(CLO) Trong quý II, nền kinh tế Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của không ít những khó khăn, áp lực lớn từ những biến động trên thị trường thế giới. GDP quý II chỉ tăng 5,57% so với cùng kỳ và chưa thể lấy lại được đà phục hồi. Kỳ vọng tái lập tăng trưởng kinh tế cao trong những tháng cuối năm, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%.
[caption id="attachment_111847" align="aligncenter" width="640"]
CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14 %. (Ảnh minh họa)[/caption]
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II chưa lấy lại được đà phục hồi. Theo đó, GDP quý II chỉ tăng 5,57% so với cùng kỳ 2015. Chính vì vây, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 là 6,7% là bất khả thi.
Trên thực tế, quý II/2016 đã chứng kiến những khó khăn, biến động không nhỏ với sức ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế thế giới và khu vực. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ mới cũng đưa ra một loạt các thông điệp nhằm tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bởi vậy, CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 6,8%; thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý III là khoảng 1,31%.
“Chính phủ đã không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm nay và như thế là hay. Bởi nếu cuối năm không đạt được mục tiêu thì khi họp tổng kết mới đánh giá, phân tích xem tại sao không đạt được mục tiêu và kiếm tìm giải pháp. Nếu điều chỉnh mục tiêu, cuối năm tổng kết thấy đạt được là lại “vỗ tay”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ tại hội thảo công bố Báo cáo tình hình Kinh tế Vĩ mô quý II/2016.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, vấn đề đang nằm ở tư duy, bởi vẫn đánh giá tình hình theo kiểu “đạt được kết quả khá trong bối cảnh nhiều khó khăn”, nói thế là đúng nhưng không ổn. Nhận diện nguyên nhân như thế thì “bốc thuốc không thể đúng bệnh”, và vẫn cứ dùng “liều thuốc” từ nhiều năm nay kiểu tập trung vốn cho tăng trưởng là không ổn.
Trong tình hình kinh tế hiện nay, chúng ta cần nhận diện đúng tình hình để có những điều chỉnh phù hợp và nên xem xét điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, đồng thời tập trung cải cách nền kinh tế, bắt đầu từ cải cách thể chế với mục tiêu tạo ra nền tảng tăng trưởng tốt. Nền tảng đó chính là việc tăng trưởng bằng nâng cao năng suất, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay chúng ta tập trung thúc đẩy tăng trưởng bằng vốn là không ổn và nếu tăng trưởng bằng vốn, cần phải tăng hợp lý để không gây bất ổn.
Nhìn nhận vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm nay, đất nước phải trải qua nhiều khó khăn khi một loạt sự cố như thiên tại, dịch bệnh; thảm họa môi trường, vấn đề tham nhũng và đặc biệt là bài toán thu – chi ngân sách chưa được giải quyết triệt để. Chính phủ mới có nhiều cải cách và tư duy đột phá, nhưng hiện thực hóa còn chặng đường dài. Trong khi đó, khó khăn trước mắt đã nhìn thấy đó là việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc sẽ khó khăn. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn không giảm được. Đây cũng là một thách thức lớn với nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Trước những khó khăn trên và với kỳ vọng tái lập tăng trưởng kinh tế cao trong những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà vẫn nên kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Thanh Tân