Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA):

Cơ hội lớn để nông sản Việt đa dạng thị trường xuất khẩu

Thứ năm, 13/02/2020 11:24 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua vào ngày 12/2 là cơ hội cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng...

Sự kiện: nông sản

Giữa lúc dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra, Trung Quốc đã tiến hành đóng cửa biên giới với Việt Nam, nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta, bởi đây là thị trường xuất khẩu chính của chúng ta từ trước đến nay. Vì vậy, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua vào ngày 12/2 là cơ hội cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng... Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết của Hiệp định này, Nhà nước cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần có những bước đi, chính sách hợp lý.

Nông sản Việt: Phát triển chưa xứng tiềm năng

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: lúa gạo, cà phê, tiêu, thủy sản, các mặt hàng khác như: rau củ, trái cây cũng đã từng bước thâm nhập thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phần lớn duy trì ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún trong phạm vi hộ gia đình với phương thức canh tác thủ công, hạn chế về cơ giới hóa và chế biến nên phần lớn nông sản vẫn đang xuất khẩu thô, giá trị mang lại không cao. Nông sản Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua. Việc này được nhận định là do chúng ta quá phụ thuộc vào một thị trường, khiến nông sản Việt rơi vào thế bị động.

nong-san_ (1)

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 11/2, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, nhiều doanh nghiệp nông sản của tỉnh này “điêu đứng” khi Trung Quốc đóng cửa khẩu để phòng, chống dịch bệnh, bởi hầu hết các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Đồng Nai chủ yếu xuất sang Trung Quốc. “Do hoạt động giao thương giữa 2 nước đang bị ngưng trệ nên nhiều sản phẩm của Đồng Tháp bị tồn đọng. Cụ thể, khoai lang bị đình trệ khoảng 11.000 tấn, quả ớt là 6.700 tấn... Bên cạnh đó, 90.000 tấn xoài chuẩn bị thu hoạch trong khoảng 30 ngày tới, bà con đang rất lo lắng”, ông Dũng cho hay. Ngoài ra, sản phẩm xoài của Đồng Nai sẽ vào mùa thu hoạch trong khoảng 30 ngày tới, với sản lượng dự tính là 90.000 tấn cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dịch do virus Corona.

Còn theo bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La, tỉnh có 10 mặt hàng nông sản tham gia xuất khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường chính. Việc Trung Quốc đóng cửa biên giới, nhiều mặt hàng như xoài, nhãn, mận, chuối, thanh long, chanh leo,… đang vào mùa thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Theo bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại của MM Mega Market, chúng ta cần phải tìm đến những thị trường xuất khẩu mới, bền vững, tránh tình trạng khi một thị trường dừng mua hàng thì nông sản của Việt Nam ngay lập tức rơi vào tình trạng khó khăn.

EVFTA là cơ hội lớn cho nông sản Việt

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua vào hôm nay (12/2) sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng...

“Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt được con số kỷ lục, đây là nỗ lực của chúng ta trong việc mở cửa thị trường, là việc các hiệp định tự do (FTA) được ký kết. Bước đầu, chúng ta đã tận dụng, khai thác được ưu thế mà các hiệp định này mang lại. Đối với hiệp định EVFTA đã được ký kết và chờ phê chuẩn, chúng tôi đang thực hiện rất tích cực việc tuyên truyền, phổ biến lợi thế mà hiệp định này mang lại khi có hiệu lực.

Chúng tôi rất hy vọng các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng sớm có nghiên cứu, có chiến lược của mình đối với từng mặt hàng, từng thị trường để tận dụng được lợi thế mà hiệp định mang lại”, Thứ trưởng Hải cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, với EVFTA, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi xuất sang EU ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này đều là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản. Các ngành chịu sức ép cạnh tranh dự kiến gồm có hóa chất; phương tiện và thiết bị vận tải; thực phẩm chế biến và sản phẩm kim loại cơ bản.

Tuy nhiên, dù là các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng cũng không hẳn là không phải đối mặt với thách thức. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, để có thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Á khác, những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần nghiên cứu các quy định khắt khe của họ. Bởi, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. 

“Khi hiệp định được thông qua, đương nhiên doanh số xuất khẩu tăng lên, mặt hàng nông sản, hoa quả xuất khẩu cũng tăng lên, đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm của chúng ta phải tăng lên, đáp ứng được quy định khắt khe của thị trường. Điều này phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan liên quan như hiệp hội, DN”, ông Đỗ Thắng Hải cho hay.

Nâng cao chất lượng là “chìa khóa” mở cửa các thị trường mới

Mặc dù ta đã thực hiện tốt vấn đề mở cửa thị trường về mặt thuế quan, tuy nhiên, có thể nhìn nhận, vấn đề đặt ra đối với ngành rau quả Việt Nam hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước; quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó kiểm soát được nguồn cung và vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…; dẫn đến khó khăn trong việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm (do vậy, nhiều mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường).

Hiện nay, Bộ Công Thương đang rất tích cực phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan chủ trì về công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản cùng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nội dung sau: tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó; lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo…

Trong bối cảnh đã được mở cửa thị trường tối đa về mặt thuế quan, xuất xứ hàng hóa… như hiện nay, khi các giải pháp liên quan đến mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hàng hóa như đã nêu trên phát huy tác dụng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ ghi nhận được những bứt phá mới trong xuất khẩu, đóng góp ngày càng quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước, nhằm hiện thực hóa các lợi thế về đàm phán mở cửa thị trường mà Bộ Công Thương đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, góp phần phát triển bền vững xuất khẩu nông sản của ta trong bối cảnh mới.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn