Cố Chủ tịch Khamtay Siphandone: Ngọn hải đăng soi đường cho tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào
(CLO) Ghi sổ tang khi đến viếng đồng chí Khamtay Siphandone tại Đại sứ quán Lào ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: "Tôi đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng chí Khamtay Siphandone cho mối quan hệ vĩ đại hai nước Việt - Lào". Thật vậy, lúc sinh thời, một trong những dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp của đồng chí Khamtay Siphandone- Cố Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, cố Chủ tịch nước Công hòa dân chủ nhân dân Lào Khamtay Siphandone- là những đóng góp to lớn của đồng chí trong việc xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị Việt Nam – Lào. Đất nước hình chữ S dường như luôn hiện diện trên những chặng đường hoạt động cách mạng của Đại tướng.
Đến với Việt Nam từ tuổi thanh niên
Chủ tịch Khamtay Siphandone sinh ngày 8/2/1924 ra trong một gia đình có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến địa phương tại khu vực thuộc tỉnh Siphandone (nay là tỉnh Champasak). Ngoài 20 tuổi, người thanh niên Khamtay Siphandone đã tích cực tham gia phong trào của viên chức, thanh niên, sinh viên, thành lập hội thể thao để hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp.
Năm 1931, khi vừa tròn 7 tuổi, ông ngoại (anh ruột của bà ngoại), là viên chức ngành giáo dục tại Vientiane đã đưa Khamtay Siphandone về ở cùng và học tại Vientiane trong 10 năm. Chàng trai Khamtay Siphandone đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào trường PAVIE danh tiếng (hiện là trung học Vientiane), trường trung học duy nhất ở Lào khi đó.
Cuối năm 1941, khi tốt nghiệp trường trung học Pavie (College PAVIE), Khamtay Siphandone được đi học tiếp tại Sài Gòn (miền Nam Việt Nam), học khóa đào tạo chuyên ngành và trở về Lào năm 1944, trở thành viên chức điện báo ở tỉnh Phongsaly.
Khi thực dân Pháp cai trị Lào đã chấp nhận để cho phát xít Nhật nắm quyền cai trị Đông Dương, người thanh niên Khamtay Siphandone được gửi đến Côn Minh (Trung Quốc), từ đó đã lên đường đi Ấn Độ và trở lại Sài Gòn, Việt Nam một lần nữa.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone lên chiếc máy bay P5 trong chuyến thăm Bộ tư lệnh Quân khu 7 và thăm sân bay Biên Hòa (1977). Ảnh: TTXVN
Từ năm 1946, ở tuổi mới chỉ 22, người thanh niên Khamtay Siphandone đã tham gia phong trào của viên chức, thanh niên, sinh viên, hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp theo hình thức hợp pháp và bí mật.
Đến năm 1947, trong điều kiện không thể tiếp tục tiến hành đấu tranh chống thực dân Pháp theo hình thức này, ông đã tham gia lực lượng của Mặt trận Lào Issara, đánh dấu bước khởi đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Cũng chính năm 1947, nhà cách mạng trẻ Khamtay Siphandone lại có cơ hội có mặt tại Việt Nam, bởi khi đó, với tư cách là đại biểu Chính phủ Lào kháng chiến, đồng chí Khamtay Siphandone đã là người đầu tiên thay mặt Chính phủ Lào kháng chiến gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, đại biểu thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi (năm 1947), để trao đổi về việc cùng phối hợp liên minh chiến đấu giữa Lào và Việt Nam, đặc biệt là việc đưa bộ đội tình nguyện Việt Nam sang phối hợp với quân kháng chiến Lào trong hoạt động, xây dựng lực lượng, giúp đội quân kháng chiến Lào, sau này là Quân đội Nhân dân Lào ngày càng trưởng thành, phát triển và vững mạnh. Cuộc gặp này đánh dấu sự hình thành liên minh chiến đấu giữa Lào và Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng Lào
Năm 1954, đồng chí Khamtay Siphandone trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và gia nhập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào một năm sau đó.
Tháng 7/1967, Đảng ủy quân sự trung ương do đồng chí Kaysone Phomvihane và đồng chí Khamtay Siphandone lãnh đạo đã mở hội nghị quân sự- chính trị. Hội nghị đã đổi tên đội quân Pathet Lào trở thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào, do đồng chí Khamtay Siphandone làm chỉ huy tối cao duy nhất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy quân sự trung ương và Bộ chỉ huy tối cao, trong các năm 1966, 1967, 1968 lực lượng cách mạng đã đánh bại quân địch trên khắp các mặt trận ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào.
Ngày 3/2/1972, tại Đại hội lần thứ 2 của Đảng, đồng chí Khamtay Siphandone được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Đồng chí Khamtay Siphandone tiếp tục chỉ đạo chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp giành thắng lợi, khiến cho Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Vientiane ngày 21/2/1973.
Ngày 14/9/1973, phe Vientiane chấp nhận ký kết Nghị định thư Vientiane. Đầu năm 1975, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá các yếu tố đối với khả năng nổi dậy giành chính quyền trong cả nước. Chủ tịch Khamtay Siphandone đã đề xuất tại Hội nghị 3 bước chiến lược để giành chính quyền. Ngày 23/8/1975, nhân dân thủ đô Vientiane đã mít-tinh để tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng mới của thủ đô Vientiane. Trong các ngày 1-2/12/1975, Đại hội Đại biểu Nhân dân Lào họp ở Vientiane tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Còn nhớ khi ấy, đồng chí Kaysone Phomvihane từng khẳng định: “Chưa bao giờ nhân dân Lào tự làm nên lịch sử của chính mình, giành được thắng lợi toàn diện, triệt để, trọn vẹn và vang dội nhất như lúc này”. Thắng lợi này không chỉ dừng lại ở độc lập dân tộc, đây là lần đầu tiên nhân dân các bộ tộc Lào đã thực sự được làm chủ trên đất nước của chính mình.
Ngày 15/8/1991, Hội nghị Hội đồng Nhân dân Tối cao Khóa II đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng thời thông qua việc bầu ông làm Thủ tướng. Ngày 24/11/1992, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thống nhất bầu ông làm Chủ tịch Đảng.
Với tư cách người đứng đầu Chính phủ Lào, tiếp đó là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng chí Khamtay Siphandone đã phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao nhất, chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận của Đảng, tầm nhìn, chiến lược, đường lối, chính sách phát triển đất nước trong dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn phù hợp điều kiện cơ chế mới, cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Luôn đau đáu để mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam luôn mãi là mối quan hệ tốt nhất

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone thăm Việt Nam năm 1977. Ảnh: TTXVN
Trước đó, trong những năm tháng chiến tranh, Chủ tịch Khamtay Siphandone luôn nhấn mạnh: "Tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện và liên minh chiến đấu Lào- Việt Nam vẫn là một nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước cũng như của mỗi nước. Quân đội và nhân dân Lào luôn giữ gìn và phát huy mối quan hệ vững bền đó và coi đây là vấn đề sống còn của hai nước".
Thực tế, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng cách mạng Lào phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường, đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ gắn bó giữa hai nước. Sau khi Lào giành độc lập, trên cương vị Thủ tướng, Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, ông tiếp tục dành nhiều tâm huyết để củng cố và mở rộng hợp tác Việt- Lào trên mọi lĩnh vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và thăm sân bay Biên Hòa (1977).
Ông đã chỉ đạo triển khai nhiều hiệp định quan trọng giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, quốc phòng, giáo dục và giao lưu nhân dân, đưa mối quan hệ Việt- Lào ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước giai đoạn khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội, ông vẫn kiên định đường lối đối ngoại của các vị tiền bối, giữ vững sự hợp tác với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong các chủ trương, chính sách đổi mới và nghiên cứu, tham khảo cho Lào.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào mà ông là người đứng đầu, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam Lào đã mở ra một chương mới, đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của đồng chí Khamtay Siphandone, các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã gửi Điện chúc mừng. Nội dung Điện chúc mừng có đoạn viết: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đánh giá cao những cống hiến về công sức, trí tuệ và vai trò quan trọng của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Lào cũng như trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào”.
Ông Vilayvanh Phomkhe, người từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có 2 nhiệm kỳ làm Đại sứ Lào tại Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông lâm Lào, nguyên Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Savanakhet, khẳng định khi còn sống, Chủ tịch Khamtay Siphandone luôn đau đáu một niềm mong mỏi là làm thế nào để không chỉ mãi gìn giữ mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, mà phải phát triển để mối quan hệ Lào - Việt Nam luôn mãi là mối quan hệ tốt nhất.
“Nhiệm vụ quan trọng của tất cả cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Lào ở Việt Nam là phải làm thế nào để Việt Nam hiểu Lào và Lào hiểu Việt Nam; phải giữ gìn quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam mãi luôn là mối quan hệ tốt nhất”, Chủ tịch Khamtay Siphandone từnng căn dặn các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Lào tại Việt Nam.
Ông Vilayvanh Phomkhe cho biết, trong quãng thời gian 6 năm ông làm Đại sứ Lào tại Việt Nam, cố Chủ tịch Khamtay Siphandone từng có rất nhiều chuyến thăm đến Việt Nam và chuyến thăm nào ông cũng được tháp tùng, điều đặc biệt là tất cả các chuyến thăm của cố Chủ tịch Khamtay Siphandone đến Việt Nam đều là những chuyến thăm thắm tình hữu nghị, chứa đựng đầy tình cảm anh em thân thiết trong một gia đình. Mỗi chuyến thăm đến Việt Nam là mỗi lần hội ngộ, Chủ tịch Khamtay Siphandone lại cùng lãnh đạo cấp cao Việt Nam ôn lại những kỷ niệm đồng cam cộng khổ trong thời kỳ cùng chung chiến hào chiến đấu chống kẻ thù chung.

Thiếu nhi xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đón Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone tới thăm, năm 2002. Ảnh: TTXVN
Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong, Chủ tịch Khamtay Siphandone và các nhà lãnh đạo của hai nước đã đặt nền móng vững chắc, hết mình vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới, được đúc kết trong hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta /Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".
Những đóng góp của Đại tướng Khamtay Siphandone không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử quan hệ hai nước mà còn là nền tảng vững chắc để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Để tỏ lòng thương tiếc đồng chí Khamtay Siphandone và xuất phát từ quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định để tang đồng chí Khamtay Siphandone theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày, từ 4 đến 5/4/2025.
Nguyễn Hà