Phát triển mạng xã hội cho người Việt:

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp công nghệ?

Thứ năm, 01/08/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những bất cập trong cách hoạt động của Facebook, Google hiện nay khiến cho việc xây dựng mạng xã hội mới của Việt Nam với nguyên tắc tôn trọng luật chơi, tuân thủ pháp luật và một công cụ tìm kiếm có kết quả đáng tin cậy là cần thiết, được kỳ vọng tạo ra lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp...

Đua nhau cung cấp mạng xã hội…

Trong năm 2019, dự kiến sẽ có tới 5 mạng xã hội Việt ra mắt do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, sau những rầm rộ ban đầu, việc các mạng xã hội Việt có trụ được trong cuộc đua đường dài hay không vẫn là câu hỏi ngỏ nếu nhìn vào sự tồn tại “èo uột” của những mạng xã hội này.

Đầu tháng 6/2019, mạng xã hội (MXH) chuyên về du lịch Hahalolo ra mắt với những tuyên bố rất mạnh mẽ là sẽ đạt “2 tỷ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ)”, cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Tuy nhiên, mục tiêu quá tham vọng này đã nhận được nhiều phản ứng không tích cực từ chính phía người dùng, cũng như xét trên cơ sở nền tảng còn khá sơ sài của MXH này.

Ngày 23/7, thêm MXH Gapo ra mắt, nhắm vào giới trẻ Việt với mục tiêu thu hút 3 triệu người dùng đến năm 2020 và 50 triệu người dùng tính đến 2021. Khác với Hahalolo gây tranh cãi khi khá “mập mờ” về nguồn vốn đầu tư thì trong buổi ra mắt, Gapo cho biết nhận được cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ quỹ G-Capital cho giai đoạn 2019 - 2021.

c043a79c6cf2449f812cd30c41acc545

Tuyên bố trên Facebook, ông Dương Vi Khoa - Giám đốc chiến lược Gapo, cho biết ngoài những tính năng tương tác như các MXH hiện tại, Gapo sẽ chia sẻ lợi nhuận với người dùng đã định danh, tạo được nội dung hấp dẫn trên nền tảng của Gapo, mà không cần là một KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) hay người nổi tiếng. Tuy nhiên, MXH này mới được triển khai từ tháng 4/2019 và ra mắt sau hơn 3 tháng, đã gặp trục trặc lỗi hệ thống truy cập ngay trong ngày đầu tiên giới thiệu. Thậm chí, Gapo còn vướng nghi vấn sao chép từng chữ chính sách bảo mật của Google.

Cuối năm 2018, dù không quảng bá rầm rộ như Hahalolo hay Gapo, MXH VietNamTa cũng đã ra mắt và hiện có khoảng 50.000 người sử dụng. Được biết, tháng 9 tới đây sẽ có thêm một MXH về tin tức do một công ty công nghệ lớn ấp ủ ra đời. Với thời gian xây dựng khá dài, nền tảng kỹ thuật tốt do được thừa hưởng đội ngũ kỹ sư công nghệ lớn từ công ty mẹ, nguồn vốn đầu tư khá dồi dào, MXH này hứa hẹn sẽ có nhiều khác biệt so với một số MXH vừa ra mắt thời gian qua.

Tuy nhiên, điểm chung của những nền tảng MXH đã và sắp ra mắt là giao diện sử dụng “nhang nhác” Facebook và chưa tạo được những sức hút riêng biệt để cạnh tranh thu hút người dùng. Theo đánh giá của người dùng tải app VietNamTa trên CH Play, Appstore, bên cạnh những ý kiến ủng hộ “hàng Việt”, không ít người dùng phàn nàn vì thủ tục khá phức tạp, khó đăng ký tham gia, tải ảnh chậm, giao diện còn đơn điệu... Tương tự, phản hồi từ người dùng với MXH Gapo cũng chưa tích cực do sự cố “sập” hệ thống ngay khi ra mắt. Hiện Gapo mới hoạt động trên app (ứng dụng trên điện thoại), chưa hỗ trợ phiên bản web cũng là một điểm khó thu hút.

1e4c3bfa54babde4e4ab

Trước đó, nhiều MXH Việt đã từng thu hút được lượng khá lớn người dùng, nhưng sau đó đều thất bại. Zing me, một sản phẩm của Công ty VNG là MXH đầu tiên tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook, có những thời điểm MXH này đã vượt Facebook về số lượng người dùng trong giai đoạn Facebook mới vào thị trường VN năm 2009 - 2011. Tuy nhiên, từ 2012 Facebook đã vượt lên rất nhanh, bỏ xa Zing me. Thất bại với Zing me, VNG đã chuyển hướng sang tập trung vào chiến lược OTT trên nền tảng mobile và thành công với Zalo.

Một MXH khác của VN ra đời từ những ngày đầu tiên để cạnh tranh với Facebook là Go.vn của VTC, được đầu tư rất lớn từ kỹ thuật đến truyền thông, với kỳ vọng một mạng hàng đầu về giáo dục, giải trí và giao tiếp trực tuyến. Nhưng mục tiêu này đã không thành công, tới nay, Go.vn đang hoạt động như một trang tin tức tổng hợp. Chưa hết, một ông lớn khác là VCCorp đang xây dựng một mạng xã hội riêng, với sự đầu tư khá lớn đến từ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Dự kiến, cuối năm 2019, mạng xã hội này sẽ chính thức ra mắt.

Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó cấp mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép. Tính đến hết tháng 6/2019, Facebook công bố số lượng người dùng mạng xã hội này hàng tháng tại Việt Nam khoảng 60 - 65 triệu người. Trong khi đó, số lượng người dùng của các mạng xã hội Việt Nam kém hơn rất nhiều. Zalo, một ứng dụng OTT hoạt động tương tự mạng xã hội, có số lượng người dùng hàng tháng vào khoảng 46,7 triệu. Còn Mocha, có số lượng người dùng  hàng tháng vào khoảng 4,8 triệu. Số mạng xã hội có tên tuổi, có lượng người dùng vượt trên 1 triệu, hiện chỉ mới có Zalo, Mocha, còn lại các mạng xã hội nhỏ “vô danh” thì nhiều không đếm xuể.

Dù thời gian sử dụng internet của VN ở mức khá cao so với thế giới, nhưng phần lớn thời gian người dùng dành cho những ông lớn xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Instagram. VN xếp thứ 7 trên thế giới về số người sử dụng Facebook. Facebook và YouTube cũng là những trang đang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%, nguồn tiền quảng cáo cũng rơi phần lớn vào túi những DN này.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018 doanh thu quảng cáo số tại thị trường VN đạt khoảng 550 triệu USD, trong đó riêng 2 MXH nước ngoài chiếm 67%, Facebook đạt 235 triệu USD, Google (YouTube) đạt gần 133 triệu USD. Hàng nghìn DN nội dung số, truyền hình và báo điện tử chỉ chiếm hơn 30% doanh thu còn lại.

Con số này khá mâu thuẫn nếu nhìn vào số lượng người sử dụng. Tính đến cuối tháng 6/2019, số lượng người dùng Facebook tại VN khoảng 60 - 65 triệu người, số người dùng YouTube khoảng 30 triệu. Trong khi theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số người dùng 2 MXH trong nước là Zalo (VNG) và Mocha (Viettel) hằng tháng lần lượt lên tới 46,7 triệu và 4,8 triệu. Như vậy, ngay cả Zalo vốn không thua kém nhiều về số lượng người dùng, nhưng doanh thu từ quảng cáo lại kém rất xa so với 2 ông lớn Facebook và YouTube. Trong khi đó, dù chiếm phần lớn doanh thu, song Facebook và YouTube lại đang không phải đóng bất kỳ đồng thuế nào cho VN.

“Cửa sống” cho mạng xã hội Việt

Doanh nghiệp Việt muốn thành công, đừng cạnh tranh với “quái vật” Facebook, bởi đó là một nền tảng ưu việt về công nghệ, giàu vô đối về tài chính và có quyền lực vô hình khắp thế giới. Tuy nhiên, điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Facebook là một nền tảng dùng chung cho tất cả mọi người, cả thế giới. Bởi thế, “khe cửa hẹp” cho các mạng xã hội Việt là xây dựng những mạng chuyên biệt cho mình như mạng xã hội chuyên về sức khỏe, thể thao, du lịch, mua sắm…

Mặt khác, công nghệ luôn có vòng đời của nó. Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), theo xu hướng phát triển của công nghệ thì Facebook và các mạng xã hội sẽ không thoát khỏi vòng luân hồi “sinh, lão, bệnh, tử”, không có một công nghệ nào có thể sống mãi, mà luôn có những công nghệ mới, thay thế cho những công nghệ cũ. Giống như Yahoo đã bị khai tử khi mà mạng xã hội phát triển, Facebook hiện trong giai đoạn thoái trào.

“Nhiều nhu cầu thông tin của người Việt Nam, Facebook chưa đáp ứng được. Do đó, mục đích của Nhà nước là tạo ra một mạng xã hội Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin tốt hơn của người dân Việt Nam, cung cấp những thông tin lành mạnh, thông tin có ích”, ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc VCCorp nhận định, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường, giành lại chủ quyền thông tin từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Bởi vì, các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. Nếu các bên có nội dung mạnh thì có thể đàm phán và chiếm lợi thế.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, định hướng phát triển các mạng xã hội Việt Nam là phải có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. Mô hình mạng xã hội mới là giá trị tạo ra của người dùng phải được chia sẻ, luật chơi phải có sự tham gia của khách hàng.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để mạng xã hội Việt không “đầu voi đuôi chuột” chết yểu được nhiều doanh nghiệp Việt đề xuất là cơ chế chính sách. Họ mong muốn chính sách dành cho doanh nghiệp nội dung số không bị trói chân tay, bị nhiều rào cản khi cạnh tranh với mạng xã hội xuyên biên giới.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn