Có hay không việc tự tạo đơn tố giác để thu hồi đất?
(NB&CL) Vin vào một đơn thư tố giác không xác định được “nguồn gốc xuất xứ”, chính quyền địa phương đã ra quyết định buộc một hộ dân ở TP. Thủ Dầu Một phải tháo dỡ căn nhà, giao trả lại toàn bộ diện tích đất đã sử dụng ổn định từ năm 1980 đến nay.
Động thái bất thường này của chính quyền địa phương đang khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh lá đơn tố giác “từ trên trời rơi xuống”.
Theo nội dung đơn kêu cứu của gia đình bà Huỳnh Thị Lợi gửi các cơ quan chức năng, diện tích 772,2m2 tọa lạc tại tổ 5, khu phố 12, phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một có nguồn gốc do gia đình bà Lợi khai hoang. Toàn bộ diện tích đất này được gia đình bà Lợi sử dụng ổn định từ năm 1980 đến nay và không phát sinh tranh chấp với hộ dân nào khác, cũng như chưa từng bị cơ quan chức năng quản lý địa phương ngăn chặn, xử lý vi phạm nào. Vụ việc bắt đầu phát sinh khi gia đình bà Lợi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho khu đất, và một lá đơn tố giác gia đình bà Lợi chiếm dụng đất công bất ngờ xuất hiện cùng thời điểm.
Qua tìm hiểu thông tin từ các hộ dân lân cận, cũng như nhiều hộ dân khác, diện tích 772,2m2 đất tọa lạc tại tổ 5, khu phố 12, phường Chánh Nghĩa do gia đình bà Lợi khai hoang và sử dụng ổn định từ năm 1980 đến nay. Tuy nhiên, trong khi các hộ dân khác đã làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng từ lâu thì cho đến gần đây gia đình bà Lợi mới tiến hành làm thủ tục xin cấp chủ quyền nên phát sinh khó khăn.

UBND phường Chánh Nghĩa làm thất lạc hồ sơ đất công từ phường Phú Hòa chuyển sang?
Sự thật về nguồn gốc đất tiếp tục được củng cố thêm qua những thông tin từ ông Bùi Văn Biểu, tổ trưởng tổ 5 (Khu phố 12, phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một), nguyên là công nhân của Xí nghiệp I gốm sứ - doanh nghiệp có đất liền kề của gia đình bà Lợi. Đặc biệt, nguyên cán bộ quản lý Xí nghiệp I gốm sứ XN – ông Chun Hiếu (ngụ tại số 823 CMT8, phường Chánh Nghĩa) cho biết: “Trước đây gia đình bà Huỳnh Thị Lợi làm công nhân của xí nghiệp, tham gia công tác từ năm 1980 đến khi có quyết định giải thể. Trong quá trình công tác, gia đình bà có khai hoang, tăng gia sản xuất phần đất này”.
Biết rõ nguồn gốc đất mà gia đình bà Lợi đang sử dụng là vậy, nên trước thông tin gia đình bà Lợi bị một người dân địa phương tố “lấn chiếm đất công” khiến nhiều người dân địa phương tỏ ra khá bất ngờ và lấy làm lạ với cái tên người đứng đơn tố giác là Nguyễn Thị Thu Vân.
Chúng tôi đã liên hệ với Trưởng khu phố 12 (Phường Chánh Nghĩa) để tìm hiểu người có tên Nguyễn Thị Thu Vân và được ông Nguyễn Văn Huynh khẳng định, tại khu phố 12 không có ai tên Nguyễn Thị Thu Vân. Ông Huynh nghi ngờ đây là đơn giả mạo.
Điều đáng nói, trong khi những nghi vấn xung quanh đơn tố giác vẫn còn nhiều dấu hiệu bất thường, UBND phường Chánh Nghĩa lại lấy đó làm căn cứ lập hàng loạt biên bản, ban hành nhiều quyết định buộc gia đình bà Lợi tháo gỡ căn nhà cấp 4, di dời cây trồng, vật nuôi và giao trả lại toàn bộ diện tích đất mà gia đình bà Lợi đã sử dụng ổn định hơn 30 năm qua.

Cụ thể, ngày 14/9/2018, UNND phường Chánh Nghĩa ban hành Quyết định 157/QĐ-UBND yêu cầu gia đình bà Lợi phải tháo dỡ căn nhà. Tuy nhiên, trong quyết định này lại không xác định được phần đất tọa lạc tại vị trí nào? Diện tích là bao nhiêu? Và cũng không xác định rõ thời gian thi hành?
Tiếp đó, sau khi lập biên bản nhằm bổ sung các thông tin thiếu sót trong quyết định 157 mà dư luận phản ánh, ngày 10/12/2018, UBND phường Chánh Nghĩa ban hành Quyết định 379/QĐ-UBND để giải quyết khiếu nại của gia đình bà Lợi. Trong quyết định giải quyết khiếu nại này UBND phường Chánh Nghĩa tiếp tục đề cập đến đơn tố giác của bà Nguyễn Thị Thu Vân như một căn cứ chuẩn xác cần phải thực hiện. Tuy nhiên, trong Quyết định 379, UBND phường Chánh Nghĩa vẫn thừa nhận căn nhà cấp 4 của gia đình bà Lợi đang sử dụng được xây dựng đã lâu, công trình đã tồn tại từ trước thời điểm năm 2008.
Nhận định này của UBND phường Chánh Nghĩa phần nào phù hợp với trình bày của gia đình bà Lợi: “Căn nhà được xây dựng từ năm 2004 được sử dụng vào việc sinh sống và kinh doanh. Phần diện tích đất còn lại dùng xây dựng chuồng trại chăn nuôi và trồng cây lâu năm, hoa màu. Trước đây, gia đình có đến UBND phường Phú Thọ (khi chưa chia tách chuyển sang địa giới hành chính của phường Chánh Nghĩa vào năm 2008 - PV) lập hồ sơ xin kê khai quyền sử dụng đất. Và gần đây nhất, sau khi tiến hành kiểm tra, đo đạc, Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Dầu Một đã xác định được tổng diện tích, số thửa, số tờ bản đồ của khu đất mà gia đình đang trực tiếp sử dụng”.
Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND phường Chánh Nghĩa - bà Bùi Thị Kim Xuân, cho biết trong thời gian qua phường đã tiếp xúc với bà Lợi nhiều lần. Thương cho bà Lợi tuổi cao sức yếu nên không chủ trương cưỡng chế, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ hàng chục triệu đồng giúp bà Lợi di dời nhà cửa, cây trồng để giao đất cho Nhà nước…
Tuy nhiên, khi được đề cập đến hồ sơ quản lý đất công liên quan đến khu đất mà gia đình bà Lợi sử dụng từ năm 2008 đến nay, bà Xuân lại cho biết hồ sơ quản lý đất công mà phường Chánh Nghĩa nhận bàn giao từ phường Phú Thọ bị thất lạc(?).
Thanh Hải