Chuyển trọng tâm truyền thông về dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
(CLO) Sáng 29/10/2019, Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã khai mạc lớp tập huấn cung cấp nội dung truyền thông về công tác dân số trong tình hình mới cho các phóng viên, cán bộ truyền thông dân số trên địa bàn TPHCM.
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Đỗ Thị Hồng cho biết, thời gian qua công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá.

GS-TS. Nguyễn Đình Cử trình bày tham luận của mình tại buổi tập huấn
“Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Để có được những thành công này là kết quả của sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cùng sự phối hợp của các phóng viên, của cán bộ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác DS - KHHGĐ” - Phó vụ trưởng Đỗ Thị Hồng cho biết.
Đề cập đến những thách thức đang phải đối mặt, GS - TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, trong tình hình mới hiện nay phải làm thế nào để duy trì mức sinh thay thế, tận dụng cơ cấu dân số vàng, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, các vấn đề dân số trong phát triển kinh tế - xã hội... Nhấn mạnh về việc phân bố dân cư hợp lý hiện nay, GS-TS. Trần Đình Cử đưa ra dẫn chứng, theo tiêu chí chung của thế giới hiện nay về phân bố dân số thì chỉ từ 35-40 người/m2, trong khi đó ở quận 1 (TP.HCM) có đến 46.000 người/km2 và quận Đống Đa (Hà Nội) là 43.000 người/km2. Việc phân bổ dân số chưa hợp lý này đã, đang và sẽ tác động sâu rộng đến sự phát triển của đất nước, đến chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Vì vậy, theo GS-TS. Trần Đình Cử đó là lý do chúng ta phải chuyển trọng tâm truyền thông về chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bổ và đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Cũng như đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

TS. Trần Bá Dung bồi dưỡng kỹ năng phát hiệm đề tài, khai thác, thu thập và xử lý thông tin trong truyền thông về các vấn đề dân số trong tình hình mới
Tại buổi tập huấn, TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã giúp cho các phóng viên báo đài bổ sung thêm nhiều kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng viết bài về dân số và phát triển, tuyên truyền hiệu quả để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của công tác dân số hiện nay.
Thanh Hải