Cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất hơn 600 tỷ đồng cho các hộ dân trồng hồ tiêu
(CLO) Thời gian qua, trước những tác động kép như dịch bệnh, thời tiết cực đoan, thị trường... đã làm cho giá hồ tiêu xuống thấp. Để có sự hỗ trợ kịp thời cho người nông dân, NHNN đã chỉ đạo cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất hơn 600 tỷ đồng cho các hộ dân trồng hồ tiêu.

Đến nay, dư nợ tín dụng của các TCTD đầu tư đối với ngành hồ tiêu khoảng 17.967 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng chủ động rà soát, kiểm tra và phân loại khách hàng, thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời như tiếp tục cho vay ngắn hạn để chăm sóc, cho vay trung dài hạn để đầu tư xen canh đối với các khách hàng còn vườn cây. Chủ động phối hợp với nhà nông cơ cấu lại các khoản vay theo hướng cho vay trung dài hạn để chuyển đổi cây trồng hoặc đầu tư thâm canh, xen canh vườn cây đối với những khách hàng có vườn cây bị giảm sút chất lượng.
Cùng với đó, các ngân hàng đã tạo điều kiện cho các hộ dân vay mới để nông dân khôi phục sản xuất với thời gian ân hạn phù hợp. Một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai các gói tín dụng trung dài hạn hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc vườn tiêu bị thiệt hại với lãi suất ưu đãi từ 7% - 8,5%/năm.
Đến nay, các ngân hàng đã xem xét, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng tiêu thông qua các biện pháp như cơ cấu lại nợ 398,5 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất 248,5 tỷ đồng; cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh 1.032 tỷ đồng; khoanh nợ khoản vay tại VBSP 122 triệu đồng.
Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, để tạo điều kiện cho người nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành, triển khai các chính sách đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có chính sách đối với cây hồ tiêu.
Trên cơ sở đó, đến nay, dư nợ tín dụng của các TCTD đầu tư đối với ngành hồ tiêu khoảng 17.967 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tập trung tại Tây Nguyên là 12.083 tỷ đồng chiếm 67,2% tổng dư nợ ngành hồ tiêu trên toàn quốc.
Trước tình hình khó khăn của nông dân trồng hồ tiêu, NHNN đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, địa phương có thiệt hại về hồ tiêu lớn nhất tại khu vực Tây Nguyên về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu.
Đồng thời, NHNN có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD thống kê kết quả dư nợ cho vay, dư nợ thiệt hại và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới… giúp nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Theo Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, trong thời gian tới NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế của lĩnh vực này.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn để cho vay kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với thời hạn và lãi suất hợp lý...
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN, các TCTD chủ động tiếp cận các khách hàng trong ngành hồ tiêu, có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo dõi, đôn đốc NHNN chi nhánh các tỉnh có hồ tiêu bị thiệt hại, các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nông hộ dân trồng tiêu, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng tiêu.