Xã hội

Có cần 5 năm giảng dạy ở cấp học cao nhất mới được làm Phó Hiệu trưởng trường nhiều cấp học?

Văn Hiền 14/07/2025 14:10

(CLO) Trong quá trình sắp xếp, sáp nhập trường phổ thông theo mô hình Tiểu học – THCS, nhiều địa phương đang vướng mắc trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, đặc biệt là tiêu chuẩn đối với Phó Hiệu trưởng. Một câu hỏi lớn đặt ra: Giáo viên chưa có đủ 5 năm giảng dạy ở cấp học cao nhất có đủ điều kiện giữ chức vụ phó hiệu trưởng tại trường phổ thông nhiều cấp học

Ông Lý Đức Long, một giáo viên tại địa phương đang triển khai việc sáp nhập trường tiểu học và THCS phản ánh: "Cơ quan nội vụ địa phương cho rằng, cả Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của trường tiểu học cũ không đủ điều kiện tái bổ nhiệm sau sáp nhập, vì chưa từng giảng dạy đủ 5 năm ở bậc THCS – cấp học cao nhất trong mô hình trường mới".

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông nhiều cấp học hiện được quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT.

Cụ thể: “Người được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông nhiều cấp học phải có thời gian dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm nếu thuộc vùng khó khăn) ở cấp học đó, đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục với từng cấp học, và đạt trình độ đào tạo chuẩn ở cấp học cao nhất nếu là trường nhiều cấp học".

Cách hiểu trên không sai về mặt văn bản. Tuy nhiên, nếu áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng “trói tay” đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, đang trực tiếp điều hành tốt hoạt động giáo dục tại cơ sở đặc biệt ở các vùng khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

497708305_1259088475737836_3605399950914561871_n.jpg
Tiêu chuẩn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT. Ảnh: THCS Giảng Võ

Trước tình hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1581/BGDĐT-GDPT ngày 8/4/2025 hướng dẫn các địa phương khi thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị về sắp xếp lại đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Quan điểm được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục hiện có; không làm xáo trộn đội ngũ; tiếp tục chuyển giao các trường tiểu học, THCS, mầm non cho chính quyền cấp xã quản lý nhưng bảo đảm duy trì ổn định tổ chức và nhân sự".

Đặc biệt, trong khi Thông tư 32 đang được Bộ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, thì việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ quản lý cần được thực hiện linh hoạt, có lộ trình, tránh tình trạng “chờ chuẩn rồi mới làm” gây ngưng trệ hoạt động giáo dục, nhất là tại các điểm trường đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

498536656_1259085349071482_6424661459777609439_n.jpg
Các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập được giữ nguyên và chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý. Ảnh: THCS Giảng Võ

Thực tiễn cho thấy, nhiều giáo viên tiểu học lâu năm, tâm huyết, từng giữ cương vị quản lý có đủ kỹ năng sư phạm và năng lực điều hành, nhưng chỉ vì chưa đủ thời gian giảng dạy ở THCS mà không được tiếp tục bổ nhiệm trong trường nhiều cấp học là một sự lãng phí nhân lực đáng tiếc.

Do đó, trong giai đoạn hiện nay, Bộ GD&ĐT khuyến nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp cùng các sở, ngành liên quan để giữ nguyên trạng đội ngũ quản lý hiện có, trên cơ sở bảo đảm chất lượng, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có cần 5 năm giảng dạy ở cấp học cao nhất mới được làm Phó Hiệu trưởng trường nhiều cấp học?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO