm gì sau đám tang nữa. Lại có người còn đưa lên giấy trắng mực đen cho hàng vạn người đọc rằng tử tù kia “thêm một lần tội đồ” vì không được về chịu tang cha!?
Đâu là giới hạn cho báo chí khi nhà báo viết về đời tư một cá nhân? Pháp luật ở ta chưa quy định rõ điều này nhưng có lẽ những nhà báo không phải không đủ nhạy cảm để biết cái ranh giới dù là mơ hồ ấy. Không cần phải xem nhà báo bàn về vụ bắt giữ blogger Cogaidolong cũng có thể khẳng định được điều này. Chỉ có điều họ áp dụng trong thực tế như thế nào mà thôi.
PV
_____________________________________________________________________________
Nhiều chuyện khác cũng... tào lao
Qua bài báo "Chuyện tào lao" của tác giả PV tôi thấy cách viết báo của một số phóng viên hình như có lúc hơi " nghễnh ngãng ". Số là, cách đây vài năm khi cầu thủ bóng đá Văn Quyến đang là cầu thủ số 1 của Việt Nam, các phóng viên không biết có nhầm lẫn hay không mà lúc nào cũng dùng từ mẹ Niềm, mẹ Niềm, và mẹ Niềm thế này, mẹ Niềm thế kia, tuy từ ngữ không sai, nhưng độc giả có cảm giác như bà này là gắn liền với cái gì to tát lắm như được cả dân tộc tôn vinh... ngang hàng với các bà mẹ Việt Nam được nhà nước phong tặng anh hùng vậy?
Một sự việc tào lao nữa là lúc nào cũng "dự đoán đội tuyển VN là tự tin và quyết thắng trận...... này ...trận kia, v..v.. Đúng là như bị tát vào mặt, các bạn cứ xem đội tuyển VN đá đi... khỏi bình luận nhé, mới có " tăng tăng " thắng một vài trận là cứ thổi lên trên mây?
Không riêng gì nhà báo, các bình luận viên cũng tào lao không kém.. Trong trận đấu nào có đội VN thi đấu , không hiểu các vị này có biết lịch sự là gì không mà cứ gân cổ lên gào thét tâng bốc đội tuyển lên mây và phản cảm hơn nữa khi cầu thủ VN dẫn bóng bóng vào phía đội bạn thì các bình luận viên hét lên... sút...vàoo.oooo.. còn khi đội bạn có pha nào gay cấn thì chẳng thấy sôi nổi gì hết...và ...vậy là phút thứ ...đội bạn đã ghi bàn...
Ở đây ý tôi là ; chúng ta ,mà nhất là người viết báo phải biết chúng ta viết gì , nói gì ,và chuyện gì , không nên" vặn " ngòi bút để rồi ... tào lao.
Khanh