(NB&CL) Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 113, đoạn Cò Nòi - Nà Ớt (Km0 - Km32) huyện Mai Sơn có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng vừa mới bàn giao, chưa hết thời hạn bảo trì, nhưng đã liên tục phải sửa chữa do bị hư hỏng nặng trên diện rộng.
Vừa bàn giao đã... sửa chữa
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 113, đoạn Cò Nòi - Nà Ớt (Km0 - Km32) là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Sơn La, do Ban quản lý dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La làm chủ đầu tư. Công trình vừa được hoàn thành vào cuối năm 2016, nhưng chỉ sau hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông vận tải) kiểm tra tại hiện trường phát hiện một số vị trí mặt đường bị hư hỏng cục bộ trên toàn tuyến nên đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La, đề nghị chỉ đạo sửa chữa và báo cáo lại Bộ GTVT.
Chiều dài toàn tuyến đường chỉ hơn 30Km nhưng có đến 34 vị trí cần phải sửa chữa, chiếm hầu hết tại các hạng mục, gói thầu tại dự án này. Trong đó, nặng nhất là từ Km20+880 đến Km22+85, chỉ một đoạn ngắn chưa đầy 2Km (đơn vị thi công là Cty TNHH Xây dựng Kinh doanh Tổng hợp, đơn vị tư vấn giám sát là Cty Cổ phần ACT) đã có tới 11 vị trí cần phải sửa chữa.
Các lỗi hư hỏng chủ yếu đã được chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát thừa nhận gồm: lún cao su, rạn nứt bong bật lớp nhựa mặt đường, sạt lún phần ốp mái đá xây mang cống, ổ gà trên diện rộng...
[caption id="attachment_162983" align="aligncenter" width="640"]
Tuyến đường sụt lở đã lòi ra việc nhà thầu “ăn bớt” lớp lót cấp phối, bê tông lót tại hạng mục rãnh thoát nước.[/caption]
Ngay sau khi tuyến đường được sửa chữa, khắc phục, nhóm PV báo NB&CL đã có mặt tại Sơn La, khảo sát trên toàn tuyến đường đoạn Cò Nòi - Nà Ớt (Km0 - Km32). Nhóm PV nhận thấy, mặc dù vừa mới sửa chữa nhưng cứ đi được một đoạn là lại thấy xuất hiện ổ gà; đoạn đường sửa chữa được vá nham nhở, có những chỗ to như cái chiếu, chia cắt con đường ra làm nhiều mảnh nhìn rất phản cảm. Nhiều đoạn mặt đường bị hư hỏng được đơn vị sửa chữa “lấp liếm” qua loa bằng cách phủ lên một lớp đá dăm, dùng tay gạt lớp đá này đi đập ngay vào mắt là lớp đá dải bên dưới chơ vơ lởm chởm, thể hiện kỹ thuật lu lèn ẩu; việc rải lớp nhựa không đạt chuẩn nên chỉ một thời gian ngắn lớp nhựa này đã bay hơi “biến mất”. Khoảng cách từ mép cống đến mép đường chạy dọc đa phần lô nhô đất đá, nhiều chỗ khoảng cách này lên tới chiều ngang cả mét, nếu chẳng may điều khiển phương tiện đánh lái đi vào những chỗ này, sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hệ thống rãnh dọc thoát nước và cống thoát nước nhiều đoạn gần như tê liệt do đất đá sạt lở vì không có ta- luy.
Trong quá trình khảo sát thực tế trên toàn tuyến đường này, gặp gỡ bà con dân tộc sinh sống tại đây, thông tin mà nhóm PV thu thập được đều có một mẫu số chung: “Đường mới nhưng suốt ngày thấy cán bộ đến sửa chữa”.
Có dấu hiệu “rút ruột” công trình
Đi cùng nhóm PV lên Sơn La, một kỹ sư giao thông sau khi chứng kiến, khảo sát và ghi nhận toàn bộ chất lượng về tuyến đường này đã phải thốt lên: “Công trình này không “rút ruột” mới là lạ!”.
Theo đánh của vị kỹ sư giao thông này, mặt đường bị hư hỏng nặng là do nhà thầu làm không đúng thiết kế, có dấu hiệu “ăn bớt” vật liệu, thi công không đúng kỹ thuật. Theo tiêu chuẩn 22 TCN 344-06 thì kích thước đá dăm lớp móng trên lớn nhất Dmax = 25 mm, nhưng thực tế quan sát của PV tại những vị trí mặt đường bị bong lớp mặt thì kích thước đá dăm lớp móng trên rất lớn, không đồng đều có cục bằng nắm tay... Thiết kế thi công do ban quản lý cung cấp thì lớp mặt có cấu tạo đá dăm láng nhựa 3 lớp dày 3,5 cm TCN 4,5kg/m2 nhưng quan sát của pv tại những vị trí bong tróc mặt lộ, kích thước lớp này mỏng dính không đạt chuẩn. Với những lỗi kỹ thuật trên, chỉ cần vài trận mưa là nền đường, mặt đường sẽ lại hư hỏng. Việc sửa chữa cũng không thể khắc phục được, chỉ là giải pháp chắp vá, tạm thời.
Ngoài ra, theo thiết kế thi công do Chủ đầu tư cung cấp thì đơn vị thi công phải trồng đá vỉa giữa lớp áo đường và lề đường. Nhưng có mặt tại hiện trường, nhóm PV không hề nhìn thấy hạng mục này, các thông số kỹ thuật trên có lẽ chỉ nằm trên bản vẽ cho đẹp.
Nghiêm trọng hơn, theo thiết kế, rãnh thoát nước chạy dọc tuyến phía dưới phải có lớp lót cấp phối dày 10 cm hoặc bê tông lót với vị trí nền đất yếu nhưng tại các điểm sụt lở do phóng viên khảo sát, không hề thấy lớp lót cấp phối hay bê tông lót như yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế. Theo đánh giá của vị kỹ sư giao thông đi cùng nhóm phóng viên, việc ăn bớt yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế như trên, nhà thầu sẽ bỏ túi được một số tiền không nhỏ.
Có hay không hành vi “rút ruột” để trục lợi của nhà thầu trong khi thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 113 đoạn Cò Nòi - Nà Ớt (Km0 - Km32) huyện Mai Sơn do Ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thuỷ Điện Sơn La làm chủ đầu tư? Đề nghị UBND tỉnh Sơn La cần tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay toàn bộ dự án này.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!
Hồng Quang - Thành Vĩnh