Cơ hội “bứt phá” cho các doanh nghiệp Fintech

Thứ năm, 07/05/2020 09:38 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dịch bệnh Covid-19 vô tình đã làm thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng, chuyển từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán mới. Một cơ hội mới đã mở ra cho các doanh nghiệp Fintech (công nghệ tài chính).

Gần đây Chính phủ đã đẩy mạnh hành lang pháp lý cho phép các doanh nghiệp thỏa sức phát triển, sáng tạo dựa trên các mảng dịch vụ từ các tập đoàn công nghệ.

Cú hích thay đổi thị trường

Vừa hoàn thành việc thanh toán sau khi mua hàng ở Aeon Mall Long Biên bằng việc quét mã QR code từ ví điện tử momo, chị Phương Liên cho biết, hơn một tháng nay, gần như chị đã không còn sử dụng tiền mặt. Trước kia, khi các ví điện tử, các trung gian thanh toán ồ ạt quảng cáo giới thiệu dịch vụ tới khách hàng, chị cũng có cài đặt và sử dụng một số ứng dụng, nhưng vẫn chưa bỏ được thói quen dùng tiền mặt.

Thế nhưng, sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc chuyển thành online và hạn chế ra đường thì việc sử dụng các ứng dụng như ví điện tử để thực hiện các giao dịch lại trở nên thông dụng hơn. Các ứng dụng này hiện tại khá đơn giản, chỉ cần nạp tiền vào là có thể kết nối, mua sắm các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà không cần dùng đến tiền mặt. Nhất là gần đây, thấy tiện dụng, chị Liên cũng đã chủ động trả tiền điện, nước, tiền cáp, internet, đi mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng cũng đều thông qua ví điện tử.

Thanh toán dịch vụ công tại Đà Nẵng.

Thanh toán dịch vụ công tại Đà Nẵng.

Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mặc dù người dân có sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến, thanh toán không sử dụng tiền mặt nhưng vẫn còn hạn chế. Đó là do thói quen của người Việt chưa tin vào người bán trên mạng, chưa quen và không hiểu về công nghệ, cho nên vẫn dùng tiền mặt. Nhất là một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ còn e ngại vì sợ công khai doanh số bán hàng, phải nộp thuế…

Trong thời gian dịch bệnh, người dân gần như buộc phải tìm hiểu và sử dụng các kênh thanh toán trực tuyến, hệ thống thanh toán điện tử. Thế nên khi dịch Covid-19 kết thúc, rất nhiều người dân có thể sẽ duy trì thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này sẽ mang đến những cơ hội mới đầy tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp Fintech.

Một số liệu thống kê gần đây từ ví điện tử VinID cho thấy, trong thời gian thử nghiệm tính năng đi chợ và mua sắm, trong 3 tuần lễ, đơn vị này đã nhận được hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày, phục vụ trên 500.000 lượt đặt đơn hàng và 5 triệu lượt truy cập.

Còn với ví Momo, người dùng đang có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, theo sau là người dùng Moca với giá trị giao dịch trung bình trong ngày là 506.000 đồng và ZaloPay là 441.600 đồng.

Đại diện của một số Fintech cũng cho biết, trong những tháng gần đây giao dịch thanh toán tăng trưởng đột biến. Theo đại diện VNPAY – QR, riêng tháng 2/2020, tăng trưởng giao dịch bằng QR code tăng tới 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện ví MoMo cũng cho biết, thanh toán qua ví điện tử này cũng tăng gấp đôi từ sau tết.

Bà Lê Xuân Phương - Phó Giám đốc nghiên cứu tại Cimigo nhận định, với tần suất và giá trị giao dịch hằng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu tại thị trường Việt Nam rất lớn, nhiều triển vọng.

Các ví điện tử đi lên từ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ truyền thống được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn và dần thay thế lựa chọn dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Trong khi đó, các ví điện tử cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thiết yếu đang bùng nổ trong những năm gần đây như đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn… đang sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội và tiềm năng phát triển to lớn.

Không chịu “lép vế” trước cuộc cách mạng về việc thanh toán không dùng tiền mặt, các nhà mạng cũng đua nhau phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Một trong số đó là dịch vụ MobiMoney, tức là dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động. Người dân có thể sử dụng tài khoản điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau và thanh toán một số dịch vụ có giá trị nhỏ.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc VNPT - Phạm Đức Long cho rằng, MobiMoney là xu hướng triển khai chung của thế giới, đồng thời là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số, nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ.

“Sân chơi” còn đủ rộng

Theo các chuyên gia, hiện nay, 84% giao dịch ở Trung Quốc là qua thanh toán điện tử, nhưng Việt Nam thì ngược lại, vẫn ưa thích sử dụng tiền mặt. Ông chủ Alibaba một năm kiếm vài chục tỷ USD nhờ sớm làm thanh toán điện tử.

Tại nhiều quốc gia, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến và là phương thức thanh toán chính chiếm tỷ trọng cao. Việc giảm thanh toán tiền mặt đem lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế như: giúp quá trình thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, minh bạch hóa các giao dịch.

Người dân cũng sẽ hưởng lợi lớn khi sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt: tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian… Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty Fintech, con số này với Malaysia 196 và Indonesia là 262. Còn tại Việt Nam, thống kê hiện nay cả nước hiện có 26 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Các công ty viễn thông cũng đã “nhảy” vào thị trường tài chính số, khi đang đẩy mạnh triển khai và vận hành, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các ngân hàng thương mại cũng phát triển thanh toán di động thông qua ứng dụng mobile banking…

Ông Ngô Trung Lĩnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) cho rằng, để người Việt tiếp cận cái mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà sử dụng công nghệ vẫn còn một khoảng cách lớn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, gần đây khi Chính phủ đã đẩy mạnh hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech phát triển. Nhất là hiện tại số máy POS ở Việt Nam chỉ có khoảng 300.000 máy, trong khi số cửa hàng nhỏ lẻ phải đến 2 triệu cửa hàng. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển khiến các giao dịch giữa cá nhân và cá nhân mua bán online tăng mạnh, do đó không gian để phát triển còn rất rộng. Tương lai sắp tới, các tập đoàn công nghệ lớn đang mở rộng dần các mảng dịch vụ mới thì các công ty Fintech lại có thêm nhiều cơ hội phát triển cùng.

Thanh toán online.

Thanh toán online.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Fintech tận dụng được cơ hội phát triển tốt hơn, các chuyên gia cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động Fintech theo hướng mở như kinh nghiệm của nước ngoài. Ban hành quy định thí điểm đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng… nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Nhất là công nghệ hiện đại đòi hỏi phải có phương pháp hoạt động mới phù hợp.

Do đó, các ngân hàng cũng như công ty Fintech, ngoài việc làm đúng quy định hiện hành, cần phải hỗ trợ Nhà nước trong việc nắm bắt để nghiên cứu và đưa ra những quy định phù hợp, tránh những phương pháp tạo điều kiện thanh toán gian lận hay trốn thuế.

Gia Nguyên

Tin khác

Sáng 14/5: Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC giá 88 triệu đồng/lượng

Sáng 14/5: Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC giá 88 triệu đồng/lượng

(CLO) Sáng 14/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC với mức giá khởi điểm 88 triệu đồng/lượng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá vàng giảm sốc, mỗi lượng vàng SJC “rơi” gần 5 triệu đồng

Giá vàng giảm sốc, mỗi lượng vàng SJC “rơi” gần 5 triệu đồng

(CLO) Phiên sáng nay (13/5), giá vàng SJC được doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh, mỗi lượng vàng mà người dân bán ra giảm gần 5 triệu đồng. 

Thị trường - Doanh nghiệp
Vinamilk khẳng định vị thế trong pha chế tại đấu trường quốc tế Asia Latte Art Battle

Vinamilk khẳng định vị thế trong pha chế tại đấu trường quốc tế Asia Latte Art Battle

(CLO) Vừa qua, Vinamilk đã có cơ hội đồng hành cùng giải thi Asia Latte Art Battle diễn ra từ ngày 09 đến ngày 11/5/2024 trong khuôn khổ triển lãm quốc tế Café Show 2024 tại SECC (TP.HCM).

Thị trường - Doanh nghiệp
Ai “ghìm cương” được giá vàng SJC?

Ai “ghìm cương” được giá vàng SJC?

(CLO) Giá vàng tăng liên tiếp nhiều tháng qua bất chấp nỗ lực bán ra hàng nghìn miếng vàng của Ngân hàng Nhà nước. Hiện Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm chặn đà tăng mạnh của giá vàng, đặc biệt là vàng SJC.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vì sao doanh nghiệp liên quan với thành viên của Sơn Kim Group bị kiện, yêu cầu phong tỏa tài khoản, cấm thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp?

Vì sao doanh nghiệp liên quan với thành viên của Sơn Kim Group bị kiện, yêu cầu phong tỏa tài khoản, cấm thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp?

(CLO) Vừa qua, doanh nghiệp có liên quan mật thiết với thành viên của Sơn Kim Group đã bị khởi kiện về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”. Ngay sau đó, nguyên đơn cũng có đơn yêu cầu phong tỏa tài khoản, cấm thực hiện hành vi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh người đại diện của công ty nói trên.

Thị trường - Doanh nghiệp