Chuyện về một di tích quốc gia đặc biệt

Thứ năm, 22/11/2018 07:18 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong chuỗi các sự kiện lớn được Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức trong tháng 11 này có việc Công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 có giá trị đặc biệt như thế nào lại là điều có lẽ nhiều người còn chưa tỏ tường.

Từ chủ trương của Trung ương Đảng

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, quân và dân ta đã đập tan chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, làm cho cục diện chiến trường giữa ta và địch chuyển sang thế “cầm cự, giằng co”, ta đã từng bước chuyển sang thế phản công.

 Đứng trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến thuận lợi, nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước mới, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, lấy tên là “Chiến dịch Lê Hồng Phong II”. Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính của chiến dịch Biên giới.

Đúng 6 giờ 30 phút sáng 16/9/1950, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Đông Khê, mở màn cho chiến dịch Biên giới 1950. Đến 10h ngày 18/9/1950, ta hoàn toàn làm chủ thị trấn Đông Khê, tiêu diệt cứ điểm Đông Khê.

Đêm 30/9/1950, binh đoàn ứng cứu của Lơ Pagiơ từ Thất Khê kéo lên đã bị quân ta chặn đánh tơi bời. 9 giờ sáng ngày 3/10/1950, thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng.

Đêm 3/10 đến 4/10/1950, trận Khau Luông giành thắng lợi, ta đã tiêu diệt được một phần lớn lực lượng của quân Lơ Pagiơ, khống chế cả một vùng khá rộng lớn bên đường số 4, đập tan kế hoạch hành quân Ti-nhít của thực dân Pháp. Cuộc rút chạy của binh đoàn Lơ Pagiơ và Sáctông bị quân và dân ta chặn đánh. Đến ngày 15/10/1950, địch rút hết khỏi hành lang biên giới. Hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4 bị phá vỡ.

Báo Công luận
 Bức ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê ”. NSNA Vũ Năng An đã chớp ống kính ghi lại hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm ra sát mặt trận theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê – Trận đánh mở màn cho chiến dịch Biên giới 1950 sáng ngày 16/9/1950.
Sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 16/9/1950 đến 14/10/1950), chiến dịch Biên giới 1950 kết thúc thắng lợi. Chiến thắng Biên giới 1950 đã tạo ra bước ngoặt lớn, thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế chiến lược có lợi cho ta. Ta không chỉ tiêu diệt một khối sinh lực tinh nhuệ của địch mà còn giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất đai quan trọng trên dải biên giới dài 750km, gồm 35 vạn dân. Từ đó, nối liền hậu phương của ta với Trung Quốc, khơi thông với phong trào hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, phá vỡ thế bao vây cô lập của địch cả trong lẫn ngoài. Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng.

Chiến thắng Biên giới đánh dấu một bước nhảy vọt của Quân đội nhân dân Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật, có sự hiệp đồng binh chủng. Những bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Biên giới được vận dụng thành công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này, đặc biệt nổi bật của sự kế thừa và vận dụng những kinh nghiệm về nghệ thuật chiến dịch tấn công của chiến dịch Biên giới trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954 làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh, mang lại niềm vinh quang cho dân tộc, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam.

Với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, Chiến thắng Biên Giới có ý nghĩa hết sức trọng đại, ngày 3/10/1950 là ngày Cao Bằng hoàn toàn giải phóng, sạch bóng quân xâm lược viễn chinh Pháp, mở ra một trang sử mới đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đến chứng nhân lịch sử

Các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng gắn với sự nghiệp hoạt động cách mạng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Tổng tư lệnh tối cao, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân dân chiến đấu. Gắn liền với cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam, Chỉ huy trưởng và Bí thư Đảng ủy Mặt trận trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Thắng lợi trong chiến dịch Biên giới 1950 khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là nơi giúp các nhà nghiên cứu khoa học về lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự đến nghiên cứu, học tập và nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn; là công trình quân sự dã chiến, là chiến tích ghi dấu chiến công tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua những hình ảnh trực quan và một số tư liệu, tài liệu liên quan còn được lưu giữ và trưng bày tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới. Đây cũng là bảo tàng sống động về không gian và thời gian lưu giữ những địa danh, hiện vật liên quan đến chiến dịch Biên giới 1950 và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Báo Công luận
 
Các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng có 19 di tích và điểm di tích được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn của huyện Thạch An: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng chiến dịch Biên giới năm 1950, xã Đức Long, huyện Thạch An có 07 di tích, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp hạng cấp tỉnh; Cụm di tích cứ điểm Đông Khê, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An có 09 di tích, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp quốc gia; Cụm di tích Khau Luông, xã Đức Xuân, huyện Thạch An có 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh; Cụm di tích Cốc Xá - Điểm cao 477, xã Trọng Con, huyện Thạch An có 02 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, các điểm liên quan đến chiến dịch Biên giới 1950 được phân bố chủ yếu trong Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 và Cụm di tích cứ điểm Đông Khê.

Trong những năm qua, nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã tăng cường công tác quản lý đi đôi với giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ các điểm di tích; làm tốt công tác cắm mốc, cắm biển, khoanh vùng bảo vệ một số điểm di tích còn nằm rải rác ở rừng núi; thành lập lực luợng chức năng chuyên trách quản lý, bảo vệ một số di tích quan trọng, xây dựng hồ sơ di tích… Từ năm 2000, tỉnh Cao Bằng đã tích cực tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục. Năm 2003 đã xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950 và trưng bày các hiện vật, hình ảnh liên quan. Năm 2004 đã xây dựng đường lên địa điểm Đài quan sát Sở chỉ huy chiến dịch và xây dựng cụm tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê” trên đỉnh núi Báo Đông…

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt

Hiện nay, UBND tỉnh Cao Bằng đang chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng (bao gồm ba di tích: Khu di tích Pác Bó, Di tích Rừng Trần Hưng Đạo và Di tích Địa điểm chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nhằm thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu.

Riêng đối với Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, với mong muốn bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa và thẩm mỹ của Di tích, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng, quân và dân cả nước nói chung, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị sau khi được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn phát huy giá trị các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng có di tích.

Thành Vinh – Đắc Nguyên – Trần Quốc

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương